Trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 đang rất căng thẳng, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới...
Dịch Covid-19 đã và lan rộng ra gần 20 địa phương. Một số địa phương đã thực hiện phong tỏa diện hẹp từng khu vực, cách ly xã hội diện rộng để chặn sự lây lan của dịch. Điển hình như Thái Bình đã thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 7/5; Vĩnh Phúc cách ly xã hội toàn thành phố Vĩnh Yên 15 ngày, từ 7/5; Bắc Ninh đề xuất giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 8/5…
Nông sản có lâm nguy?
Các địa phương nói trên đều chung một đặc điểm là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc. Đó là, Quốc lộ 1A nối Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn, đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; Quốc Lộ 2 và cao tốc Nội Bài Lào Cai; Quốc lộ 10 nối Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình…
Các địa phương có tuyến đường vận chuyển huyết mạch trong diện phong tỏa sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lưu thông hàng hóa như bài học Hải Dương, Hải Phòng ở đợt dịch trước.
Một bài học vừa mới đây vẫn còn nguyên giá trị, ấy là vấn đề giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương và Hà Nội vào tháng 2 và tháng 3/2021. Khi ấy, Hải Dương trở thành tâm dịch, Hải Phòng, địa phương giáp ranh đã dừng tiếp nhận hàng hoá từ tỉnh này trong khi đây vừa là thị trường tiêu thụ, vừa thuộc tuyến đường vận chuyển hàng hoá của tỉnh. Tắc nghẽn lưu thông khiến nông sản Hải Dương thời điểm đó ước tính thiệt hại 300-400 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong năm 2020, Covid-19 vẫn tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, trong khi đó ngành vẫn vướng nút thắt về tín dụng khi không tiếp cận được các gói tín dụng lãi suất thấp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về áp lực về chi phí sản xuất, thuế, phí do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn.
Ngoài ra, hệ thống logistics kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bị thiếu hụt vì hạn chế vận chuyển; một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật...
Thủy sản có khốn đốn?
Tình hình dịch Covid – 19 bùng phát trở lại tại Việt Nam từ đầu tháng 5/2021 sẽ khiến các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia có khả năng tiếp tục siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch ở các cửa khẩu biên giới đường bộ...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị phối hợp chặt chẽ thực hiện mô hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới đường bộ theo hướng vừa phòng dịch nhưng vẫn tạo điều kiện cho lưu chuyển hàng hóa thông suốt, không gián đoạn.
Riêng trong công thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Trung Quốc miễn kiểm tra, xét nghiệm virus Sars-Cov-2 trên nông, thủy sản, thực phẩm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Công thư của Bộ Công Thương khẳng định, các cơ quản quản lý của Việt Nam, đặc biệt là các địa phương biên giới đang theo dõi sát tình hình phòng chống dịch, tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ với Lào, Campuchia, Trung Quốc để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và xử lý.
Đặc biệt, phía Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ đợt bùng phát dịch Sars-Cov-2 mới xuất hiện từ đầu tháng 5/2021, đặc biệt tại các khu công nghiệp, chế biến hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm đông lạnh phục vụ xuất khẩu.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tỏ ra lo lắng khi cho rằng các quốc gia đang có xu hướng ngày càng siết chặt các quy định và kiểm soát nhập khẩu nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập vào nội địa thông qua hàng hóa nhập khẩu, nhất là qua nông sản, thủy sản nhập khẩu.
Động thái này gây nhiều khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là phía Lào và Campuchia đã từng đưa ra lệnh tạm dừng nhập khẩu thuỷ sản.
Tuy phía Campuchia đã gỡ bỏ lệnh từ tháng 2/2021 và phía Lào gỡ bỏ lệnh từ tháng 4/2021 nhưng việc xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn vướng do các điều kiện về phòng chống dịch do các quốc gia đặt ra.
Trước đó, vào đầu năm 2020 Bộ Công Thương Việt Nam đã có sáng kiến để cùng Trung Quốc, Lào, Campuchia triển khai mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ. Nhờ đó mà hàng hoá xuất khẩu qua đường bộ giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Trung Quốc được thông suốt mặc dù dịch Covid – 19 vẫn còn.
Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid – 19 bùng phát trở lại tại Việt Nam từ đầu tháng 5/2021 thì các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia có khả năng tiếp tục siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch ở các cửa khẩu biên giới đường bộ, gây ảnh hưởng tới lưu chuyển hàng hóa Việt Nam xuất nhập khẩu vào các thị trường này.
Công cuộc giải cứu cay đắng
Giá bí xuống thấp, nông dân chịu lỗ nặng nề nhưng vẫn phải ngậm ngùi thu hoạch, xếp thành đống ngoài ruộng “đỏ mắt” chờ thương lái đến mua.
Những ngày này, trên những cánh đồng xã Lưu Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), bà con chất đầy bí xanh chờ người đến thu mua. Bí xanh năm nay đạt năng suất cao, nhưng giá xuống thấp, chỉ còn vài nghìn đồng/kg vẫn rất khó bán. Hàng trăm hộ nông dân rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.
Đứng trước ruộng bí xanh lá bắt đầu vàng úa vì già, chỉ còn trơ lại những quả bí lúc lỉu trên giàn, anh Phùng Văn Dũng (xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn) tâm sự: “Gia đình tôi trồng 2,2 ha bí xanh, xuống giống từ ngày 25/11 âm lịch, đưa ra trồng trên đất bãi ngày 20/12 âm lịch. Cây bí sinh trưởng rất tốt, cho sản lượng 4 tấn/sào. Tuy nhiên, giá bí đầu năm 12.000 đồng/kg, đến nay sụt giảm hơn nửa cũng không biết bán cho ai”.
Để giúp bà con nông dân trồng bí, Đảng ủy và chính quyền xã Lưu Sơn đã kêu gọi các ban, ngành, các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Tuy nhiên, đến nay lượng bí tiêu thụ rất ít.
Ông Trần Ngọc Thuận – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương cho biết: “Bí xanh, được trồng nhiều ở các xã Lưu Sơn, Trung Sơn,… Thực hiện chủ trương cải tạo vùng đất bỏ hoang, nhiều bà con nông dân đã đầu tư trồng bí xanh và đạt sản lượng cao. Tuy nhiên hiện nay giá bí xuống thấp khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn”.
Nguyên nhân giá bí xanh xuống thấp được ông Thuận cho rằng do nguồn cung vượt cầu. Trước đây, một lượng lớn bí xanh cung cấp cho nhà hàng, phục vụ khách du lịch, các khu công nghiệp và bếp ăn tập thể nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 khiến bí xanh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
Đâu là giải pháp?
Trước những khó khăn chồng chất, để có biện pháp tháo gỡ, phòng ngừa tình trạng tồn kho nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có đề xuất với các Bộ, các địa phương về một số giải pháp hỗ trợ nông dân trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị chức năng tại địa phương phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng theo dõi, nắm bắt thông tin diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch.
Các địa phương cần triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp (trực tuyến), đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn ở những địa bàn bị phong tỏa, được lưu thông, tiêu thụ bình thường. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân; tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các thành phố lớn và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19.
Đối với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; trợ giá điện, nước đối với các nhà máy chế biến nông sản, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.
Kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất. Nên kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ rộng để thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.