Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 1 năm 2021 | 15:43

Tin NN: Nông sản “chuẩn xuất khẩu” đổ bộ phục vụ thị trường Tết

Thị trường trong nước ngày càng quan trọng với nhiều doanh nghiệp trước giờ chỉ chuyên làm hàng xuất khẩu khi dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều mặt hàng nông sản được ưa chuộng trong dịp Tết đang chú trọng thị trường nội địa.

dieu_mgqq.jpg
Nhiều DN xuất khẩu điều đã tham gia thị trường nội địa với các dòng sản phẩm cao cấp phục vụ Tết.

 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group (chuyên xuất khẩu nông sản), cho hay Tết này DN ông sẽ tham gia một số hội chợ Tết và cung cấp sản phẩm giỏ trái cây Tết với tiêu chuẩn như hàng xuất khẩu.

"Do lo ngại dịch bệnh nên người dân sẽ hạn chế đi du lịch, chủ yếu ăn Tết tại chỗ nên dự báo Tết này, TP HCM sẽ đông vui hơn mọi năm. Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 tốt nên có thể sức mua trái cây sẽ tương đương như Tết năm ngoái. Trái cây nhập khẩu cũng hạn chế do vướng vấn đề vận chuyển nên trái cây cao cấp trong nước sẽ thay thế một phần.

Năm nay, lần đầu tiên Vina T&T tham gia thị trường trái cây độc lạ như: bưởi tài lộc, dừa xiêm phúc - lộc - thọ, thanh long vàng, bưởi đỏ miền Bắc để đa dạng hóa sản phẩm. Chúng tôi cũng đa dạng thêm nhiều kênh bán hàng gồm trực tiếp, online để cung cấp trái cây "chuẩn xuất khẩu" cho thị trường trong nước" - ông Tùng tiết lộ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Nafoods Group, hiện nay là cơ hội tốt để những DN trước giờ chỉ tập trung xuất khẩu phát triển thị trường nội địa. "Với gần 100 triệu dân, nhiều nhãn hàng thực phẩm nước ngoài đang đổ bộ, DN không thể bỏ qua, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng đang ưu tiên chọn sản phẩm trong nước, minh bạch nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe.

Là DN chuyên về hàng giá trị gia tăng từ rau quả, chúng tôi đã cung cấp nguyên liệu cho nhiều thương hiệu lớn như: Coca-Cola, Starbucks… nên bảo đảm về vùng nguyên liệu cũng như nhà máy đạt chuẩn xuất khẩu. Từ một DN 100% xuất khẩu, năm nay chúng tôi tham gia thị trường nội địa bắt đầu từ mùa Tết với nhiều sản phẩm chế biến tiêu biểu nhất theo hướng tự nhiên, tốt cho sức khỏe như: hạt đặc sản, trái cây sấy, trái cây tươi…

Hạt điều, cà phê là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh mùa Tết nên các DN xuất khẩu không bỏ qua cơ hội này để đẩy mạnh doanh số. Hội chợ "Ngày cà phê Việt Nam" tổ chức mới đây tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM quy tụ rất nhiều thương hiệu cà phê xuất khẩu như: Phúc Sinh, Mê Trang, Intimex… trưng bày nhiều sản phẩm cho thị trường trong nước với bao bì bắt mắt để khách hàng có thể làm quà tặng.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho hay việc các DN xuất khẩu tham gia thị trường trong nước là xu hướng. "Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp khiến DN xuất khẩu phải đa dạng hóa thị trường, phải đi bằng 2 chân, vừa xuất khẩu vừa bán nội địa để tăng doanh thu. Lý do quan trọng là thu nhập người dân Việt Nam ngày càng tăng nên nhiều mặt hàng trước đây chỉ xuất khẩu vì giá cao thì nay trong nước vẫn bán được. Ưu điểm của DN xuất khẩu là sản xuất với quy mô lớn nên giá thành thấp, hàng đưa ra thị trường có giá bán phải chăng, phù hợp với người tiêu dùng. Mùa Tết này, Intimex có gạo đặc sản ST24, hạt điều và cà phê chế biến có lượng tiêu thụ khá tốt" - ông Nam bày tỏ.

Đối với hạt điều, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cũng xác nhận mùa Tết thị trường nội địa sôi động với những dòng sản phẩm chế biến sâu như: điều rang muối, tẩm mật ong, tẩm wasabi… "Hiện chưa có thống kê chính thức nhưng nhiều DN xuất khẩu điều đã tham gia thị trường nội địa với các dòng sản phẩm cao cấp.

Với thị hiếu người Việt, nguyên liệu được dùng là điều Việt Nam hoặc Campuchia nên giá thành thường cao hơn hàng xuất khẩu. Cách đây nhiều năm, Vinacas đã có một số chương trình kích cầu nội địa, tiêu biểu là đặt hàng nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của hạt điều nên ngày càng được người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng hạt ngày càng nhiều cũng khiến tiêu thụ điều tốt hơn" - ông Hậu nói.

Cá tra vốn là mặt hàng chuyên xuất khẩu với tỉ lệ bán ra nước ngoài tới hơn 90% nhưng nay tiêu thụ trong nước tăng đáng kể. Một lãnh đạo công ty quản lý chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) cho hay năm nay lượng cá basa về chợ nhiều và tiêu thụ rất tốt. Kênh bán hàng chính là nhà hàng, khách sạn, các trường học và nhiều chợ lẻ. Nhờ ưu điểm giá rẻ, dinh dưỡng, không xương dăm nên cá tra rất dễ chế biến các món ăn. Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận thị trường trong nước là kênh tiêu thụ lớn của cá tra với số lượng ước chừng 200 tấn/đêm về TP HCM.

