Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 5 năm 2022 | 16:4

Thịt nhân tạo: Giải pháp giảm phát thải CO2 trong nông nghiệp

Theo một nghiên cứu mới đây, nếu sử dụng thịt nhân tạo làm từ protein thay cho 50% lượng thịt đỏ tiêu thụ sẽ giúp giảm tới 80% số cây trồng bị chặt hạ và lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Thị trường có thể đạt 140 tỷ USD vào năm 2030

Năm 2013, một nhóm khoa học gia người Hà Lan tuyên bố chế tạo thành công thứ họ khẳng định là chiếc bánh mì kẹp thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, lĩnh vực thịt nhân tạo nhận được nhiều sự quan tâm và có bước tiến đáng kể.

Đến tháng 12/2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán thịt nhân tạo. Công ty Eat Just (Mỹ) khi đó thông báo thịt gà “sản xuất trong phòng thí nghiệm” của họ đã được cấp phép sau khi vượt qua bài kiểm tra an toàn của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA). Công ty này còn khẳng định, đây là “bước đột phá của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu”, có thể mở cánh cửa đi đến tương lai không giết mổ động vật để lấy thịt. Theo báo The Guardian, hiện có khoảng 130 triệu con gà và 4 triệu con heo bị giết mỗi ngày để lấy thịt trên toàn thế giới.

 

02.jpg
Ảnh chụp thịt bò nhân tạo đầu tiên trên thế giới, được nuôi cấy từ tế bào gốc, tại thủ đô London - Anh, hồi tháng 8/2013 Ảnh: REUTERS

 

Nhu cầu về các giải pháp thay thế thịt thông thường đã tăng mạnh khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, phúc lợi động vật và môi trường. Đài BBC mới đây dẫn báo cáo của Công ty Barclays (Anh) cho biết, thị trường thịt nhân tạo có thể đạt giá trị 140 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 10% giá trị ngành công nghiệp thịt toàn cầu. Những sản phẩm “thịt chay”, như của Công ty Beyond Meat và Công ty Impossible Foods (đều của Mỹ), xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị và nhà hàng.

Những năm gần đây, hàng chục công ty khởi nghiệp đã nỗ lực đưa thịt gà, bò và heo nhân tạo đến thị trường, với cam kết về một sản phẩm giúp trút bớt gánh nặng đạo đức. Trong số này, nổi bật là Công ty Future Meat Technologies (Israel) và Công ty Memphis Meat (Mỹ, được tỉ phú Bill Gates hậu thuẫn). Cả 2 công ty này đều đang hướng đến các sản phẩm thịt gốc thực vật có mùi vị giống thịt thật và giá cả phải chăng.

Tương lai của công nghệ thực phẩm Mỹ

Thịt nhân tạo được coi là tương lai của ngành sản xuất thực phẩm ở Mỹ do loại bỏ được quá trình giết mổ động vật và giúp giảm bớt tác hại môi trường của ngành chăn nuôi.

Công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm Upside Foods của Mỹ đang xây dựng một cơ sở sản xuất mới ở Bay Area có thể sản xuất 22,6 tấn thịt nhân tạo mỗi năm. Theo Futurism, điều này sẽ làm thay đổi công nghệ sản xuất thực phẩm trong tương lai, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.

Upside Foods là công ty lớn nhất của Mỹ sản xuất thịt nhân tạo từ tế bào mà không giết mổ bất kỳ động vật nào, Food Dive đưa tin. Cơ sở có trụ sở tại California được lên kế hoạch từ lâu đã mở cửa gần đây và là cơ sở sản xuất thịt nhân tạo lớn đầu tiên được hoàn thành tại Mỹ. Các chuyên gia tin rằng, cơ sở này có thể báo trước một kỷ nguyên sản xuất thịt mới.

 

Thịt nhân tạo là những sản phẩm thay thế thịt thông thường, cung cấp protein cho cơ thể con người. Có 2 loại thịt nhân tạo là thịt từ thực vật và thịt nuôi cấy từ tế bào động vật.

Thịt từ thực vật được sản xuất bằng cách chiết xuất protein từ các nguồn thực vật như đậu nành, lúa mì. Các chiết xuất protein này được gia nhiệt, đùn ép và làm lạnh để  tạo thành kết cấu giống như thịt, cuối cùng được cho thêm các thành phần và phụ gia khác (ví dụ như thêm nước ép củ cải đỏ để bắt chước máu hoặc thêm dầu dừa, dầu hạt cải để sản phẩm có vị béo giống mỡ...).

Thịt nuôi cấy từ tế bào (cell-cultured meat), còn có các tên khác là thịt ống nghiệm (in vitro meat), thịt phòng thí nghiệm (lab-grown meat), thịt tổng hợp (synthetic meat), ra đời bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ của động vật trong một môi trường được kiểm soát. Các chất dinh dưỡng không được tổng hợp bởi tế bào cơ như sắt, vitamin B12 sẽ được bổ sung trong môi trường nuôi cấy để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt thông thường.

