“Để hội nhập và khẳng định là sản phẩm chủ lực, tiếp tục duy trì và phát triển bền vững, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng, đầu tư quản lý tốt thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, việc này chúng tôi tự tin là sẽ làm được”. Đó là khẳng định của ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang).
Tới đây Yên Thế sẽ nghiên cứu tem nhãn thương hiệu gắn vào từng con gà, tiến tới phải truy xuất được nguồn gốc khi đưa ra thị trường.
Theo ông Hải, thương hiệu gà đồi Yên Thế đã gây tiếng vang trong và ngoài nước, huyện xác định đây là sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định, tập trung cho phát triển bền vững thương hiệu gắn với tiêu chuẩn VietGAP, tức là nâng cao chất lượng gắn với thương hiệu.
Để làm được việc này, trước hết phải chuẩn hóa được con giống và cung cấp đủ giống cho bà con. Bên cạnh đó, phải kết hợp vừa tuyên truyền vừa hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, hướng tới tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Hải cho biết, huyện Yên Thế đã thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế. Đây là mô hình điểm trong hoạt động khép kín, quản lý từ con giống đầu vào liên kết với các hộ chăn nuôi với số lượng lớn, trong đó có doanh nghiệp cùng tham gia. Các hộ tham gia phải cam kết với HTX chăn nuôi đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi đủ số lượng, chăm sóc theo đúng quy trình… Đến thời điểm hiện tại, Yên Thế đang xây dựng trung tâm cung cấp con giống, đồng thời tiến hành thuê đất xây dựng nhà máy giết mổ cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng cũng như chế biến một số sản phẩm từ gà.
Hiện, Viện Chăn nuôi và Cục Chăn nuôi đang khảo sát tìm giống gà gốc Yên Thế. Sau đó, lai tạo đưa ra một giống mới mang đặc thù của gà đồi Yên Thế. Theo ông Hải, huyện đang nghiên cứu tem nhãn thương hiệu gắn vào từng con gà, tiến tới phải truy xuất được nguồn gốc của từng con gà.
Trước việc đùi gà Mỹ được nhập ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ, ảnh hưởng tới sản phẩm gà đồi Yên Thế, ông Hải cho biết, đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi ý thức và trình độ của người chăn nuôi phải được cải thiện, phải nắm vững tiến bộ kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm. Có như vậy mới duy trì, phát triển bền vững thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”.
Ông Hải nhấn mạnh: “Để hội nhập và khẳng định là sản phẩm chủ lực, tiếp tục duy trì và phát triển bền vững, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng, đầu tư quản lý tốt thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”. Việc này huyện khẳng định là làm được vì điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Yên Thế phù hợp với mô hình nuôi gà thả vườn, người dân Yên Thế có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng trừ bệnh cho gà.
Hiện, Yên Thế đã thông qua đề án phát triển bền vững thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” theo hướng VietGAP. Trong đề án nêu rất rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần phải làm. Tới đây, huyện ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này cho bà con để làm sao mỗi hộ chăn nuôi khi vào HTX đều được quản lý trên hệ thống mạng internet. Khi đó, bà con tự biết cần phải nuôi, quảng bá thương hiệu như thế nào?
Trước những khó khăn của người chăn nuôi, ông Hải kiến nghị, Trung ương có thể đưa Yên Thế vào chương trình an toàn vùng không dịch; hỗ trợ Yên Thế xây dựng trung tâm ấp nở giống gà chuẩn bởi hiện nay cơ sở ấp nở của huyện chưa đáp ứng đủ giống và chưa có nguồn giống chuẩn hóa. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường...
Hoàng Văn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.