Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2016 | 2:44

Xuất khẩu gỗ: Cơ hội từ các hiệp định thương mại

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam luôn đạt những con số ấn tượng, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Nhiều chuyên gia dự báo, trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước đã có hiệu lực, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ rộng mở.

Những con số ấn tượng

Ngành xuất khẩu gỗ đáng đứng trước nhiều cơ hội lớn khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang là những thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng trong những năm qua, ở mức trên 10%/năm. Năm 2015, đạt 2,45 tỷ USD, tăng 17% so với con số 2,1 tỉ USD của năm 2014. Trong 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,4 tỉ USD, chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch của năm 2015.

Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ về các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 1,016 tỉ USD, tăng 131 triệu USD so với năm 2014; trong 8 tháng đầu năm 2016  đạt 644 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất gỗ và sản phẩm gỗ khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản trong giai đoạn 2013-2015 đạt bình quân khoảng 13%/năm. Các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản nhìn chung đều đáp ứng được các yêu cầu và quy định của thị trường này. Cụ thể, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguồn gỗ rừng trồng trong nước như cao su, keo, bạch đàn và từ nguồn gỗ như sồi, thông được nhập khẩu từ các quốc gia có độ rủi ro thấp về mặt pháp lý.

Hàn Quốc là thị trường quan trọng thứ năm của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU) cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này đạt 495,6 triệu USD, tăng 14,4 triệu USD so với năm 2014; trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 376,2 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015; tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2013-2016 đạt con số ấn tượng, bình quân khoảng 27%/năm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những hiệp định thương mại tự do vừa ký kết với Hàn Quốc, Nhật Bản, EU hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động rất tích cực đối với ngành gỗ vì thị trường sẽ rộng mở. “Những cam kết phi thuế quan, rào cản kỹ thuật cho đến nay cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến ngành. Hiện, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt con số rất ấn tượng, 15-20%/năm, dự kiến năm 2016 đạt kim ngạch 7,3 tỷ USD, năm 2017 dự kiến đạt 8 tỷ USD, có người lạc quan còn dự báo đến năm 2020 lên đến 12 tỷ USD bởi nhu cầu sử dụng của thế giới rất cao, không dưới 240 tỷ USD/năm”, ông Quyền nói.

Quan tâm đến nguồn gốc gỗ nguyên liệu

Theo TS.Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), đầu năm 2016, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Nhật Bản, Hoa Kỳ là những quốc gia thành viên đóng vai trò trụ cột của khối. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam gia tăng thị phần tiêu thụ các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường này.

“Các xu hướng thương mại mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Nhật Bản cho thấy thị trường Nhật Bản tiếp tục được mở rộng trong những năm tới. Điều này sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.Tuy nhiên, các cơ hội này không phải chỉ dành riêng cho doanh nghiệp của Việt Nam mà được chia đều cho doanh nghiệp của các quốc gia như Trung Quốc, EU, Malaysia, Philippines... Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì hình ảnh sản phẩm gỗ hợp pháp, bền vững và đáng tin cậy khi tham gia thị trường”, ông Phúc nhấn mạnh.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, hàng năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt được từ thị trường này chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường EU có dấu hiệu chững lại, thậm chí tụt giảm tại một số quốc gia thành viên trong khối.

Nhằm mở rộng xuất khẩu gỗ sang các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hoa Kỳ, theo ông Phúc, các doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến nguồn gốc của gỗ nguyên liệu. “Những vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp là vấn đề quan trọng đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các hiệp hội gỗ cần tiếp tục xác định những vấn đề cụ thể về cơ hội và rủi ro, từ đó đưa ra những kiến nghị chính sách và các cơ chế cụ thể cho doanh nghiệp, đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp và bền vững”, ông Phúc đề xuất.

Cũng tương tự như vậy, Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ có hiệu lực năm 2008 quy định các hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ được khai thác, vận chuyển hoặc thương mại trái phép tại quốc gia xuất khẩu và Hoa Kỳ được coi là hoạt động phạm pháp. Để tránh rủi ro về pháp lý trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần đảm bảo các sản phẩm gỗ của mình, bao gồm cả nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào là hợp pháp. Theo ông Phúc, loại bỏ các rủi ro, bao gồm cả rủi ro về các loài gỗ sử dụng trong thương mại gỗ giữa hai quốc gia là điều tối quan trọng, không phải chỉ để đảm bảo việc duy trì thị trường mà còn góp phần mở rộng nhanh thị trường xuất khẩu cho Việt Nam trong tương lai. Với lượng các loài rủi ro hiện đang được sử dụng trong xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ rất nhỏ, việc loại bỏ các rủi ro về loài là hoàn toàn có thể.

Đối với thị trường Hàn Quốc, có thể những rủi ro về nguồn gốc gỗ nguyên liệu không lớn như rủi ro từ các thị trường như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản - các quốc gia đã và đang áp dụng những quy định pháp lý khắc khe về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ tiêu thụ tại đây, tuy nhiên, hiện Chính phủ Hàn Quốc đang nghiên cứu và có nhiều khả năng trong tương lai không xa sẽ áp dụng các chính sách chặt chẽ hơn có liên quan đến tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ tiêu thụ tại thị trường này. “Để đáp ứng với các quy định này trong tương lai, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cần đẩy mạnh trách nhiệm giải trình. Việc loại bỏ các nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loài gỗ có độ rủi ro cao trong các sản phẩm xuất khẩu nên được coi là trọng tâm trong chiến lược phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu tại Hàn Quốc trong tương lai”, ông Phúc nói.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, hiện, mặt hàng gỗ đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chúng ta chưa được tự hào về điều này vì sản phẩm gỗ mới xuất khẩu tại cảng Việt Nam, tức là mới bán giá FOB chứ chưa bán được giá SHIP? “Đây là cái chúng tôi đang trăn trở, giá FOB rẻ hơn nhiều so với giá SHIP nhưng muốn bán được với giá SHIP phải nâng cao tính chuyên nghiệp, phải hiểu rành rọt thương mại quốc tế”, ông Quyền trăn trở.

Ông Quyền cho rằng, để nâng cao giá trị ngành gỗ, các doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, quan trọng nhất trong lúc này là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bởi hiện nay ở Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo công nhân lành nghề cho ngành gỗ.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top