Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 9 năm 2021 | 17:53

Thị trường nông sản dịp cuối năm: Xây dựng phương án gỡ khó, ổn định cung - cầu

Ngành Nông nghiệp đang nỗ lực ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời hướng đến thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021.

 

1-3.jpg
Chăm sóc gia cầm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco. Ảnh: Quỳnh Dung

 

Từng bước gỡ khó cho thị trường gà cuối năm

Trong nhiều hoàn cảnh, việc các đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi tăng mạnh là tín hiệu vui cho nông dân, nhưng hiện nay đang hiện hữu mối lo khi hàng hóa tồn đọng. Bởi hiện nhu cầu tiêu thụ giảm do giãn cách xã hội, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, khiến sản phẩm không bán được, ứ đọng tại chuồng nhiều.

Ngoài ra, người chăn nuôi còn phải chịu áp lực khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020, nên nhiều trại nuôi phải giảm đàn, hoặc treo chuồng.

Những tháng gần đây, các chủ trại gia cầm liên tiếp kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xin gia hạn nợ vay ngân hàng. Ế trầm trọng nhất là gà trắng, chỉ tiêu thụ được 5% tại 19 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Cục Chăn nuôi, ở khu vực ĐBSCL hiện có hơn 9 triệu con gà trắng quá lứa, hoặc đến kỳ xuất chuồng chưa bán được, nên càng nuôi càng lỗ. Nếu có bán được thì rất ít và giá chỉ từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 25 - 30% giá thành làm ra.

Còn tại miền Bắc, nuôi nhiều gà màu hơn, ế đọng tuy ít hơn, nhưng lượng gà thịt cũng chỉ tiêu thụ được 70%. 30% còn lại, tương đương khoảng 25,5 triệu con gà màu, cũng đang rơi vào tình cảnh khó tiêu thụ.

Gà không bán được, không có chuồng trại, người dân không có vốn xoay vòng để đầu tư tái đàn. Không chỉ các trại ấp nở gia cầm nhỏ, mà hàng loạt xưởng, nhà máy giống gia cầm lớn cũng phải giảm công suất. Thậm chí, gà giống cụ kị, ông bà phải bán đi làm gà thịt, trứng giống đang ấp phải chuyển ra bán trứng thương phẩm hoặc trứng thải loại, thiệt hại rất lớn.

Điều đáng ngại, hiện nhiều tập đoàn giống lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, có chuỗi liên kết khép kín và mạng lưới hàng trăm nghìn trại nuôi khắp cả nước cũng phải giảm công suất ấp nở tới 50%.

Một nửa số máy ấp hiện đại đã dừng ấp trứng. Lượng trứng chờ ấp đã giảm trên 40%. Giá thành 1 quả trứng giống là 7.000 đồng, nhưng hàng chục nghìn trứng giống đã phải bán ra với giá trứng thương phẩm, 2.000 đồng/quả. Lý do là hàng loạt hợp đồng mua giống bị hủy bất thình lình do dịch COVID-19. Dù dự báo cuối năm nhu cầu thực phẩm sẽ tăng, nhưng tập đoàn cũng không dám để lại nuôi số gà giống ế thừa.

Hơn 30 xe tải chuyên vận chuyển gà giống đi bán nay hầu hết nằm bãi. Một số ít xe đi đưa hàng thì phát sinh chi phí lớn gần gấp đôi trước kia. Thời gian đưa hàng dài hơn nhiều. Thậm chí, chất lượng gà giống có thể bị giảm do chờ đợi kiểm dịch trên đường.

"Chi phí xét nghiệm lên khoảng 35 triệu đồng cho 14 người. Xăng dầu đội lên gấp đôi", anh Nguyễn Đình Lục, Đội trưởng Đội xe vận tải, Công ty Gà giống Dabaco, cho hay.

Chuỗi chăn nuôi khép kín từ giống, thức ăn cho đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia cầm đã phải bù lỗ hàng năm, nay xác định không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt một nửa doanh thu so với những năm trước.

Theo đại diện ngành chăn nuôi, việc tái đàn gà thường nhanh hơn các loại vật nuôi khác do suất đầu tư tái đàn gà thấp hơn. Vì vậy, việc cân đối cung cầu sản phẩm từ gà dịp cuối năm không quá khó như với lợn, bò, trâu…

Bên cạnh việc chấp nhận lỗ thời gian này, nhằm để duy trì bộ máy và thị trường khách hàng, nên nhiều địa phương, cơ sở đã và đang nỗ lực, linh hoạt, từng bước gỡ khó cho thị trường gà cuối năm.

