Do ảnh hưởng của bão số 3 và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn dài ngày, nhiều diện tích lúa, rau màu nhiều địa phương bị thiệt hại do ngập úng. Hiện, chính quyền địa phương đang hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng, chủ động phòng ngập úng.
Hà Nội: Chủ động khắc phục hậu quả lũ lụt
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, sáng 2/8, trên địa bàn thành phố tiếp tục vận hành 101 trạm bơm tiêu, với 305 máy bơm với tổng lưu lượng tiêu 784.250m3/giờ. Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, hỗ trợ bà con vùng lụt đang được thành phố Hà Nội chỉ đạo ráo riết.
Tại hầu hết khu vực ngập lụt, chính quyền địa phương và các lực lượng, người dân tích cực, chủ động khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, do huyện đã quyết liệt triển khai các biện pháp hộ đê tả Bùi và mực nước sông Bùi đang tiếp tục giảm nên đến thời điểm này đê tả Bùi đã tạm thời an toàn.
Tuy nhiên, do đê yếu, ngâm nước nhiều ngày nên nguy cơ xảy ra sự cố vẫn rất cao. Để bảo đảm an toàn đê, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn huyện và một số quận, huyện lân cận, khu vực nội thành, huyện Chương Mỹ yêu cầu 19 xã, thị trấn ven sông Bùi tiếp tục duy trì 100% lực lượng tại chỗ để kiểm tra, phát hiện, sẵn sàng triển khai biện pháp ứng phó, xử lý sự cố…
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đê, ngày 2-8, huyện Chương Mỹ yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ khoanh vùng, vận hành toàn bộ công trình thủy lợi bơm tiêu nước cứu lúa, giảm úng ngập trong các khu dân cư.
Bắc Ninh: Tăng cường chăm sóc lúa và rau màu sau ngập úng
Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa lớn đầu mùa gây mưa lớn trên diện rộng, làm ngập úng nhiều diện tích lúa mới cấy và rau màu tại Bắc Ninh, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Vì vậy, để khắc phục những ảnh hưởng và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra, các địa phương cần tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc lúa, rau màu sau ngập úng.
Đối với lúa: Cần phân loại diện tích bị ngập úng, ưu tiên cho những diện tích lúa mới cấy, gieo thẳng muộn, những chân ruộng trũng. Huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy như mương máng, sông ngòi, nếu cần thiết sử dụng các máy bơm cục bộ để thoát nước nhanh. Tuyệt đối không để cây lúa bị ngập lâu, sau ngập úng nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, thậm chí gây chết lúa.
Đối với các loại cây rau màu (ớt, dưa, bí, mướp...) cần khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị hại nặng; Tháo nước nhanh, kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, khơi thông các dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ. Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại như: Anvil, Validacin, Ridomil… để phòng trừ nấm lở cổ rễ; xới xáo nhẹ, phá váng kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân.., chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi. Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau nhanh cho thị trường lúc giáp vụ và tăng thu nhập.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ lúa, rau màu trong mùa mưa bão đúng cách sẽ đảm bảo sản xuất vụ mùa 2018 đạt kế hoạch đề ra.
Hà Nam: Hơn 220ha lúa mùa bị ngập úng
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT) Hà Nam, mưa vừa, mưa to kéo dài trong những ngày qua đã làm 220,5ha lúa mùa của các địa phương đang bị ngập úng, gồm: 55,9ha bị ngập trắng, 164,6ha ngập phất phơ.
Diện tích ngập úng tập trung ở huyện Duy Tiên (110,5ha) và thành phố Phủ Lý (110ha). Hiện nay, các doanh nghiệp thủy nông phục vụ trên địa bàn đang vận hành 165 máy bơm các loại để tiêu nước nội đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam 130 máy, Công ty KTCTTL Bắc Nam Hà 30 máy, Công ty CP Môi trường – Công trình đô thị Hà Nam 5 máy.
Ngoài diện tích lúa bị ngập úng, do mưa kéo dài và lũ lên cao trên tuyến đê Tả Đáy thuộc địa bàn thành phố Phủ Lý đã xuất hiện sự cố sạt lở mái và chân cơ hạ lưu chiều dài 100 m (từ K103+100 – K103+200). Cơ quan chức năng đang theo dõi, có biện pháp xử lý trong thời gian tới.
