Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 9 năm 2018 | 17:36

Nông nghiệp ĐBSH: Mở hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo

Dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP) với 6 gói công nghệ được kiểm chứng, đạt hiệu quả cao nhất, tăng năng suất được lựa chọn, đây được xem là cơ hội mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo.

Thái Bình: Hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo

Giai đoạn I với hai vụ sản xuất thử nghiệm của dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP) đã kết thúc, 6 gói công nghệ được kiểm chứng, đạt hiệu quả cao nhất về giảm phát thải khí nhà kính (KNK), tăng năng suất được lựa chọn để bước tiếp vào giai đoạn II - giai đoạn nhân rộng. Đây được xem là cơ hội mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất lúa gạo của tỉnh.

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc dự án AVERP tại Việt Nam cho biết: 11 gói công nghệ tham gia dự thi ở giai đoạn I đều có những ưu điểm riêng. Trong đó 6 gói công nghệ đáp ứng hai tiêu chí: giảm phát thải KNK và tăng năng suất với mức đánh giá cao nhất được chọn tham gia vào giai đoạn II. Đồng thời hy vọng những công nghệ được khẳng định ở giai đoạn I sẽ nhanh chóng được ứng dụng, chuyển giao để tiếp cận với nhiều nông hộ nhỏ, hướng tới mục tiêu của dự án: thay đổi phương pháp canh tác nhằm giảm lượng KNK phát thải, nâng cao sinh kế và bảo vệ môi trường.

Gói công nghệ của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Viện cây lương thực và cây thực phẩm đạt giải nhất tại lễ trao giải sơ kết giai đoạn I được thực hiện trên đồng đất thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương).

Để chứng minh tính hiệu quả cũng như khả năng nhân rộng của công nghệ, ở giai đoạn II, số nông hộ tham gia sử dụng công nghệ là tiêu chí quan trọng, chiếm 40% tổng điểm.

Theo bà Trần Thu Hà, ngoài giá trị giải thưởng, dự án còn góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trình độ canh tác lúa cho bà con nông dân theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi liên kết giữa các nhân tố tham gia như nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp.

AVERP được triển khai tại Thái Bình từ năm 2016 - 2021. Hy vọng với những công nghệ tiên tiến, hiệu quả được lựa chọn từ dự án sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo của Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung trong thời gian không xa.

 

6.jpg
Ảnh minh họa.

 

Hà Nam: Triển vọng phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái

Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó nông nghiệp sinh thái là một trong những hướng sản xuất được lựa chọn. Đây là cách làm hiệu quả, tạo nên sản phẩm hàng hóa, nông sản sạch và môi trường sản xuất bền vững.

Từ một hộ sản xuất cá thể, giữa năm 2017, ông Lê Đức Ân, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) đã thành lập HTX du lịch sinh thái hoa, cây cảnh Phù Vân. Trên diện tích 3 ha được tích tụ, HTX phát triển trồng hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu thăm quan, tiêu thụ sản phẩm của người dân trong và ngoài tỉnh. Cùng với diện tích sản xuất, HTX còn đầu tư khu nghỉ ngơi cho khách thăm quan, nhà giới thiệu sản phẩm…

Đến nay, sau 1 năm hoạt động, HTX du lịch sinh thái hoa, cây cảnh Phù Vân đã tạo nên điểm nhấn cho chính vùng đất có nghề truyền thống trồng hoa này. Nhằm thu hút khách đến tham quan và mua sắm, HTX  trồng các loại hoa, cây cảnh có giá trị và đang được ưa chuộng trên thị trường như: phong lan, hồng cổ, hồng ngoại, mộc hương…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp sinh thái đang được nhiều người quan tâm và hướng tới sẽ đầu tư sản xuất, nhất là những mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất theo mô hình an toàn. Chẳng hạn như tại cơ sở Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) tích tụ 5ha đất bãi ven sông Đáy. Trên diện tích này, cơ sở trồng các loại nông sản an toàn từ dưa chuột, cà chua, măng tây, bí đỏ, đến các loại rau thực phẩm.

