Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 1 năm 2022 | 10:47

“Thủ phủ” hoa, cây cảnh “hóng” Tết

Được mệnh danh là “thủ phủ” hoa và cây cảnh của miền Bắc, nhưng người trồng hoa, cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) đang “đứng ngồi không yên” bởi “vắng bóng” người mua.

Tình trạng “ế ẩm” cũng xảy ra ở nhiều vùng miền,  dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần  - 2022.

Người trồng hoa lo khó tiêu thụ

Về Văn Giang (Hưng Yên), “thủ phủ” cung cấp hoa và cây cảnh của miền Bắc trong một chiều cuối năm 2021, những tưởng ở đây sẽ tấp nập “kẻ mua, người bán”. Nhưng không, điều dễ nhận thấy là, khung cảnh vắng vẻ, ảm đạm.

Ghé vào một vườn bưởi cảnh quả vàng óng, sai trĩu trịt, đã được trồng vào trong chậu và xếp ngay ngắn, anh Phạm Văn Hùng (Văn Giang), chủ vườn, cho biết, chưa bao giờ thấy thị trường ảm đạm như năm nay. Mọi năm vào thời điểm này, khách mua buôn, khách chơi cây cảnh đã đến đặt hàng, nhưng năm nay thì vắng hẳn.

 

3-1-1.JPG
Anh Phạm Văn Hùng bên chậu bưởi cảnh.

 

Anh Hùng nói: “Vườn bưởi cảnh của tôi có 200 gốc, nhưng năm nay vắng khách như thế này không biết có tiêu thụ hết được không? Nếu ít khách mua, chắc chắn giá sẽ khó cao”.

Cùng chung “cảnh ngộ”, vườn hoa cảnh của chị Nguyễn Thị Lan (Phụng Công) cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Chia sẻ với tôi, chị cho biết, mọi năm vào thời điểm này đông khách đến ngắm và mua hoa. Nhưng năm nay, lượng khách đến đây giảm hẳn, cả ngày chỉ có vài người ghé qua hỏi rồi lại đi.

Không chỉ ở Văn Giang, người trồng hoa lo lắng không bán được, mà chủ vườn hoa Ngọc Thắng (quận 12, TP.HCM) cho biết, dù lượng hoa tại vườn khoảng 10.000 chậu, chỉ bằng  nửa năm ngoái, nhưng đang lo thị trường Tết “khó nhằn”.

“Mọi năm thời điểm này các mối lái thu mua đã liên hệ hỏi thăm, thậm chí đặt cọc trước nhưng năm nay vẫn chưa thấy đâu. Nhiều người mua cho biết tầm 23, 24 tháng Chạp mới vào xem hoa và tùy theo nhu cầu để mua, chứ chưa dám bao tiêu trước”, chủ vườn hoa nói.

Theo ông Ngô Minh Quốc  ở vựa hoa Minh Quốc (quận 10 - HCM), năm nay sức mua rất khó dự đoán nên phải nghe ngóng “hóng” thị trường mới quyết định lượng nhập.

“Sức mua chỉ tăng từ 16 đến 17 tháng Chạp, khi các đơn hàng đã được chốt đặt”, ông Quốc nói.

Các nhà vườn cũng đang nghe ngóng  kế hoạch tổ chức các chợ hoa, đường hoa, khu vực trang trí Tết... để tính toán.

 

4.JPG
Vườn hoa cảnh nhà chị Lan vắng khách đến mua.

 

Dịch bệnh làm giảm nhu cầu, giảm diện tích trồng

“Ảnh hưởng của dịch bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hoa, cây cảnh của năm nay giảm. Gần nửa năm thực hiện giãn cách xã hội, công ăn việc làm không ổn định, lấy đâu ra tiền để cuối năm mua hoa chưng Tết? Nhu cầu mua hoa và cây cảnh năm nay khả năng sẽ giảm nhiều”, chị Lan chia sẻ.

Trò chuyện với một người đang xem vườn bưởi cảnh của anh Hùng, vị này cho biết: Theo tôi, nhu cầu tiêu thụ hoa và cây cảnh năm nay chắc chắn sẽ giảm, bởi dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh, công nhân phải nghỉ việc. Đến như người làm công ăn lương như chúng tôi cũng giảm thu nhập, làm sao mà có tiền mua hoa, cây cảnh chơi Tết phóng túng như mọi năm.

Nhận định trước tình hình khó khăn do dịch Covid-19, ở nhiều địa phương, người trồng hoa chủ động giảm diện tích trồng. TP. Cần Thơ rục rịch chuẩn bị vào vụ trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán để kịp xuất bán vào tháng 12 âm lịch. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 kéo dài, quy mô và số lượng người trồng hoa giảm nhiều.

Tổ hợp tác (THT) sản xuất hoa tươi Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được xem là nơi trồng hoa Tết nhiều nhất làng hoa Mỹ Tho. Dự kiến THT cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 giỏ hoa tươi với các chủng loại hoa, như: Vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, vàng hòe, cúc Hà Lan, cát tường, đồng tiền… Số lượng hoa phải giảm khoảng 2/3 so với mọi năm. Nhà vườn hy vọng đáp ứng nhu cầu phục vụ hoa tươi Tết  2022 của người dân tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, để giảm  rủi ro, nhiều người trồng hoa ở làng nghề đã chuyển dần sang mô hình kinh doanh hoa chậu, hoa trồng trong gia đình với nguồn hàng nhập từ TP Sa Đéc (Đồng Tháp) và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên, bà con vẫn lo sự biến động của thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Mới đây, để đảm bảo cho nhân dân vui đón năm mới, đồng thời vừa đảm bảo được công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-UBND về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn, theo đó, việc trang trí cây hoa, cây cảnh giao cho Sở Xây dựng và Sở Văn hóa, Thể thao thực hiện.

Công tác trang trí cây hoa, cây cảnh tập trung  tại khu vực trung tâm Thủ đô, gồm các địa điểm: Công viên Lênin, khu vực hồ Hoàn Kiếm, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Vườn hoa Diên Hồng, Bắc Bộ Phủ…

Một năm đầy khó khăn trên mọi lĩnh vực, nhưng những tháng cuối năm, tình hình kinh tế có sự khởi sắc khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được triển khai và thực hiện hiệu quả. Hy vọng, người trồng hoa vẫn sẽ nở những nụ cười khi tiêu thụ được thành quả lao động do mình làm ra với giá cả hợp lý, có điều kiện lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top