Thái Bình: Vũ Lạc: Chăm sóc lúa mùa sau ngập úng
Do ảnh hưởng của bão số 3 và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn dài ngày, nhiều diện tích lúa mùa mới cấy của xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) bị ngập úng. Hiện chính quyền địa phương đang hướng dẫn nông dân chăm sóc, cấy dặm lúa mùa.
Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc Nguyễn Văn Tân cho biết: Hơn 430ha lúa mùa vừa được bà con nông dân gieo cấy ít ngày, gặp mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích lúa mùa bị ngập úng. UBND xã đã chỉ đạo HTX DVNN mở các cống nội đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy nhằm chuyển nước nhanh nhất về trạm bơm để tiến hành bơm tiêu nước. Tuyên truyền nông dân tỉa dặm diện tích dày vào diện tích lúa bị chết do ngập úng để bảo đảm không chậm thời vụ; thực hiện nghiêm quy trình bón phân, tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ. Hạn chế đến mức thấp nhất mức độ gây hại của sâu bệnh và mưa bão, xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về tác hại và các biện pháp, kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh; chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở thôn, thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời sâu bệnh, có biện pháp chỉ đạo nông dân tiến hành phun thuốc khi có sâu bệnh phát sinh để kịp thời khống chế, không để lây lan ra diện rộng.
Thời điểm này lúa đang sinh trưởng phát triển tốt. Vụ mùa thường có mức độ gây hại của sâu bệnh nhiều hơn các vụ khác trong năm. Do đó, HTX khuyến cáo bà con xã viên cần thường xuyên thăm đồng, thực hiện bón lót sâu, bón thúc sớm, bón tập trung để tránh thất thoát phân bón và để lúa tốt ngay từ đầu, đẻ nhánh tập trung, tăng số nhánh hữu hiệu, nhằm nâng cao năng suất và sản lượng; đồng thời khuyến cáo nông dân không dùng điện, sử dụng thuốc không đúng danh mục để đánh bắt chuột, ốc bươu vàng.
Thanh Hóa: Hơn 30% diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm
Theo thống kê từ Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hơn 30% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa đang bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm. Chịu tác động nặng nề nhất là các xã vùng biển tại các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia, tỷ lệ nước bị ô nhiễm ở các địa phương này lên đến hơn 50%.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã tăng cường chỉ đạo các hộ nuôi trồng thủy sản thường xuyên kiểm tra nguồn nước, con giống, thực hiện tốt công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi, xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường bằng các chế phẩm sinh học. Khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản đầu tư mua sắm các dụng cụ, thiết bị đo đạc và quan trắc các yếu tố môi trường để khi vượt ngưỡng cho phép có biện pháp khắc phục kịp thời để quản lý tốt chất lượng nước trong ao nuôi.
Vĩnh Phúc: Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng gần 4%
Từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khá ổn định; diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh các loại cá giống mới ngày càng được mở rộng. Tính đến hết tháng 7/2018, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 5.700ha; sản lượng thủy sản đạt trên 11.700 tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Từ nay đến cuối năm, Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích bà con mở rộng diện tích nuôi cá giống mới theo hướng thâm canh, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng cũng như giá trị nuôi trồng thủy sản.
Hải Dương: Ốc bươu vàng hại lúa mùa gia tăng
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.300ha lúa mùa bị ốc bươu vàng gây hại với mật độ phổ biến từ 1-3 con/m2, nơi cao từ 5-10 con/m2, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của mưa úng, ốc, trứng ốc theo dòng nước phân tán vào ruộng, nhất là những diện tích lúa bị ngập úng tại các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà... Nông dân đã diệt và phòng trừ được hơn 2.100ha bằng các biện pháp thủ công và hóa học.
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian tới ốc bươu vàng tiếp tục gây hại trên diện tích lúa gieo thẳng và lúa cấy mạ sân. Nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, sử dụng các biện pháp thủ công diệt ốc để không ảnh hưởng tới quá trình đẻ nhánh của lúa; chỉ dùng thuốc hóa học khi mật độ ốc gây hại từ 3 con trưởng thành/m2 trở lên.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.