Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 7 năm 2021 | 16:0

Tiêu thụ nông sản: Tháo gỡ khó khăn, đổi mới phương thức, liên kết linh hoạt

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế các địa phương trong cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều địa phương đã chủ động linh hoạt hoạt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất.

1_1.jpg
Xã viên HTX sản xuất và thương mại Định Trung, Vĩnh Yên trồng rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Thế Hùng)

 

Vĩnh Phúc: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là các địa phương vùng ven của thành phố Vĩnh Yên. Để duy trì tăng trưởng, phát triển vành đai xanh cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo vệ môi trường, Vĩnh Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo ông Sái Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Định Trung: Năm 2005 diện tích đất sản xuất lúa của Định Trung vào khoảng 160ha. Tuy nhiên, do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp và quy hoạch một số dự án phát triển KT-XH vào đất nông nghiệp, đến nay, diện tích đất sản xuất lúa của xã chỉ đạt 87ha.

Dự kiến, đến năm 2023, khi mà một số dự án như trụ sở Công an thành phố Vĩnh Yên, Khu đô thị Danko Vĩnh Yên... được triển khai xây dựng, diện tích này sẽ giảm còn 30 ha. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của xã, gây khó khăn trong phát triển sản xuất hàng hóa.

Không chỉ riêng Định Trung, quá trình đô thị hóa trong thời gian qua đã tác động mạnh mẽ lên sản xuất nông nghiệp của thành phố Vĩnh Yên.

Được biết, đến nay, diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp của thành phố chỉ còn khoảng 1300 ha, tập trung ở một số xã, phường: Hội Hợp, Đồng Tâm, Thanh Trù, Định Trung.

Theo ông Trần Đình Trọng, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vĩnh Yên, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp gây trở ngại lớn cho việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, bởi khó khăn trong quy hoạch sử dụng đất.

Mặt khác, các dự án phát triển kinh tế được triển khai xây dựng ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến hệ thống kênh mương thủy lợi. Nhiều diện tích gặp khó khăn trong tiêu thoát nước, ngập úng dẫn tới tình trạng bỏ hoang ruộng đất.

Trước thực tế đó, thành phố Vĩnh Yên đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là việc tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh với nhiều hỗ trợ về phát triển vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, tăng diện tích cây trồng vụ Đông, hỗ trợ về giống vật nuôi, xử lý môi trường trong chăn nuôi…

Bên cạnh các hỗ trợ của tỉnh, đối với diện tích đất nông nghiệp còn lại, thành phố cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới trên diện rộng, đưa cơ giới hóa vào hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất tạo ra năng suất lao động cao.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả cao, giúp chăn nuôi phát triển bền vững, hạn chế sự lây lan dịch bệnh và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng..

Với những giải pháp thiết thực có hiệu quả, kinh tế nông nghiệp thành phố đã vượt qua khó khăn, có bước phát triển khá. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu đô thị, dần hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành Nông - Lâm - Thủy sản giai đoạn 2016 -2020 của thành phố vẫn đạt 0,8%/năm. Đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt và ngày càng nâng cao.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song không thể phủ nhận thực tế là thành phố Vĩnh Yên nằm trong vùng lõi quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Phúc, nên việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố đảm bảo có tính ổn định lâu dài là rất khó khăn.

Thời gian tới, Vĩnh Yên sẽ rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên cơ sở có định hướng, trọng tâm, trọng điểm, tổ chức triển khai các dự án, mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả.

Vận dụng các cơ chế nhằm tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hướng dẫn, khuyến khích, tạo thuận lợi để nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích, hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ tiên tiến, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phấn đấu giữ tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản giai đoạn 2020-2025 đạt 0,2-0,4%.

Thanh Hóa: Chủ động hợp tác với DN để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đang tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh khó tiêu thụ, vì thế chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhiều HTX gặp khó khăn, thậm chí dừng hoạt động.

 

177d6180319t60586l0.jpg
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX rau sạch thị trấn Thiệu Hóa.

 

HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), có hơn 24ha trồng rau an toàn. Trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, trung bình mỗi ngày HTX đưa ra thị trường khoảng 2 tấn rau các loại. HTX chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả như: su su quả, su su ngọn, mướp hương, bầu, bắp cải, cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, rau muống, rau đay... theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho một số bếp ăn tập thể và siêu thị, trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa và các địa phương lân cận. Có hợp đồng ổn định, nông dân không phải lo đầu ra của sản phẩm. Các hộ liên kết với HTX đạt giá trị kinh tế cao hơn so với các hộ bên ngoài chuỗi liên kết.

Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 đã khiến HTX gặp khó khăn trong việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đến nay, sản lượng các loại rau cung cấp ra thị trường đã giảm khoảng 70%; chỉ còn lại các loại rau, củ, quả dài ngày; các loại ngắn ngày đã không còn gieo trồng. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các trường học cho học sinh nghỉ; nhà hàng, quán ăn đóng cửa, sản phẩm không tiêu thụ được, HTX không xuống giống với các loại rau, củ, quả ngắn ngày, chỉ thu hoạch các loại rau, củ đang có, bán tại các chợ để thu lại một phần vốn, công sức đã bỏ ra. Hiện thu nhập của HTX đã giảm đến gần 60% so với trước khi có dịch, đời sống của các thành viên gặp nhiều khó khăn.

Sản phẩm chất lượng, giá bán trên thị trường thấp so với những năm trước nhưng lại không thể tiêu thụ được hàng. Đây là thực tế đang diễn ra tại HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu (Hoằng Hóa). HTX có 45 thành viên, trong đó có 25 thành viên nuôi trồng thủy sản, với diện tích 150 ha. Nhờ việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nên trước đây hoạt động của HTX ổn định, sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trung bình hơn 100 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa nên việc tiêu thụ các loại thủy sản gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chi phí thức ăn, thuốc thủy sản ngày càng tăng.

