Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 8 năm 2019 | 11:39

Thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, cả 2 sẽ cùng thua

Một nền kinh tế suy yếu đồng nghĩa với việc có ít doanh thu thuế để chi cho các chương trình nội địa thiết yếu hay duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ.

Những tác động kinh tế từ cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã khiến Tổng thống Donald Trump phải hoãn tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo tuyên bố ngày 13/8, việc tăng thuế đối với khoảng một nửa trong số 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được lùi lại tới 15/12 thay vì 1/9 như đã tuyên bố trước đó. Động thái này là nhằm tạo điều kiện cho người dân Mỹ mua sắm trong mùa nghỉ lễ sắp tới. Họ sẽ tạm thời không phải lo lắng về việc thuế tăng sẽ khiến giá cả các mặt hàng như đồ chơi, laptop, điện thoại hay giày dép tăng trong dịp Giáng Sinh năm nay.

 

thuong chien my-trung keo dai, ca 2 se cung thua hinh 1
Từ trái sang: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Bắc Kinh ngày 31/7. Ảnh: Reuters

 

Dù việc hoãn thuế là một tin tốt, và có thể kiềm chế sự trả đũa của Trung Quốc, nhưng một nửa còn lại trong số 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn sẽ bị tăng thuế theo đúng dự kiến vào ngày 1/9 tới. Cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài, bất chấp việc khôi phục thỏa thuận “đình chiến” mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6.

Tác động tới lợi ích thiết yếu của Mỹ

Thương chiến kéo dài sẽ làm tổn hại đến sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ và có thể hủy hoại an ninh Mỹ, ảnh hưởng tới 737,1 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ mà công dân 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phụ thuộc vào hàng ngày.

Mỹ nên đàm phán về một thỏa thuận đình chiến cụ thể trước khi mỗi bên rơi vào các động thái leo thang liên tiếp, vì thịnh vượng kinh tế - nền tảng cơ bản của một cường quốc – là lợi ích thiết yếu của Mỹ.

Dù chính quyền Mỹ coi thuế quan là một biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, thì ngón đòn này cũng khiến người dân Mỹ phải mua hàng hóa với giá cả đắt đỏ hơn.

Cái giá của thương chiến không chỉ có kinh tế mà còn cả an ninh và chính trị. Một nền kinh tế yếu đi đồng nghĩa với việc sẽ có ít doanh thu thuế hơn để chi tiêu cho các chương trình nội địa thiết yếu và duy trì sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ.

Mỗi người dân Mỹ, đặc biệt là người nghèo, sẽ có lợi khi đồng USD cho phép họ có thể chi tiêu đủ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Đây là lý do hàng triệu người Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ hơn ở hệ thống Walmart.

Sau ngày 15/12, đòn thuế quan mới của ông Trump sẽ làm tăng giá điện thoại thông minh, quần áo trẻ em, máy tính, máy chơi games, đồ gia dụng, tivi cùng nhiều hàng hóa khác. Các nhà kinh tế lo ngại, thương chiến kéo dài sẽ khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại, thậm chí là suy thoái.

Nền kinh tế suy yếu, doanh thu thuế cũng giảm

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc dừng mua nông sản Mỹ, một đòn đánh thẳng vào một số bang trọng yếu vốn ủng hộ Tổng thống Trump như bang Iowa. Đòn “hiểm” này có thể tác động đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 mà Tổng thống Trump muốn tái tranh cử.

Sự đáp trả của Trung Quốc khiến ông Trump công bố gói hỗ trợ nông nghiệp 16 tỷ USD cho các nông dân, đồng thời và tuyên bố: “Dưới chính quyền của tôi, chúng ta sẽ luôn bảo vệ những nông dân Mỹ yêu nước vĩ đại”.

Nhưng không nhà lãnh đạo chính trị nào có thể bảo vệ người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ khỏi luật lệ của thực tế kinh tế.

Một nghiên cứu tháng 3/2019 của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (Mỹ) cho thấy, tất cả các đòn thế quan của ông Trump, không chỉ thương chiến với Trung Quốc, đã khiến người Mỹ thiệt hại 68,8 tỷ USD khi hàng hóa nhập khẩu tăng giá.

Một nghiên cứu khác của Đại học Princeton cũng cho thấy, cuối năm 2018, các cuộc thương chiến của ông Trump với nhiều nước khác cũng làm giảm thu nhập thực sự hàng tháng ở Mỹ khoảng 1,4 tỷ USD. Điều này làm suy yếu nước Mỹ.

Một nguy cơ khác của cuộc thương chiến Mỹ-Trung này là khả năng thực sự Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc từ chối bán đất hiếm cho các công ty Mỹ. Đất hiếm rất quan trọng vì một lượng rất nhỏ cũng cần thiết cho các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị điều hòa nhịp tim, tên lửa, ô tô, điện thoại thông minh, máy bay và tàu thủy.

Bắc Kinh kiểm soát hầu hết nguồn cung đất hiếm trên thế giới với 70% lượng sản phẩm. Trong khi đó, Mỹ chỉ dự trữ khoảng 5% như cầu đất hiếm mỗi năm cho tình huống khẩn cấp.

Mặt khác, để có hiệu quả, Bắc Kinh cũng sẽ phải cấm xuất khẩu các mặt hàng khác sử dụng đất hiếm sang Mỹ. Điều này sẽ khó khăn hơn vì Mỹ vẫn thể mua những sản phẩm công nghệ như vậy ở nơi khác.

Điều này cần phải xem liệu Trung Quốc có bước đi cứng rắn nhằm cắt nguồn cung đất hiếm hay không, nhưng một lựa chọn như vậy vẫn đang được cân nhắc.

Theo một số nguồn tin, giới chức Trung Quốc đang tổ chức các cuộc họp bí mật để xem xét các biên pháp tăng thuế đáp trả Mỹ hay có trở lại bàn đàm phán với Mỹ hay không. Bất chấp họ quyết định thế nào, thì kéo dài thương chiến sẽ vẫn gây tổn hại cho Mỹ.

Thực tế là Trung Quốc đang “yếu” đi và hứng chịu nhiều tổn hại hơn trong ngắn hạn từ cuộc thương chiến với Mỹ. Nhưng Mỹ cũng sẽ chịu nhiều tổn hại kinh tế nếu cuộc chiến này kéo dài tới một tương lai không xác định.

Việc tăng thuế sẽ khiến người Mỹ tốn nhiều tiền hơn trong khi lại làm giảm doanh thu thuế của Mỹ. Đây không phải là một chiến lược tốt và nếu không sớm có một giải pháp, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn./.

 

Theo The National Interest/VOV dịch

Ý kiến bạn đọc
Top