Chính trị gia Yunus Soner nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO là điều gần như không thể tránh khỏi.
Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO là “không thể tránh khỏi”
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong NATO đã nhanh chóng xấu đi trong tuần này sau khi một trong những cố vấn hàng đầu của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan tiết lộ thông tin rằng ông đã đề nghị Quốc hội xem xét lại tư cách thành viên của Ankara trong NATO.
Tờ Haberturk dẫn lời cố vấn trưởng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - ông Yalcın Topcu cho rằng, nước này nên xem xét lại tư cách thành viên của mình trong liên minh quân sự.
Ông Yalcın Topcu nhắc tới lực lượng hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 2 trong khối NATO, chỉ sau Mỹ nhưng cách mà liên minh này đối xử với Ankara là "tàn bạo và không khoan nhượng".
"Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại trong tổ chức NATO đã trở nên đáng nghi ngại", ông Topcu nói.
Nhận định về tình huống này, Yunus Soner, Phó Chủ tịch Đảng Kemalist Vatan (Đảng yêu nước) của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Sputnik rằng việc đất nước ông rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là điều gần như không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân do đâu?
Những diễn biến mới nhất này xảy ra không lâu sau sự cố chân dung của Tổng thống Recep Tayip Erdogan và nhà sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk xuất hiện trên bia mục tiêu được chỉ định dành cho "kẻ thù" trong cuộc tập trận của NATO ở Na Uy hồi tuần trước.
Theo ông Soner, nếu đến bây giờ mới đặt câu hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO đã là quá muộn và Ankara đã bắt đầu quá trình này.
“Một ví dụ minh chứng cho nhận định của tôi là Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với Nga, Iran và Iraq lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd ở Iraq chứ không làm điều này cùng với NATO”, chính trị gia Soner giải thích. “Một ví dụ khác về sự rút lui của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO là chính sách về Syria, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp với chiến lược của NATO nhưng lại được xác định trong quá trình đàm phán trực tiếp với Nga, Iran và gián tiếp với Syria”.
Ngoài ra, điều này cũng được minh chứng rõ nét trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar. Chính quyền Ankara đã bác đề xuất của Washington kêu gọi các nước Arab dòng Sunni thành lập một "NATO Arab” đặt dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia.
Theo ông Soner, yếu tố khiến Thổ Nhĩ Kỳ không còn mấy mặn mà với NATO đó là hiện nước này đã có những lựa chọn không tồi trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, cụ thể là với Nga và Trung Quốc.
Mối quan hệ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ấm lên rất nhiều kể từ khi 3 nước này cùng tìm được tiếng nói chung ở Syria. Mới đây nhất, ngày 22/11, lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp tại Sochi, Nga và thông qua tuyên bố chung, trong đó xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác về vấn đề Syria.
Ông Soner nhấn mạnh: “Tóm lại, mặc dù có sự tương tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trong các lĩnh vực quân sự và công nghệ nhưng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ không còn do các thành viên của liên minh quyết định. Vì thế, câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rút khỏi NATO hay không dường như đã không còn quá khó để trả lời”.
Chính trị gia Soner cho biết thêm: “Thời điểm quan trọng nhất và đáng chú ý nhất trong tiến trình chia tay NATO của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là việc Ankara theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập mà còn là việc giải phóng các ‘yếu tố’ NATO trong lực lượng vũ trang nước này – điều mà một số quan chức Mỹ đã nhận ra và bày tỏ quan ngại”.
Đối với giải thích của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng bê bối liên quan đến cuộc tập trận ở Na Uy là "hành động của cá nhân" và "không phản ánh quan điểm" của liên minh, ông Soner cho rằng, vấn đề này không thể đơn giản là lỗi kỹ thuật.
Theo Soner, hành động này có vẻ giống như sự khiêu khích trực tiếp của NATO và Mỹ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, nó giống như một minh chứng cho khoảng cách ngày càng bị nới rộng trong mối quan hệ giữa Ankara với NATO.
“Môi trường chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đầy rẫy những ý kiến phản đối việc hợp tác với NATO và với cả Mỹ”, Soner nói.
Hậu quả nhãn tiền
Nhận định về việc Thổ Nhĩ Kỳ rút lui, ông Soner cảnh báo điều này có thể dẫn tới hậu quả là sự sụp đổ của cả liên minh.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều lựa chọn thay thế, chẳng hạn như gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Với việc rút khỏi NATO và tham gia vào các cấu trúc Á-Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp nâng tầm khu vực này”, ông Soner nói.
Chính trị gia Soner cũng lưu ý: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ tự tách mình ra khỏi NATO cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh và cuối cùng, không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mà còn có một số nước thành viên khác cũng tìm cách tự tách mình ra khỏi khối liên minh quân sự này”.
Ông Soner nói thêm: “Một số nước thành viên NATO đã bày tỏ quan ngại về hoạt động của liên minh ở Ukraine trong khi Anh, Đức và Pháp rất quan tâm đến những thay đổi của chính quyền Mỹ đối với vấn đề Iran. Về lâu dài, các nước này cũng sẽ giống như Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm kiếm một hệ thống an ninh mới và kết quả là Mỹ sẽ bị bỏ lại một mình trong liên minh mà họ tạo ra. Định hướng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở đường cho những thay đổi cơ bản trong NATO”.
Có quan điểm tương đồng với ông Soner, Giám đốc Viện Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21 ở Ankara Cahit Armagan Dilek cho rằng có thể còn quá sớm để nói về câu chuyện rút hoàn toàn khỏi NATO, hiện Thổ Nhĩ Kỳ có thể và nên tập trung vào việc đình chỉ các hoạt động của liên minh trên lãnh thổ nước này.
Ông Dilek nhấn mạnh: “Cần phải hành động theo từng bước một. Đầu tiên, cần phải đóng băng toàn bộ hoạt động của Mỹ và NATO tại các căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp theo, có thể thu hồi giấy phép liên quan đến việc triển khai quân đội nước ngoài ở các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu bất kỳ các đơn vị nào hoạt động phát sinh những hậu quả không mong muốn phải rời đi”.
Theo nhà phân tích Dilek, các biện pháp khác có thể bao gồm việc đình chỉ sứ mệnh hải quân của NATO chống lại nạn di cư bất hợp pháp ở khu vực biển Aegean trước khi yêu cầu các tàu của liên minh rời khỏi lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ.
Về vấn đề Syria, những gì Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm là ngăn chặn “dòng chảy” cung cấp vũ khi cho Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) vốn được Mỹ hậu thuẫn.
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể phát động tấn công vào các kho vũ khí của YPG ở phía Đông sông Euphrates. Nên nhớ rằng, Mỹ thường xuyên gửi vũ khí và tham gia đào tạo binh lính với mục tiêu là thành lập một đội quân thường trực, tinh nhuệ của người Kurd”, ông Dilek nhận định./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…