Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 10 năm 2018 | 17:14

Tin NN ĐBSH: "Làm đẹp" cho cây cảnh độc, lạ phục vụ Tết Nguyên đán

Còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này, nông dân các địa phương trồng cây cảnh đang tích cực chăm sóc, gò thế tạo dáng, “làm đẹp” cho cây để cho ra thị trường những cây cảnh có thế dáng độc, lạ.

Hưng Yên: "Làm đẹp" cho cây cảnh độc, lạ phục vụ Tết Nguyên đán

Tại một số vùng trồng hoa trên địa bàn huyện Văn Giang như các xã: Xuân Quan, Phụng Công… các chủ vườn cũng đang tích cực chăm sóc diện tích hoa đã trồng và làm đất gieo trồng một số loại hoa ngắn ngày khác. Hiện nay, xen kẽ các vườn hoa truyền thống, nhiều nhà vườn của địa phương đã đầu tư hệ thống nhà kính, chiếu sáng, hệ thống phun sương tự động để điều chỉnh sự phát triển của cây theo ý muốn, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm đạt giá trị kinh tế cao nhất.

Xã Hoàn Long là địa phương trồng cây quất, cam cảnh có tiếng của huyện Yên Mỹ với trên 55 mẫu (1 mẫu = 360m2). Thời điểm này, các chủ vườn tại địa phương đang tích cực chăm sóc, tạo dáng cho những vườn quất cảnh của gia đình. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, người dân xã Hoàn Long không chỉ đầu tư, chăm sóc diện tích quất tháp (quất lùm), quất thế… mà còn mở rộng những diện tích vườn trồng quất cảnh bonsai đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Giang, hiện nay, toàn huyện có 226ha trồng các loại hoa và trên 864ha trồng cây cảnh cách loại, tập trung tại thị trấn Văn Giang và các xã: Xuân Quan, Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi... Từ nay đến Tết Nguyên đán, nông dân tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc; quan sát và kịp thời phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ như: ngô, đỗ tương… nghiền hoặc ngâm ủ để giúp duy trì bộ lá cây được bền, đẹp...

 

12.jpg
Ảnh minh họa. 

 

Bắc Ninh: Thuận Thành khai thác lợi thế trồng cây ăn quả

Tuy là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng Thuận Thành vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với các cây rau màu chủ lực. Việc phát triển cây ăn quả để khai thác tiềm năng của lao động và đất đai đang tạo ra hướng đi mới góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Theo ông Lê Văn Quảng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Thành, trước kia, nông dân trên địa bàn trồng các loại cây ăn quả không có sự đầu tư tính toán, mà trồng chủ yếu theo nhu cầu của gia đình. Vài năm trở lại đây, tư duy người dân đã có nhiều thay đổi, nhiều gia đình học tập kinh nghiệm ở các nơi, mạnh dạn phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay, huyện có khoảng 250ha trồng cây ăn quả chủ yếu là các loại bưởi, cam, quýt, ổi, chuối… tập trung ở các xã Gia Đông, Song Liễu, Hoài Thượng, Đình Tổ…

Để khuyến khích người dân đầu tư sản xuất cây ăn quả theo hướng bài bản, huyện Thuận Thành có chủ trương hỗ trợ các hộ có nhu cầu tích tụ ruộng đất để hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Người dân trong huyện tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh như sử dụng túi bao quả, nuôi cấy mô… Qua đó, diện tích trồng cây ăn quả ngày càng nhiều, hiệu quả cao, thu nhập tăng từ 20 đến 50% so với 5 năm trước.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đầu ra của cây ăn quả chưa ổn định. Những vùng sản xuất chuối, cam quy mô lớn vẫn phụ thuộc vào các thương lái nên còn xảy ra tình trạng bị ép giá. Diện tích đất tự nhiên dành cho nông nghiệp quy mô lớn ít và manh mún, khó tích tụ, nên người muốn đầu tư sản xuất thì không có đất và người có đất lại không muốn đầu tư.

Thời gian tới, để phát huy các mô hình trồng cây ăn quả ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao về giống, kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng, phát triển nhóm cây có múi… Xây dựng liên kết chuỗi hộ, trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Ngoài ra, cũng theo ông Lê Văn Quảng, hiện tư duy của người tiêu dùng đã thay đổi, họ không chỉ có nhu cầu ăn các loại quả ngon mà còn phải an toàn, chất lượng. Vì vậy, bên cạnh việc không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, nông dân cần chủ động áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo dựng thị trường bền vững.

 

11.jpg
Mô hình trồng cam vinh và các cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Dư thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Hà Nam: Nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông

Trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp hằng năm, Hà Nam luôn xác định vụ đông là vụ chính thứ 3 trong năm (cùng với 2 vụ lúa). Do vậy, việc quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống đều có sự gắn kết cả 3 vụ. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm giải phóng đất kịp thời cho gieo trồng cây màu sớm chủ lực của vụ đông.

Ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV (Sở NN & PTNT) đánh giá: Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện rất tốt việc phát triển sản xuất vụ đông, chiếm 50 - 60% diện tích đất 2 lúa, với nhiều loại cây trồng hàng hóa giá trị cao. Thực tế đã chứng minh đây là hướng đi hiệu quả khi vụ đông đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân.

Tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân cây vụ đông được trồng trên 70% diện tích đất 2 lúa. Trong đó, tập trung vào những cây hàng hóa chủ lực, như: Bí xanh và bí đỏ gần 200 ha, dưa chuột xuất khẩu 60 ha, ngô nếp gần 60 ha... Mỗi năm, giá trị từ cây vụ đông đem lại cho xã hơn 25 tỷ đồng, bằng hơn 50% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của xã.

Ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Nghĩa cho biết: Đối với nông dân Nhân Nghĩa cây vụ đông đem lại thu nhập chính. Do vậy, nhiều năm nay diện tích sản xuất tại xã luôn được duy trì và phát triển theo hướng nâng cao giá trị.

Với huyện Kim Bảng, sản xuất vụ đông luôn được đảng bộ và các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các HTXDVNN đều phải có dịch vụ thỏa thuận tiêu thụ nông sản hàng hóa vụ đông cho người dân qua việc ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Do vậy, diện tích cây hàng hóa xuất khẩu của huyện được mở rộng hằng năm.

Vụ đông năm 2018, Kim Bảng có kế hoạch gieo trồng hơn 2.570 ha cây vụ đông, chiếm gần 50% diện tích đất lúa. Riêng cây hàng hóa xuất khẩu các loại hơn 600 ha, chủ lực là cây dưa chuột xuất khẩu trên 300 ha, vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh.

 

9.jpg
Nông dân xã Văn Xá (Kim Bảng) thu hoạch dưa chuột vụ đông sớm.

 

Hải Dương: 21 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết 


Toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết theo chuỗi giá trị ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Kim Thành và thị xã Chí Linh.

Các cơ sở ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thương phẩm hoặc nuôi lợn nái để tạo lợn sữa, lợn choai phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, trong tỉnh còn có 9 cơ sở liên kết theo hình thức gia công cho Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam.

Để tạo thuận lợi cho việc hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi lợn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy mô lớn và chăn nuôi theo quy trình VietGAP.

13.jpg
Hộ nông dân chăm sóc đàn lợn nuôi. (Ảnh: IT)./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top