Mặc dù xuất khẩu gỗ đạt giá trị kim ngạch đáng khích lệ, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại, cần tìm giải pháp “xốc” lại đà tăng trưởng.
Tăng trưởng thấp
Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong 7 tháng qua, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những thị trường này, có 5 thị trường chủ lực nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong 5 thị trường chủ lực, các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng nhập khẩu gỗ Việt Nam, chỉ có thị trường Mỹ giảm nhập khẩu nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất, khiến cho kết quả xuất khẩu toàn ngành bị ảnh hưởng. Qua 7 tháng, Việt Nam xuất khẩu 10,42 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chủ lực ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong số đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021; riêng gỗ và sản phẩm gỗ 5,58 tỷ USD, giảm 5,1%.
Kết quả khảo sát nhanh 52 doanh nghiệp (DN) ngành gỗ do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa thực hiện cho thấy, trong 45 DN xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ có 33 DN doanh thu hiện giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 DN cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước, tuy nhiên, mức tăng rất nhỏ, khoảng 11%.
Xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 726 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 549 triệu USD, giảm 2%. Trong số 38 DN tham gia thị trường này được khảo sát có tới 24 DN cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 DN cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 DN tham gia thị trường này, 17 DN thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.
Tìm giải pháp “xốc” lại đà tăng trưởng
Với tình hình kinh tế thế giới lạm phát và siết chặt vốn vay của ngân hàng trong nước hiện nay, cộng với hiệu ứng biến động từ thị trường thế giới, DN ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2022.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trend, chia sẻ, DN đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào, những vấn đề này làm cho 71,2% DN có xu hướng sẽ giảm quy mô sản xuất; 15,5% DN sẽ chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu; 9,6% doanh nghiệp sẽ chuyển hướng thị trường xuất khẩu…
Về năng lực duy trì sản xuất, 44,2% DN có thể cầm cự được 3-6 tháng, 23,1% DN cầm cự được trên 12 tháng, 19,2% DN chỉ có thể cầm cự dưới 3 tháng.
Ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, chia sẻ, thời điểm này, DN ngành gỗ tại Đồng Nai cũng như các DN chế biến gỗ trên cả nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn chưa từng có, tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng sản xuất kéo theo giảm lao động, tình hình tài chính khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất ngành gỗ.
Đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột Nga - Ukraine khiến cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Bài toán đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu mét khối mỗi năm như hiện nay. Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững? Đây là những câu hỏi hết sức cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành.
Trước sức ép về thị trường và biến động kinh tế, nhiều DN đang tiến hành các biện pháp ứng phó, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường...
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, ngân hàng nên giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp DN vượt khó. Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng với thị trường quốc tế, việc mở rộng thị trường và đa dạng mặt hàng xuất khẩu là giải pháp để DN vượt qua khó khăn hiện nay.
Giữ vững thị trường chiến lược
Mới đây, nhiều DN xuất khẩu gỗ “ngồi trên đống lửa” khi Mỹ thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ ép của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa từ chối bản giải thích của gần 40 DN Việt Nam về nội dung điều tra, khiến không ít DN đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, các quốc gia đang có sự điều chỉnh, thay đổi về phòng vệ thương mại. Do đó, khi đứng trước các cáo buộc của nước nhập khẩu, các DN Việt Nam cần tham gia vào quá trình điều tra để hạn chế số lượng DN bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp, nhằm đảm bảo kết quả xuất khẩu. Các DN phải đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh “bỏ trứng vào một giỏ” và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để phục vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Theo TS Tô Xuân Phúc , tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam hàng năm tương đối cao, chiếm 17 - 35% tổng vốn đầu tư từ các nguồn trong ngành. Các DN Trung Quốc đã và đang đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp gỗ. Do đó, Trung Quốc luôn là thị trường chiến lược của nước ta.
Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch VIFOREST, khẳng định: Để giữ vững thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn khác, DN hướng tới sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật của nhà nước, đúng thông lệ quốc tế. Đây là một trong những yêu cầu mà Chính phủ yêu cầu các DN phải chấp hành để giữ vững và tăng thị phần đồ gỗ xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, DN cần sản xuất một cách bài bản, căn cơ hơn giúp giảm giá thành, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; nâng cao chất lượng, tay nghề nhân công, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để tăng tỷ lệ tiếp cận đồ gỗ Việt Nam của các khách hàng mới.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.