Được biết, tới đây cơ sở sẽ thành lập HTX kiểu mới theo mô hình nông nghiệp sinh thái. Theo đó, người dân có thể đến đây trải nghiệm và tìm hiểu cụ thể quy trình sản xuất rau, củ, quả và mua sản phẩm tươi ngay tại vườn khi có nhu cầu.

Mặc dù mới chỉ là bước đầu, nhưng phát triển nông nghiệp sinh thái hứa hẹn nhiều triển vọng, sẽ tạo nên bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng nông sản.

 

7.jpg
Các cháu Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Phủ Lý) trải nghiệm thực tế tại HTX sản xuất và tiêu thụ đặc sản Phù Vân. (Ảnh do HTX cung cấp)

 

Ninh Bình: Thượng Kiệm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; đẩy mạnh cơ giới hoá, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; hạn chế các tác động không tốt đến môi trường; chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh... là những giải pháp quan trọng mà xã Thượng Kiệm (Kim Sơn) đã triển khai, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay Thượng Kiệm đã đạt nhiều kết quả toàn diện trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Toàn xã hiện có 360ha đất trồng lúa, 10ha rau màu, 35ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt trên 10% diện tích canh tác.

Đặc biệt, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều trang trại chuyên canh có quy mô từ 1-3ha, trên 30 gia trại chăn nuôi quy mô từ 5-10 con trâu, bò; hàng trăm con lợn và hàng nghìn con gia cầm, thủy cầm. Chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, nhiều nông sản đã xây dựng được thương hiệu, có giá trị kinh tế cao như dưa lê, bưởi, đinh lăng, rau màu, cá lóc bông, vịt trời, ếch...

Năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 118 triệu đồng/ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có giá trị sản xuất cao gần gấp 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn xã, điển hình như: mô hình rau chất lượng cao, đạt 200- 240 triệu đồng/ha/năm của gia đình ông Lưu Văn Thịnh (xóm 8); cánh đồng dược liệu và sản xuất rau an toàn trong nhà lưới 300 triệu đồng/ha của anh Trần Việt Phú; mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, kết hợp nuôi trồng thủy sản của anh Đỗ Ngọc Tỉnh, Đỗ Văn Nam, Lưu Văn Minh, ông Lưu Văn Xuyên (xóm 8).

Ngoài ra, nhiều mô hình gia trại đạt 200-300 triệu đồng/năm như mô hình nuôi cá lóc bông của anh Bùi Đức Quỳnh, mô hình nuôi ếch sinh sản và ếch thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Bình (xóm 9), gia trại chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Lưu Văn Sinh (xóm 8), ông Bùi Xuân Điền (xóm 6), gia trại chăn nuôi trâu bò của ông Đinh Văn Phúc (xóm 8), gia trại chăn nuôi lợn của ông Trần Văn Quynh (xóm 7)...

Thành công bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là tiền đề quan trọng để Thượng Kiệm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng trong thời gian tới.

 

8.jpg
Mô hình trồng rau sạch của gia đình chị Đinh Thị Giang, xã Thượng Kiệm (Kim Sơn). (Ảnh: Trường Giang)

 

Hải Dương: Xây dựng thí điểm 3 mô hình nuôi cá VietGAP

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang xây dựng thí điểm 3 mô hình nuôi cá VietGAP tại các xã Hiệp Hòa, Lạc Long (Kinh Môn) với diện tích 3ha.

Hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ cá giống là rô phi đơn tính và 30% chi phí mua thức ăn cho cá. Nhân viên của trung tâm và đơn vị thẩm định hướng dẫn, giám sát quá trình chăm sóc cá của người dân, nếu đạt yêu cầu sẽ cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Toàn tỉnh hiện có hơn 11.000ha nuôi thủy sản nhưng mới có 2 cơ sở nuôi cá được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

9.jpg
Nuôi cá theo mô hình VietGAP.

