Chỉ sau hơn 1 tháng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng 17% so với tháng 7/2020.
Gạo, rau quả tươi, cà phê… là những mặt hàng điển hình được Bộ NN&PTNT đề cập tới khi tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU nhờ EVFTA.
Cà phê Việt nam được ưa chuộng tại Châu Âu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, với mặt hàng gạo, trong khoảng gần 1 tháng triển khai EVFTA, những tác động tích cực đã lan tỏa đến gạo xuất khẩu. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ước tính trị giá xuất khẩu gạo tháng 8/2020 của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7/2020 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Có thể thấy, việc xuất khẩu một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của bản thân doanh nghiệp mà còn đánh dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế”, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế nhìn nhận. Bên cạnh gạo, rau quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau quả Việt Nam.
Ông Tuấn cho rằng nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ. Về mặt con số, trị giá xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng 7/2020 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh gạo, rau quả, mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU”.
Để thúc đẩy xuất khẩu toàn ngành nông, lâm thủy sản thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) ở góc độ thị trường, Bộ NN&PTNT xác định, tập trung tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu, kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh COVID-19. “Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối cung cầu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp…”, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định.
Về trị giá xuất khẩu trong cả năm 2020, theo Bộ NN&PTNT, nếu cố gắng cao và không có biến động lớn của tình hình thế giới, khả năng cao trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt kế hoạch trên 40 tỷ USD (40- 41 tỷ USD). Toàn ngành phấn đấu tổng trị giá xuất khẩu “cán đích” khoảng 41 tỷ USD.
Đối với các nhóm hàng nông sản quan trọng trong đó có cả áp dụng hạn ngạch thuế quan, cam kết của EU dành cho Việt Nam như sau: Với cà phê, EU xóa bỏ thuế toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7-11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến giảm từ 9-12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020.
Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.
Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn. Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định. Đường: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%. Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Gỗ và các sản phẩm gỗ hầu hết sẽ xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu.
Các sản phẩm khác thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn); 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm); 400 tấn tỏi và 350 tấn nấm. Thuế suất trong hạn ngạch của tất cả các mặt hàng thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan của EU là 0%.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.