Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, Việt Nam cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, cam kết này thể hiện thông qua Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản VPA-FLEGT được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu năm 2019. Triển khai các cam kết trong Hiệp định, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 vào tháng 9/2020 quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, trong đó kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu là một trong những nội dung trọng tâm của Hiệp định. Gỗ rủi ro nhập khẩu được kiểm soát thông qua “bộ lọc” về loài rủi ro và vùng địa lý rủi ro, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ cần đưa ra các bằng chứng nhằm chứng minh cho tính hợp pháp của gỗ.
Cũng theo ông Nghĩa, việc đảm bảo tính hợp pháp của gỗ rủi ro nhập khẩu là vấn đề rất quan trọng của ngành lâm nghiệp nói chung, ngành chế biến xuất khẩu gỗ nói riêng, điều này liên quan trực tiếp tới việc thực hiện hiệu quả Nghị định 102 của Chính phủ về kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu.
“Ngành gỗ không mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nhập khẩu từ những quốc gia có những quy định phức tạp, làm ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như có rủi ro cao. Mặc dù đã cố gắng quản lý tốt, nhưng khi vẫn còn những thông tin và băn khoăn từ các thị trường lớn cho rằng Việt Nam có sử dụng hay có nhập khẩu gỗ từ những nguồn rủi ro cao, đây sẽ là điều bất lợi và sẽ có ảnh hưởng đến uy tín của ngành gỗ”, ông Nghĩa chỉ rõ./.