Nông sản đặc sản phục vụ Tết

Cho đến thời điểm này, các đơn vị, doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Lâm Đồng đang chuẩn bị nhiều loại mặt hàng đặc sản địa phương, tung ra để phục vụ người tiêu dùng cả nước.

Thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn là các loại sản phẩm của thành phố Đà Lạt và khu vực phụ cận gồm rau, hoa và nông sản chế biến.

Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng), cho biết trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt đưa ra thị trường chủ yếu là rau củ quả sấy, mứt các loại như mứt dâu, hồng treo, hồng sấy; nước cốt trái cây, hạt mắc ca sấy...

 

ttxvnhongsay.jpg
Quả hồng được treo bằng dây, cách nhau khoảng 20 - 25cm để làn gió tự nhiên sấy khô dần. (Ảnh: Đặng Tuấn)

 

Những mặt hàng tiềm năng thế mạnh của tỉnh cũng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như rau quả tươi; hoa tươi, nông sản chế biến, trà, càphê, atiso…

Các loại mặt hàng đưa ra thị trường đều hết sức phong phú, đa dạng nhiều mặt hàng; cung ứng ra thị trường khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường trong nước.

Một sản phẩm của Đà Lạt hiện đang được thị trường ưa thích, sử dụng thích hợp trong dịp Tết là mặt hàng hồng sấy, hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản.

Theo chị Lan Anh ở cơ sở sản xuất Vườn hồng treo gió Lễ Vân, số 45 Khe Sanh (phường 10, thành phố Đà Lạt), trong khoảng 2 tháng cận Tết, mỗi ngày, cơ sở chuẩn bị tới 800-1.000kg trái hồng tươi để làm hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản.

Hiện tại, mặt hàng này sản xuất ra tới đâu, khách hàng lấy hết tới đó. Khách hàng chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… mua để làm quà biếu tết cho người thân.

Nhiều người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài đã từng thưởng thức loại đặc sản này đã nhờ người quen ở Đà Lạt mua để gửi sang thưởng thức.

Theo khảo sát ngoài thị trường, hiện tại 1kg hồng treo gió loại ngon nhất đang được bán sỉ với giá từ 420.000-450.000 đồng/kg; bán lẻ cho khách khoảng 500.000 đồng/kg, tăng bình quân 50.000 đồng/kg do hồng nguyên liệu đang vào thời kỳ cuối mùa, trong khi nhu cầu thị trường dịp Tết tăng mạnh.

Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, một số nhà vườn ở Đà Lạt đã tung ra thị trường các loại sản phẩm phục vụ Tết khá độc đáo.

Điển hình như Hợp tác xã Thủy canh Việt ở thành phố Đà Lạt với 7 thành viên chuyên canh tác rau trồng theo công nghệ cao tiêu chuẩn VietGAP đã tung ra thị trường giỏ quà Tết độc đáo là rau, củ, quả của trang trại mình trồng ra.

Anh Nguyễn Đức Huy, thạc sỹ sinh học thực vật, Giám đốc Hợp tác xã Thủy canh Việt, cho hay hợp tác xã của anh đã tung ra thị trường hộp quà Tết với khối lượng khoảng 7kg, thuận tiện để khách hàng có thể mang xách. Hộp quà có giá 500.000 đồng này có các loại nông sản như súp lơ san hô, xà lách, cà chua, cà rốt, dưa leo, dưa lưới, cải bó xôi, gia vị, ớt, tỏi… được đóng gói hộp rất bắt mắt. Mỗi hộp quà như vậy vừa đủ để đáp ứng nhu cầu rau xanh của 1 gia đình 4 người trong 1 tuần ăn Tết, mà lại rất thích hợp để làm quà tặng…

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng của thương nhân trên địa bàn Lâm Đồng để bình ổn thị trường trong dip tết Nguyên đán. Số lượng hàng hóa chuẩn bị ước giá trị khoảng 1.879 tỷ đồng.

Các mặt hàng lương thực trị giá khoảng 42 tỷ đồng; hàng hóa thực phẩm trị giá 1.449 tỷ đồng và thực phẩm tươi sống trị giá 388 tỷ đồng, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng  của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Kiểm soát cá tầm nhập lậu

Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính, Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai liên quan đến việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.

Bộ NN&PTNT cho biết, đã phối hợp với các địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TPHCM). Kết quả có cho thấy, 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 26 (năm 2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản.

Cá tầm nuôi tại Việt Nam chỉ chủ yếu 4 loại là: Cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Xibêri (Acipenser sinensis) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).

Cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trưởng; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước.

Bộ NN&PTNT cũng yêu các đơn vị liên quan thuộc bộ này, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và địa phương thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không thực hiện kiểm dịch theo quy định.

 

unnamed.jpg
 Kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.

 

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, sản lượng cá tầm năm 2020 cả nước khoảng 3.700 tấn, giá trị kinh tế khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn do cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán chỉ bằng 2/3 giá cá trong nước. Đặc biệt, khi cá tầm nhập về Việt Nam có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc với cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng có phân biệt.

Các chuyên gia Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho biết, cá tầm Trung Quốc có thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam và quan sát hình dạng bên ngoài có sự khác biệt so với cá tầm nuôi trong nước.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top