Để phát huy hiệu quả hoạt động, những năm qua, các HTX đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hiện, toàn tỉnh có 452 HTX tham gia liên kết sản xuất, chiếm 70,6% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh. Dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn các kênh tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các HTX, nhiều HTX phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khiến cho thu nhập của các thành viên, người lao động bị giảm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thực tế hoạt động hiện tại của các HTX nông nghiệp ngoài yếu tố khách quan do dịch bệnh thì vấn đề quan trọng đến từ chính bản thân các HTX, đó là chưa chủ động xây dựng chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh lâu dài. Thiếu linh hoạt, chủ động trong việc đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm nên khi gặp những tình huống đột xuất, bất ngờ, dễ bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất, tiêu thụ, thiệt hại là rất lớn.

Thanh Hóa là tỉnh nông nghiệp có những vùng sản xuất rau màu quy mô lớn, chất lượng. Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các HTX nông nghiệp nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới để phát triển, nhất là lợi thế trong xuất khẩu nông sản. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội sau dịch bệnh để xuất khẩu nông sản, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để phát triển được chuỗi liên kết dài hơi, bảo đảm, bên cạnh các cơ chế, chính sách của Nhà nước và sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan chức năng, mỗi HTX cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín, tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; chủ động phân phối hợp lý, đa dạng các kênh tiêu thụ để linh hoạt trong xử lý tình huống. Đặc biệt coi trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tuyến để hạn chế tác động của dịch bệnh.

Hà Nội: Thúc đẩy tiêu thụ theo “tín hiệu” thị trường

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội. Để thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên về lâu dài, người nông dân cần điều chỉnh sản xuất theo “tín hiệu” thị trường; đồng thời tăng cường liên kết để tiêu thụ sản phẩm…

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức lại sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường và thay đổi phương thức kinh doanh.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng, hợp tác xã có 26.000m2 chuyên trồng rau thủy canh phục vụ các siêu thị, bếp ăn tập thể (sản lượng 450 tấn rau/tháng). Từ đầu năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hợp tác xã đã thu hẹp diện tích trồng rau, chỉ sản xuất theo các đơn đặt hàng. Cụ thể, 80% diện tích canh tác đã chuyển sang trồng dưa lưới giống Nhật Bản. Linh hoạt trong sản xuất theo “tín hiệu” thị trường nên sản phẩm tiêu thụ mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng rau.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn - du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thời điểm hiện tại, đơn vị đã liên kết với 30 hợp tác xã trên địa bàn thành phố để sản xuất các mặt hàng thực phẩm và hợp tác với nhau trong mô hình “chợ thực phẩm di động”, cung cấp sản phẩm đến các chung cư, khu đô thị...

 

thuc-pham.jpg
Sơ chế, bảo quản sản phẩm rau để cung cấp cho thị trường tại Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Ảnh: TTXVN

 

Để tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh lượng khách hàng mua sắm trực tiếp giảm 10% so với các tháng trước, bà Nguyễn Thị Thảo, quản lý cửa hàng thực phẩm Hai Sương (quận Hà Đông) cho biết, cửa hàng đã lập nhóm Zalo với khách hàng thân thiết, hằng ngày đưa thông tin lên nhóm hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến khách hàng để tư vấn sản phẩm... Với cách làm này, sản phẩm của cửa hàng được tiêu thụ ổn định, thậm chí tăng 5% so với trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã có hướng đi mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng, hợp tác xã đã đẩy mạnh việc lập các nhóm Zalo, Facebook… để xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thu được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay các hợp tác xã, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào đều tăng cao, trong khi giá các loại nông sản, thực phẩm đang có xu hướng giảm mạnh. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, hiện tiền thuê lao động để đóng gói, sơ chế rau rất cao, trong khi lượng tiêu thụ và giá đều giảm. Nếu thời gian tới, tình hình tiêu thụ không cải thiện thì các hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn...

Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì) giới thiệu sản phẩm được sản xuất, chế biến an toàn đến khách hàng qua hình thức livestream.

Để khắc phục khó khăn hiện nay, cùng với đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản thì việc các hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh, bên cạnh điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, đơn vị cũng đã có kế hoạch đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) Đỗ Hoàng Thạch cho biết, để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, không chỉ bán hàng trực tiếp hay trực tuyến, các hợp tác xã cần xây dựng quy trình sản xuất khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp phân phối nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ra các tỉnh, thành phố, chuyển hướng kinh doanh sang các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm", ông Đỗ Hoàng Thạch nói.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng thông tin, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn qua 3 cửa hàng tiện ích trên địa bàn; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị…, tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh. Thông qua các lớp đào tạo được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các thị trường quốc tế. Với thị trường thương mại điện tử trong nước, Cục đã phối hợp với các sàn Lazada, Shopee, Tiki, Sendo tiêu thụ hàng chục tấn nông sản vào vụ của các tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La…

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trước mắt hộ nông dân cần liên kết thành lập các nhóm, từ đó hình thành hợp tác xã, lên kế hoạch tổ chức sản xuất bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ..., có thêm nhiều sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng đơn hàng lớn; đồng thời đa dạng phương thức kinh doanh từ truyền thống tới bán hàng trực tuyến trên chợ thương mại điện tử. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thành phố Hà Nội triển khai các chương trình liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn cung cao trong mùa vụ.

Việc các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất… chủ động triển khai phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình mới có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, về lâu dài người sản xuất cần nắm chủ động bắt “tín hiệu” để có phương án sản xuất cân bằng cung - cầu theo thị trường./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top