Đợt mưa, lũ vừa qua làm cho ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam bị thiệt hại nặng: Trồng trọt thiệt hại khoảng 277 tỷ đồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hơn 205 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, đợt mưa lũ từ ngày 9-15/10 là rất lớn. Lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh khoảng 500mm. Nước lũ trên sông Đáy lên cao, vượt báo động III là 83cm. Cùng với đó, nước trên sông Nhuệ và sông Châu lên cao, gây thiệt hại lớn về năng suất cho toàn bộ diện tích lúa mùa chưa thu hoạch, cây vụ đông, cây ăn quả và thủy sản của nông dân trong tỉnh Hà Nam. Ước tổng giá trị thiệt hại gần 500 tỷ đồng, chưa tính hệ thống đê điều, thủy lợi. Từ thực trạng đó ngành nông nghiệp Hà Nam đã chỉ đạo các biện pháp khắc phục, ổn định sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Nông dân đang làm vụ Đông sau mưa lũ
Không giống như cơn bão số 1 năm 2016, đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng bất khả kháng. Nước ở khu dân cư, khu vực nội đồng trên các sông đều dâng cao, không còn khả năng bơm tiêu chống úng. Các loại cây trồng trên đất lúa bị mất trắng. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở trong khu dân cư và khu sản xuất đa canh đều bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở những diện tích ao, hồ, đầm ven sông Châu và sông Đáy bị ngập hoàn toàn. Theo đánh giá của Phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT), đối với diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, ước thiệt hại khoảng 70% sản lượng, đối với diện tích tràn bờ, mức thiệt hại từ 30 - 50% sản lượng. Tính chung toàn tỉnh Hà Nam có hơn 4.785ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong số này có 3.259ha bị ngập, 1.525ha bị tràn bờ. Tổng sản lượng bị thiệt hại khoảng 8.218 tấn.
Tại huyện Bình Lục, không chỉ thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, huyện còn 3.68 ha lúa mùa đã chín chưa kịp thu hoạch, trong số này có 3.000ha lúa bị đổ, ngập bông, 687ha lúa bị ngập sâu, thiệt hại ít nhất 50% năng suất. Bình Lục còn có 1.200ha cây vụ đông trên đất màu và đất lúa bị thiệt hại hoàn toàn, tập trung ở các xã ven sông Châu: An Ninh, Đồng Du, Bình Nghĩa… Nhiều vườn cây ăn quả của người dân cũng bị ngập nước, thối rễ, rụng quả.
Có thể khẳng định trận mưa lũ vừa qua đã làm cho nông nghiệp Hà Nam nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung bị ảnh hưởng nặng nề. Nhất là trong lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại nhiều do đang ở thời điểm gối vụ. Theo báo cáo của phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, đến ngày 15/10/2017, toàn tỉnh Hà Nam có 24,3% diện tích lúa mùa, tương đương với 7.888,8ha chưa thu hoạch, tập trung phần lớn ở huyện Bình Lục và Thanh Liêm.
Toàn bộ diện tích hoa màu, cây trồng trên đất màu bị úng, đổ dập; cây vụ đông trên đất lúa bị mất trắng hoàn toàn. Thiệt hại về chi phí sản xuất (cày đất, phân bón, giống, lao động) khoảng 138 tỷ đồng. Sản lượng bị giảm 89.000 tấn vì hầu hết diện tích là các loại cây trồng vụ đông ưa ấm đã hết thời vụ.
Để khắc phục hậu quả sau mưa lũ và chuẩn bị các điều kiện tiếp tục cho nhân dân sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam căn cứ vào Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Đối với cây lúa, tính theo diện tích bị giảm năng suất ở 2 mức, 70% và từ 30 - 70%, với tổng kinh phí 16,26 tỷ đồng. Đối với cây rau màu, toàn tỉnh có 8.267 ha diện tích thiệt hại trên 70%, đề xuất mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; hỗ trợ 294,1 tấn lúa giống, 80 tấn ngô giống và 6 tấn hạt giống rau, hỗ trợ nông dân thiệt hại về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Trong khi, thời tiết vẫn còn bất ổn, không thuận cho sản xuất. Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam không giao thêm chỉ tiêu sản xuất các loại cây vụ đông ưa lạnh cho các địa phương. Đối với giống ngô và lúa, nếu được hỗ trợ, nông dân nên để lại sản xuất vào vụ xuân 2018. Vấn đề quan trọng nhất là các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng tiêu thoát nước và khung thời vụ của từng loại cây trồng để bố trí sản xuất cho phù hợp.
Theo đó, nông dân cần thực hiện đồng thời các giải pháp để nhanh chóng khôi phục sản xuất như: Khẩn trương sửa chữa, gia cố lại những vị trí bờ ao, đầm bị sạt lở, hư hỏng; xác định lại số lượng thủy sản còn lại để theo dõi mức tiêu thụ thức ăn; sử dụng vôi bột để diệt khuẩn, cải tạo môi trường, phòng bệnh cho thủy sản bằng các biện pháp tổng hợp; chăm sóc, quản lý tốt thủy sản nuôi. Riêng đối với cá lồng, bè cần sử dụng hóa chất treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá.
Trong điều kiện hiện nay, tập trung hỗ trợ nông dân ổn định đời sống, tiếp tục phát triển sản xuất, chăn nuôi là giải pháp quan trọng, góp phần bù lại những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hà Nam (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.