Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 2 năm 2021 | 13:58

Tin ATTP: Chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm

Những ngày qua, rất nhiều địa phương đang tổ chức “giải cứu nông sản” cho bà con vùng có dịch Covid-19. Nhiều ý kiến lo ngại virus SARS-CoV-2 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá hay không?

Theo GS, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, virus SARS-CoV-2 phát tán lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc gần và đường giọt bắn. Giống như các virus Corona khác, virus SARS-CoV-2 có thể sống trên bề mặt khác nhau, tại mọi nơi từ vài giờ đến vài ngày.
 
7.jpg
Người dân hoàn toàn yên tâm khi tiêu thụ sản phẩm nông sản của Hải Dương

 

Hiện tại chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói.
 
Do đó, GS Quỳnh Mai nhấn mạnh, nếu người dùng băn khoăn về khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 qua thực phẩm thì hãy thực hiện các hướng dẫn về vệ sinh, rửa tay sau khi cầm nắm thực phẩm, rau củ quả bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đi chợ, làm sạch các dụng cụ đựng thực phẩm, rau quả thường xuyên.
 
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang chung tay giúp đỡ bà con nông dân  Hải Dương, giải cứu nông sản thực phẩm đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng không thể vận chuyển đi tiêu thụ được do phải thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19. UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị các địa phương tiêu thụ cho bà con nông dân số nông sản đã đến thời kỳ thu hoạch này, nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
 
Toàn bộ số nông sản được vận chuyển từ vùng có dịch ra các tỉnh, thành tiêu thụ đều đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương tiến hành khử khuẩn cho tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa, người nông dân thực hiện việc thu hoạch nông sản ngoài đồng đều được cơ quan y tế kiểm tra thân nhiệt, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt trong quá trình thu hoạch, bảo đảm không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nghi nhiễm Covid-19. Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng sản phẩm nông sản của bà con nông dân tỉnh Hải Dương.
 
Dịp Tết Tân Sửu 2021, 173 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm bị xử phạt
 
Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các tỉnh, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP đối với 909 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: giò, chả, thịt lợn, gà, rau quả…
 
anh-tụ.jpg
Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm. 
 
Kết quả, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 173 cơ sở (chiếm 19%) với tổng số tiền phạt 1,98 tỷ đồng (trung bình 11 triệu đồng/cơ sở).
 
Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản cũng đã tổ chức thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP đối với 58 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu theo quy định, phát hiện và xử lý 01 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt là 8,5 triệu đồng.
 
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản để từ đó đề xuất các biện phát xử lý hoặc tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử phạt theo quy định của pháp luật.
 
 
Đồng Nai: 244 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Trong tháng 2/2021, các đoàn kiểm tra của tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hơn 2,6 ngàn lượt thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hơn 2,3 ngàn cơ sở đạt tiêu chuẩn, 244 cơ sở vi phạm.
 
đồng-nai.jpg
Các đoàn kiểm tra của tỉnh Đồng Nai phát hiện 244 cơ sở vi phạm VSATTP.
Đối chiếu tình hình vi phạm, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt 6 cơ sở với số tiền 47,5 triệu đồng. Những cơ sở vi phạm còn lại được nhắc nhở, hướng dẫn để khắc phục vi phạm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
 
Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương
 
Ngày 24/2, Sở Công Thương Hà Nội ban hành Công văn số 755/SCT-QLTM đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương năm 2021.
 
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát, nắm bắt số lượng, tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, các sản phẩm làng nghề nhằm nâng cao nhận thức của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Phấn đấu nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã được cấp phép đạt cao hơn 50% so với năm 2020. Nâng cao tỷ lệ cấp phép bán lẻ rượu tại quận đạt tỷ lệ 100%; tại huyện, thị xã đạt tỷ lệ 50%.
 
Sở Công Thương cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”.
 
 
Quảng Trị: Hàng chục học sinh nhập viện nghi ngộ độc thức phẩm
 
Ngày 24/2, bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Vĩnh Thủy phục vụ 289 suất, học sinh ăn trưa vào lúc 10 giờ 30 phút và đến 12 giờ cùng ngày có biểu hiện lâm sàng như: buồn nôn, đau bụng, chóng mặt. Ngay sau đó, 25 học sinh đã được đưa về Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh để theo dõi và điều trị. Đến chiều tối cùng ngày, 17 học sinh có triệu chứng nặng đang điều trị tại bệnh viện, sức khỏe của các em đã ổn định, tiếp xúc tốt.
 
quảng-trị.jpgCác học sinh nhập viện theo dõi và điều trị tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Linh. (Ảnh: TTXVN)
 
UBND huyện Vĩnh Linh yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Vĩnh Thủy và Trạm Y tế xã Vĩnh Thủy theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh trong trường, báo cáo UBND huyện, Phòng Y tế huyện khi có những trường hợp biểu hiện bất thường nhằm kịp thời xử lý. Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh lấy mẫu thực phẩm và bảo quản theo quy định để tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân vụ việc. UBND xã Vĩnh Thủy, Trạm Y tế xã Vĩnh Thủy và Trường Tiểu học Vĩnh Thủy tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường
 
Tối 24/2, UBND huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Trường Tiểu học Vĩnh Thủy ở xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh), tạm dừng hợp đồng với cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống cho trường; đồng thời yêu cầu cơ sở này tạm dừng hoạt động tại trường từ ngày 25/2 cho đến khi có đầy đủ hồ sơ, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top