 

Vĩnh Phúc: Xây dựng chỉ dẫn địa lý, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp

Quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần bảo tồn, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Tỉnh Vĩnh Phúc không có nhiều nông sản quý, có giá trị kinh tế cao hoặc có tính đặc thù, đặc trưng, giá trị văn hóa ẩm thực - tinh thần riêng biệt, song, có một số sản phẩm có tiếng từ thời xa xưa được tôn vinh trong vùng, lưu truyền qua ca dao, tục ngữ như: “Dứa Hướng Đạo, gạo Long Trì”; “Khoai Đồng Mái"; “Bánh nẳng Chợ Tràng, gạo rang Tiên Nữ”; “Lúa Đồng Oai, khoai Đồng Bầu”; “Tép Đầm Vạc, lạc Chợ Cói”...Tuy nhiên, đến nay, nhiều sản phẩm đã bị mai một.

Trước thực tế đó, những năm gần đây, tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích hoặc hỗ trợ kinh phí để xây dựng thương hiệu cho một số loại nông sản có giá trị cao về kinh tế, tinh thần hoặc ít nhiều đã gắn bó với người dân địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm có tính đặc trưng theo từng vùng, miền nhất định như: Cá thính, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch); rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường); rau su su, trà hoa vàng, ba kích (Tam Đảo); gạo Long Trì (Tam Dương).

Trong đó, một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và có hệ thống tổ chức quản lý theo mô hình tập thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Cá thính Lập Thạch, rắn Vĩnh Sơn, su su Tam Đảo, gạo Long Trì, thanh long ruột đỏ Lập Thạch. Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân tự xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với nông sản cho riêng cơ sở của mình

Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tập thể còn ít, chưa có chỉ dẫn địa lý, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh. Ông Bùi Đức Thọ, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, ngoài các yếu tố như bảo tồn, chống lại sự lạm dụng, gian lận thương mại và tăng cường lợi thế so sánh và sức cạnh tranh của sản phẩm, thì chỉ dẫn địa lý là thông tin công nhận về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc đặc tính riêng biệt của hàng hóa do nguồn gốc địa lý tạo nên, bởi chỉ có đăng ký chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm mới dễ dàng được phát triển, quảng bá và có cơ hội xuất khẩu, tiếp cận được những thị trường khó tính, giúp sản phẩm nông nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong sân chơi hội nhập.

10.jpg
Sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) được giới thiệu tại Malaysia và được người tiêu dùng nước bạn đánh giá cao. (Ảnh: Đức Chung)

 

Thanh Hóa: Tập trung khắc phục “thẻ vàng” cho khai thác hải sản

Cùng với cả nước, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển cùng với ngư dân trong tỉnh đang nỗ lực để khắc phục “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Theo kế hoạch vào tháng 1-2019, đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá của đoàn, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Vì vậy, toàn tỉnh đang tập trung thực hiện nghiêm công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm ngư dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động trong lĩnh vực thủy sản thông tin đầy đủ về việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC, những nội dung cơ bản của quy định về khai thác IUU (nhất là đối với cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu hải sản khai thác).

Tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến và tàu cá tại cảng; thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển; rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

Thu hồi tất cả thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m; lắp đặt các thiết bị đã được thu hồi cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên. Đối với các chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu cá đã được lắp thiết bị Movimar, yêu cầu mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển.

Thực hiện xử lý nghiêm những tàu cá không mở máy theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát cửa sông, bến bãi và nhất là bãi ngang; không giải quyết cho bất kỳ phương tiện nào ra khơi khi không có đủ các loại giấy tờ; xử lý nhắc nhở các trường hợp vi phạm; điều tra cơ bản phân loại, thống kê, phân vùng khai thác để quản lý chặt chẽ hơn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh sẽ góp phần cùng ngành thủy sản Việt Nam lấy lại được “thẻ xanh” từ EC trong thời gian sớm nhất.

11.jpg
EU yêu cầu Việt Nam phải đánh bắt cá hợp pháp.  (Ảnh: VGP)./.
Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top