Ghi nhận tại xưởng ấp nhỏ của Xí nghiệp Chăn nuôi Gia cầm HADICO tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, giữa lúc nhiều cơ sở ấp giống gà phải ngưng hoạt động, cứ 2 ngày, xưởng này vẫn xuất 25.000 con gà giống. Nguyên nhân chính là do cơ sở chỉ sản xuất giống gà Mía Sơn Tây giữa xã Đường Lâm, nơi phát tích ra con gà bản địa quý hiếm được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa, chất lượng con giống ở đây luôn đảm bảo nhất khu vực.

Số lượng 50.000 gà giống cụ kị, ông bà, bố mẹ của doanh nghiệp nhỏ này đã được tuyển chọn kỹ càng. Chuồng trại, thức ăn, chế độ chăm sóc phù hợp với tập tính sinh trưởng và giảm được giá thành con giống thấp nhất.

"Chúng tôi đã liên kết với các trung tâm xúc tiến thương mại để quảng cáo và phải phối trộn thêm, hạ thấp giá thành, chất lượng thịt thơm ngon hơn", ông Nguyễn Duy Vụ, Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi Gia cầm HADICO, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, chia sẻ.

Kinh nghiệm chọn giống tốt, giống theo nhu cầu cao của thị trường và công thức chăn nuôi giảm giá thành cũng được cơ sở giống gà hiện đại top đầu cả nước như Dabaco áp dụng. Đặc biệt là bài học xây dựng chuỗi liên kết khép kín bền chặt giữa các chủ trại, doanh nghiệp vật tư và chế biến, phân phối.

"Chúng tôi cũng đã chủ động chọn tạo một số bộ giống mới để giúp bà con giảm được chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài khả năng kháng bệnh, thích nghi, những bộ giống mới này còn có ưu điểm nữa là phù hợp với thị hiếu tiêu dùng", kỹ sư Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty Gà giống Dabaco, cho biết.

"Chúng tôi vẫn khuyến cáo rằng nên sản xuất theo chuỗi để tận dụng lợi thế của địa phương, kể cả nguồn nguyên liệu thức ăn", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh.

Lúc này, ngành nông nghiệp khuyến khích các cơ sở giống chấp nhận lỗ, để duy trì đàn giống có giá trị và đội ngũ nhân công thạo nghề, cùng mạng lưới khách hàng. Các ngân hàng cũng nên hỗ trợ, gia hạn nợ cho người chăn nuôi để cuối năm, người tiêu dùng không bị thiếu sản phẩm từ gà và ổn định cung cầu về lâu dài.

Giải pháp tạo “vùng xanh” nông sản

Ngành Nông nghiệp đang nỗ lực ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời hướng đến thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Hiện, toàn ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp xây dựng “vùng xanh” cho nông sản, duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, từ đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm hoạt động nuôi trồng, thu hoạch, chế biến không bị gián đoạn, xây dựng những “vùng xanh” nông sản... Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động duy trì sản xuất, kinh doanh bằng nhiều cách như thực hiện phương án “3 tại chỗ”, mở thêm nhiều điểm bán hàng...

 

hang_hoa_2_b2bd4.jpg
Phun khử khuẩn hàng nông sản đảm bảo lưu thông an toàn.

 

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín, Hà Nội) Bùi Thị Thanh Hà thông tin: Hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện ích..., với sản lượng mỗi ngày cung ứng gần 1 tấn rau, củ, quả các loại.

Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng “vùng xanh”, bảo đảm hoạt động sản xuất. Cụ thể, mỗi gia đình hằng ngày chỉ để một người ra đồng làm việc; công nhân ở lại các trang trại chăn nuôi vừa làm việc, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Do đó, tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội trong 7 tháng qua đạt hơn 3%.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Nhìn chung, thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sản lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực vẫn duy trì ổn định. Đặc biệt, tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp 7 tháng năm 2021 đạt hơn 3,8%; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; không gây biến động lớn về giá nông sản trên thị trường.

Bộ NN&PTNT nhận định, những tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản cũng như việc cung ứng nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất. Thêm nữa, thời gian tới, nhiều loại nông sản sẽ vào vụ thu hoạch, do vậy có nguy cơ dư thừa nguồn cung ở các vùng sản xuất.

Để khắc phục những vấn đề trên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng cung vượt cầu; đồng thời linh hoạt triển khai các giải pháp tiêu thụ sản phẩm.

 

so-che-rau-tai-hop-tac-xa-s.jpg
Sơ chế rau tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín).

