Hiện nay, nhiều người lựa chọn cho mình thực phẩm chay trong bữa ăn hàng ngày, với một suy nghĩ giản đơn để giảm thiểu các chất béo, giúp nâng cao sức khỏe. Nhưng nguồn gốc thực phẩm chay này như thế nào thì người tiêu dùng vẫn chưa biết rõ.
Thực phẩm chay không rõ nguồn gốc
Theo tổng cục quản lý thị trường, ngày 22/4/2021 Cục QLTT An Giang phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Phú Tân tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh do bà Phan Thị Bích Tuyền, sinh năm: 1983 làm chủ; địa chỉ kinh doanh: Tổ 8, ấp Hậu Giang 1, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Phan Thị Bích Tuyền kinh doanh thực phẩm chay không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và các giấy tờ có liên quan đến hàng hóa. Trị giá hàng hóa khoảng 200.000.000 đồng, số lượng hàng hóa 3.130 kg.
Tại Hà Nội, hiện có khoảng 126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay, trong đó có 93 cơ sở được kiểm tra. Đặc biệt, có 14 cơ sở bị xử lý vi phạm với số tiền phạt là 55 triệu đồng (vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố, điều kiện bảo quản chưa bảo đảm...).
Tại các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bình Tây (quận 6), Hòa Hưng (quận 10)…, tiểu thương giới thiệu khá nhiều loại đồ chay giả mặn: Từ sườn non 120 nghìn đồng/kg, bò lát 150 nghìn đồng/kg, gà cục 140 nghìn đồng/kg, giò sống 110 nghìn đồng/kg đến cá thu 110 nghìn đồng/kg, cá cơm 60 nghìn đồng/kg, chả lụa 64 nghìn đồng/kg, giò thủ 130 nghìn đồng/kg..
Tại chợ Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), nhiều quầy hàng bán đồ chay chế biến sẵn xếp hàng dài chào mời khách. Nào đùi gà, xúc xích, heo quay, tôm đỏ, kim chi, mắm cà pháo…, tuy là món chay nhưng nhìn không khác gì món mặn được chiên vàng ươm nhìn rất bắt mắt.
Tuy nhiên, các sản phẩm không thấy có hướng dẫn tiếng Việt, nhân viên các cửa hàng kinh doanh đồ chay giải thích: Đây là hàng nhập vừa về đến cửa hàng mấy ngày nay, chỉ cần xé ra ăn ngay hoặc hâm nóng tùy theo ý khách.
Điều này cho thấy thực phẩm chay hiện nay, đang được các cơ sở kinh doanh bày bán hầu hết đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao.
Cần kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chay
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay, bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo đúng quy định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế cho thấy có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế về nhà xưởng, trang thiết bị và thực hành chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển. Đặc biệt là những rủi ro đến từ việc lạm dụng hóa chất, phụ gia cũng như nhiễm vi sinh vật dẫn đến sinh ra độc tố là rất cao.
Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và bày bán sản phẩm. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), Hà Nội vừa thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở nhập khẩu, kinh doanh ăn uống, thực phẩm chay. Điều này cho thấy việc vào cuộc xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay của các cơ quan chức năng, đang được triển khai thực hiện tại các tỉnh thành.
Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Phần lớn đơn vị sản xuất đồ chay hiện nay là các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ, chế biến thực phẩm trong hộ gia đình… mà bao giờ quy mô nhỏ lẻ cũng khó kiểm soát hơn.
Bà lan cho biết, định kỳ và thường xuyên Ban Quản lý ATTP sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra sản phẩm có chứa độc tố hay không. Nếu như công ty vi phạm sẽ tùy theo mức độ mà xử phạt, xử lý kịp thời, ngăn chặn các sản phẩm độc hại ra thị trường.
Thực phẩm nói chung và thực phẩm chay nói riêng, đều có thể có nguy cơ mất vệ sinh ATTP, nếu như các sản phẩm đó được chế biến, sản xuất không có xuất xứ nguồn gốc. Hậu quả là người tiêu dùng có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất cao, đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm chay xảy ra trong thời gian vừa qua là một điều minh chứng.
Bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan quản lý về vệ sinh ATTP. Do vậy rất cần công tác kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Xử lý thật nghiêm minh với các trường hợp kinh doanh, sản xuất thực phẩm chay không đảm bảo vệ sinh ATTP.