Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 10 năm 2020 | 22:11

Tin ĐBSCL: Nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mực nước sông Cửu Long đang lên nhanh. Mực nước cao nhất ngày 14/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,23m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,08m…

1.jpg
 Tình hình sạt lở bờ sông ở khu vực ĐBSCL phức tạp trong mùa mưa lũ (ảnh: Baodantoc).
 
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 18/10, mực nước cao nhất tại Tân Châu dao động khoảng 2,80m; tại Châu Đốc ở mức 2,45m…

Để ứng phó, Ban Chỉ đạo ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành chức năng và các huyện theo dõi sát diễn biến mưa, lũ hàng ngày, nhằm cảnh báo kịp thời để người dân biết, đề phòng, bảo vệ sản xuất và an toàn tính mạng người dân.

Cùng với đó, kiểm tra, gia cố nhà cửa và các công trình hạ tầng, chặt tỉa cành cây đề phòng lốc xoáy, gió mạnh. Chủ động bơm tiêu úng trong trường hợp có mưa lớn xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống xảy ra…

Chủ động ứng phó với mưa bão

Những ngày qua, trời mưa to, gió lớn, triều cường dâng cao; một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng ngọt hóa bị ảnh hưởng nặng nề, giao thông đường bộ bị ngập, chia cắt, đi lại rất khó khăn và nguy hiểm… Chiều ngày 14/10, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn gửi các địa phương về việc cho học sinh mầm non, tiểu học tạm nghỉ học do ảnh hưởng mưa bão.

Trước diễn biến phức tạp trên, căn cứ tình hình cụ thể của từng địa bàn, từng điểm trường… xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học tạm thời nghỉ học trong những ngày mưa to, đường ngập, nguy hiểm đến sự an toàn của học sinh.

Hiện tại, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ từ ngày 14 đến 15/10; huyện U Minh cho học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học từ ngày 14/10 đến 16/10.

 

3.jpg
 Một số nơi tạm cho học sinh nghỉ học để bảo vệ an toàn mùa mưa gây ngập úng nặng (ảnh: Tienphong).
 
 
Tại địa bàn huyện Trần Văn Thời, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão đã gây ra mưa to, kéo dài nhiều ngày qua, gây ngập sâu nhiều tuyến đường vùng nông thôn, nhà dân, đồng ruộng đã làm đảo lộn sinh hoạt, đời sống, sản xuất của bà con nông dân.

Ngập úng nặng nhất tại các xã của huyện Trần Văn Thời là Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và xã Trần Hợi…đã làm hơn 16.000ha lúa hè thu bị ngập và đổ ngã, hơn 66ha hoa màu bị ngập úng, cùng nhiều diện tích cá, tôm nuôi của người dân bị tràn bờ. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, Đồn Biên phòng Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) vừa tiếp nhận 4 thuyền viên bị chìm tàu trên biển. Hiện sức khỏe 4 thuyền viên ổn đình và đang liên hệ với gia đình.

Chiều ngày 14/10, trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn mưa to, dự báo ngập úng sẽ còn kéo dài. Việc tiêu thoát nước hiện đang gặp rất nhiều trở ngại do hạ tầng thoát nước không bảo đảm, mực nước dưới sông rạch, ao hồ điều hoà đầy tràn nước, không thể rút nước khu vực nội ô.

Tiền Giang: Gió lốc gây thiệt hại hàng nghìn mét vuông nhà xưởng

Tối 14/10, thông tin tư lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, (Tiền Giang) cho biết, chiều 14/10, một cơn lốc xoáy đi ngang qua khu vực khu công nghiệp Tân Hương (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cuốn sập và làm tốc mái  hơn 6.000 mét vuông nhà xưởng, kho lưu giữ hàng thành phẩm, nhà ở chuyên gia căn tin của Công ty TNHH Hansea Tiền Giang.

 

2.jpg
 Khu nhà xưởng của Công ty TNHH Hansea Tiền Giang bị giông lốc (ảnh: VOV).
 
Tại hiện trường rất nhiều tấm tôn bị cuốn bay ra khỏi nhà xưởng hàng chục mét, vướng vào đường dây điện; nhiều hàng hóa, vật dụng phẩm bị mưa ướt, hư hỏng. Ngay thời điểm xảy ra lốc xoáy do không có công nhân làm việc tại xưởng nên không gây thiệt hại về tính mạng con người nhưng gây hư hỏng nặng về tài sản của doanh nghiệp này.

Hiện, các ngành chức năng của huyện và tỉnh đã tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, tìm giải pháp hỗ trợ một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Hương khắc phục sự cố gió lốc gây thiệt hại hàng nghìn mét vuông nhà xưởng.

Nông sản xuất khẩu sang EU tăng mạnh

Từ ngày 1/8, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, lúc này thuế suất 0%, đã mở ra nhiều cơ hội khi xuất khẩu thủy sản, nông sản, trái cây của nước ta sang thị trường châu Âu (EU).

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Đức và Pháp với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine.

 

4.jpg
 Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU tăng mạnh.
 
 
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, giá gạo ST20 mà công ty xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Trong khi trước đây, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 800 USD/tấn, gạo Jasmine 520 USD/tấn.

Nối tiếp sự kiện này, cuối tháng 9, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cũng đã xuất khẩu 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 sang EU. Ở mặt hàng trái cây, Công ty Vina T&T (Bến Tre) cũng đã xuất khẩu bằng đường tàu biển và hàng không 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh sang Đức và 3 tấn thanh long sang Hà Lan. Trung bình mỗi tuần, đơn vị này sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU.

Từ khi EVFTA có hiệu lực và EU kiểm soát tốt dịch bệnh, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này đã phục hồi và tăng nhẹ. Theo đó, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8 ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay.

Còn theo ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, từ ngày 1/8 đến 30/9, Sở Công Thương đã cấp 213 bộ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cho doanh nghiệp xuất hàng đi EU với kim ngạch 15,9 triệu USD, chủ yếu là gạo, thủy sản, trái cây… Riêng Cần Thơ, hiện có 4 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái cây sang EU, gồm các sản phẩm: chanh không hạt và bưởi Năm Roi, xoài, thanh long.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top