 

Thông thường, các cơ sở sản xuất thịt tại Mỹ phải được đặt ở xa khu vực lân cận vì chất thải, âm thanh và mùi khó chịu từ quá trình giết mổ. Nhưng do cơ sở của Upside Foods không giết mổ nên những điều này không còn là vấn đề. Hiện tại, EPIC có thể sản xuất hơn 22 tấn thịt mỗi năm. Nhưng công ty đang có kế hoạch mở rộng và tăng sản lượng lên đến gần 200 tấn mỗi năm.

“Đó là một phần của điều thú vị về chương trình sản xuất thực phẩm mới này” - Amy Chen, Giám đốc Điều hành (COO) của Upside Foods, chia sẻ - “Chúng tôi tin rằng, thịt nhân tạo sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới trong ngành sản xuất thực phẩm”.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà máy thí điểm duy nhất có quy mô tương tự như Upside Foods là Future Meat Technologies, trụ sở tại Israel, trong khi hầu hết các công ty sản xuất thịt nhân tạo có quy mô nhỏ. Với cơ sở mới nhất của mình, Upside Foods hoàn toàn có thể củng cố vị trí của mình trong ngành công nghiệp thực phẩm nhân tạo.

Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa đưa ra bình luận  về thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Thông tin về thời điểm thịt nhân tạo được bán trên thị trường cũng chưa được đưa ra. Công ty Upside Foods cũng chưa đưa ra giá bán cho loại thực phẩm mới này, nhưng có lẽ mức giá của chúng không hề rẻ.

Giảm phát thải CO2 trong nông nghiệp

Nếu dần thay thế 20% thịt bò và thịt cừu tiêu thụ trên toàn cầu bằng thịt nhân tạo, lượng khí thải CO2 trong nông nghiệp và nạn phá rừng sẽ giảm 50% vào năm 2050. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 4/5 trên tạp chí Nature.

Nghiên cứu nêu rõ, đặt trong so sánh với xu hướng gia tăng dân số và nhu cầu, nếu sử dụng thịt nhân tạo làm từ protein thay cho 50% lượng thịt đỏ tiêu thụ sẽ giúp giảm 80% số cây trồng bị chặt hạ và lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Chuyên gia Florian Humpenoder thuộc Viện Nghiên cứu tác động Khí hậu Potsdam, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chỉ cần thay đổi tương đối nhỏ trong thói quen tiêu thụ thịt, chúng ta có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động phá rừng nhiệt đới. Điều này sẽ đóng góp quan trọng cho nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác”.

 

03.jpg
Bên trong nhà máy sản xuất thịt nhân tạo ở Rehovo. Ảnh: Future Meat.

 

Theo Ủy ban Tư vấn về khoa học khí hậu của Liên Hợp quốc, hệ thống thực phẩm toàn cầu thải ra gần 30% lượng khí CO2 gây ô nhiễm môi trường, trong đó chăn nuôi gia súc là “thủ phạm chính” trong ngành nông nghiệp. Hoạt động chăn nuôi khiến diện tích các khu rừng nhiệt đới, vốn có tác dụng hấp thụ khí CO2, bị thu hẹp để làm bãi chăn thả và lấy thức ăn cho gia súc.

Thêm vào đó, cơ chế tiêu hóa của các loài gia súc nhai lại còn là nguồn chính thải khí methane, vốn có nguy cơ gây hiệu ứng nhà kính cao hơn 30 lần so với khí CO2 trong vòng 100 năm.

Nghiên cứu giả định rằng, các phương pháp chăn nuôi và mô hình tiêu thụ thịt hiện nay tiếp tục diễn ra trong 30 năm tới, diện tích đồng cỏ sẽ tăng thêm gần 1 triệu km2. Tuy nhiên, nếu 20% lượng thịt đỏ tiêu thụ được thay thế bằng thịt nhân tạo, diện tích đồng cỏ sẽ giảm xuống dưới mức hiện nay.

Phó giám đốc Trung tâm Chính sách môi trường (Đại học Hoàng gia London, Anh) Tilly Collins cho rằng, việc sản xuất thịt nhân tạo là biện pháp sinh học thay thế đầy hiệu quả, mở ra tiềm năng lớn về nguồn cung thực phẩm bền vững hơn.

Điều chưa chắc chắn hiện nay về thịt nhân tạo có lẽ là việc liệu những người yêu thích món thịt có sẵn sàng từ bỏ món ăn này để dùng loại thực phẩm thay thế hay không? Trong số 6 tác giả của nghiên cứu nói trên, mới có 1 người ăn thử loại thực phẩm này.

 

 

 

Chanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top