 

Hiện, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát nhu cầu thị trường, giá vật tư nông nghiệp trong nước và thế giới để phối hợp với địa phương, doanh nghiệp kịp thời triển khai các giải pháp không để tăng đột biến về giá. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp phải hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố; chủ động cung ứng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cần xây dựng “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các loại nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch và thời gian bảo quản ngắn.

Tính toán kỹ tổng cung - tổng cầu, xây dựng các phương án ứng phó

Tổ công tác phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch.

Điều này kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm, tại một số địa phương tồn đọng khối lượng lớn các nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu.

Tổ công tác đã giao các đơn vị tính toán kỹ cung cầu, xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó trong các tình huống có thể xảy ra đến quý 1/2022.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hoạt động sản xuất lương thực tại các địa phương nhìn chung diễn ra theo đúng kế hoạch mùa vụ.

Về rau, củ, quả, một số tỉnh phía Bắc đang chuẩn bị và bước vào gieo trồng rau vụ Đông. Nhìn chung sản lượng rau, quả sản xuất của các địa phương đủ đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, cung cấp cho các tỉnh thành khác và xuất khẩu.

Hiện nay, một số loại nông sản đang trong vụ thu hoạch như: na, nhãn với sản lượng hàng nghìn tấn tập trung tại một số địa phương của Thái Nguyên như Võ Nhai, Đồng Hỷ... cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cho người dân.

 

_nh-13-2.jpg
Ảnh minh họa.

 

Phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng tới Tổ công tác cũng cho thấy ngành chăn nuôi nhất là khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất kinh doanh, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này gây phát sinh các chi phí chăm sóc, ăn uống khi không xuất chuồng được, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngày một tăng cao. Mức độ tiêu thụ sản phẩm gia cầm, ngoại trừ mặt hàng trứng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Với thủy sản, chỉ có 30% doanh nghiệp thủy sản phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ,” công suất sản xuất trung bình giảm còn từ 40-50%.

Nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt từ 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Dự báo, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt từ 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu.

Ngành chế biến gỗ cũng chỉ có 60% doanh nghiệp đảm bảo sản xuất theo quy định “3 tại chỗ”, 40% còn lại phải ngừng sản xuất. Chi phí xét nghiệm cao là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo Tổ công tác phía Bắc, đã có 23/31 địa phương phía Bắc cử đầu mối phối hợp với Tổ công tác và cung cấp danh sách 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản nhập vào cơ sở dữ liệu của Tổ công tác.

Cụ thể, lúa gạo 181 đầu mối; rau củ quả 436; thịt, trứng gia cầm 505; thủy hải sản 819; sản phẩm chế biến đông lạnh 97; thực phẩm tổng hợp 55 đầu mối.

Tổ công tác đã phối hợp với Hội đồng Khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp số hoàn thiện xây dựng khung Hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản khu vực phía Bắc.

Hiện tổ công tác đang cập nhật dữ liệu từ các địa phương gửi về và sẽ triển khai biểu diễn mô hình thí điểm trên cơ sở số liệu tháng 8.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến - Tổ trưởng Tổ công tác phía Bắc giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các chuyên gia của Hội đồng Khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp số hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản phía Bắc, trình Tổ trưởng Tổ công tác phê duyệt trước ngày 10/9/2021, để có cơ sở đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ đạo các đơn vị khối sản xuất: Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi cập nhật số liệu, phối hợp với Trung tâm Tin học Thống kê xây dựng kế hoạch sản xuất, ước sản lượng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu từ nay tới hết quý 1/2022; tính toán kỹ tổng cung, tổng cầu, xây dựng các phương án cụ thể để đối phó trong các tình huống có thể xảy ra, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Các đơn vị trên cũng phải chủ trì tổ chức buổi làm việc giữa Tổ công tác và hiệp hội ngành hàng liên quan để nắm bắt các khó khăn vướng mắc cụ thể còn tồn tại, tổng hợp, kiến nghị bộ, ngành và Chính phủ.

 

Trong 7 tháng của năm 2021, cả nước đã thu hoạch 6,5 triệu héc ta lúa, sản lượng đạt 23,7 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; diện tích rau khoảng 2 triệu héc ta, sản lượng đạt hơn 9,8 triệu tấn, tăng 1,2%.

Về chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm phục hồi và ổn định: Đàn bò đạt hơn 56.000 con, tăng 2,3%; đàn lợn đạt hơn 27 triệu con, tăng 6,1%; đàn gia cầm hơn 500 triệu con, tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Sản lượng thủy sản đạt hơn 4,9 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top