Mỗi vụ nhãn chín, nhiều người dân Hưng Yên, nhất là nông dân các vùng thôn quê lại tất bật xoáy nhãn thuê. Dù chỉ mang tính thời vụ nhưng đây là nghề “hái ra tiền” của nhiều người dân.
Hưng Yên: Hấp dẫn nghề "xoáy nhãn - làm chơi thu tiền thật"
Thời điểm này đến các làng quê ở huyện Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên, đi đâu cũng có thể cảm nhận thấy không khí “nhà nhà xoáy long, người người xoáy long”. Những năm gần đây, 1kg nhãn quả thợ xoáy thường được trả công 4.000 – 5.000 đồng, cá biệt có loại nhãn khó xoáy được chủ lò trả công 6.000 đồng/kg. Một ngày, người xoáy chậm cũng có thể làm hết khoảng 20kg nhãn tươi, nhiều thợ xoáy nhanh có thể làm hết 30 – 45kg nhãn quả. Kết thúc vụ long kéo dài từ 45 – 60 ngày, mỗi thợ được trả công ít nhất 4 triệu đồng, người làm năng suất có thể thu về từ 7 - 8 triệu đồng.
Em Bùi Hồng Sơn ở thôn Quang Trung, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) là “tay xoáy” có tiếng trong xã bởi mỗi ngày em có thể xoáy được từ 45 – 50kg nhãn tươi. Sơn cho biết, vụ long nhãn trùng với thời điểm nghỉ Hè nên em thường tranh thủ cùng các bạn trong xóm đi xoáy long để có thêm chút thu nhập, phụ giúp bố mẹ nộp tiền học và mua bộ quần áo đẹp đến trường cho năm học mới. Năm nay, với tiền công “xoáy” trung bình 5.000 đồng/kg nhãn tươi, mỗi ngày Sơn có thể kiếm được trên 200.000 đồng.
Đến vụ nhãn chín là bà Nguyễn Thị Song ở xã Đức Thắng (Tiên Lữ) lại tranh thủ thu xếp việc đồng áng để đi xoáy nhãn thuê. Trung bình mỗi ngày, bà Song xoáy được khoảng 25 – 30 kg nhãn quả tươi. Với tiền công xoáy 4.500 đồng/kg, mỗi ngày bà có thu nhập trên 100.000 đồng. Kết thúc vụ long nhãn, bà “kiếm” được khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Bà Song phấn khởi: “Có năm vụ nhãn kéo dài 2 tháng, nhờ tiền công xoáy nhãn mà tôi mua sắm được nhiều đồ dùng cho gia đình”.
Mặc dù chỉ mang tính thời vụ nhưng nghề xoáy nhãn thuê đang tạo công ăn việc làm và thu nhập khá cho người dân địa phương, nhất là bà con nông dân và học sinh. Không chỉ tạo thêm thu nhập, nghề xoáy long nhãn thuê còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống trăm năm của đất nhãn Hưng Yên.
Bác bỏ thông tin “nhãn thấp kỷ lục” 3000 đồng/kg
Vừa qua, trên một số tờ báo và các trang mạng xã hội xuất hiện thông tin như: "Nhãn lồng Hưng Yên giá thấp kỷ lục, chỉ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg"; "người trồng nhãn chán không muốn bẻ vì giá thuê người bẻ cao hơn giá bán nhãn"...
Trước vấn đề này, UBND tỉnh Hưng Yên bác bỏ thông tin nêu trên vì thiếu chính xác về tình hình sản xuất và tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên; gây dư luận không tốt, bất lợi cho nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết: Giá nhãn lồng Hưng Yên đầu vụ có giá bán cao nhất từ 50.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg (giống nhãn Hương Chi). Thời điểm hiện tại, một số siêu thị, trung tâm phân phối đã ký kết hợp đồng thu mua nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP với mức giá cao, ổn định đến hết mùa vụ năm 2018 với mức giá giao tại cửa vườn từ 27.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg đối với nhãn Hương Chi.... Cá biệt, có loại nhãn giá dưới 10.000 đồng/kg, nhưng đó là giống nhãn được trồng từ nhiều năm trước với mục đích trồng cây lấy bóng mát, sản lượng chưa đến 0,1% sản lượng niên vụ 2018.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có hàng trăm doanh nghiệp, thương nhân phân phối, kinh doanh rau quả về Hưng Yên ký kết hợp đồng trực tiếp thu mua nhãn Hưng Yên như: Hệ thống siêu thị BigC, Coopmart, Fivimart, Hapro, An Việt, EcoViet; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines... Riêng ngày 15-8-2018, huyện Khoái Châu đã xuất khẩu đơn hàng 10 tấn nhãn Miền Thiết sang thị trường Trung Quốc; 20 tấn nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và xuất 5 tấn nhãn thử nghiệm giới thiệu tại thị trường Nhật Bản.
Hải Dương: 20ha nhãn ở Chí Linh được chứng nhận VietGAP
Công ty TNHH Công nghệ NHO NHO (Cần Thơ) vừa cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 20ha nhãn của xã Hoàng Tiến và phường Hoàng Tân (Chí Linh).
Trước đó, đơn vị này đã giám sát, kiểm định quy trình chăm sóc nhãn của nông dân trong 6 tháng. Đây là năm đầu tiên nông dân Chí Linh sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ có diện tích nhãn đạt chuẩn VietGAP sẽ được cấp bao bì, tem mác để nhận diện sản phẩm, giúp tiêu thụ thuận lợi hơn.
Thị xã Chí Linh có 750 ha nhãn, tập trung tại các xã, phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Bắc An, Bến Tắm. UBND thị xã đang hoàn tất các thủ tục xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhãn Chí Linh. Dự kiến đến cuối năm nay, nhãn Chí Linh sẽ được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Thanh Hóa: Sản lượng nuôi trồng thủy sản huyện Nông Cống đạt 1.744 tấn
Huyện Nông Cống có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 918ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng nước lợ là 230ha, nước ngọt 688ha.
7 tháng đầu năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện Nông Cống đạt 1.744 tấn, năng suất bình quân khoảng 1,9 tấn/ha.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, huyện Nông Cống đang tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, như: Cơ sở sản xuất giống thủy sản; xây dựng hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi tôm sú, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, vùng nuôi cá bống bớp, cá rô phi xuất khẩu... Đồng thời, rà soát, đánh giá về điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các vùng tập trung, đề xuất các dự án cải tạo, nâng cấp nhằm phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vĩnh Phúc: Làm giàu từ mô hình nuôi hươu sao
Dám nghĩ, dám làm, đó là yếu tố quan trọng nhất để chàng thanh niên Nguyễn Văn Tân, 31 tuổi, thôn Đồi Thông, xã Hợp Châu (Tam Đảo) thành công với mô hình nuôi hươu sao bán con giống và bán nhung hươu, cho thu nhập mỗi năm gần 300 triệu đồng.
Mô hình nuôi hươu sao của anh Nguyễn Văn Tân, xã Hợp Châu (Tam Đảo) cho hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, anh nuôi gà, vịt, lợn và trồng các loại cây ăn quả nhưng thu nhập bấp bênh, nên anh luôn ấp ủ ý định tìm một mô hình chăn nuôi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau một thời gian đi tham quan, học hỏi và tìm hiểu các mô hình chăn nuôi mới, nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và cung cấp con giống tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phù hợp với điều kiện của địa phương, năm 2016, anh Tân đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi hươu sao.
Bước đầu, ngoài 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại, anh Tân đầu tư 250 triệu đồng mua 9 con hươu sao từ Hà Tĩnh, trong đó, có 5 con hươu nuôi sinh sản và 4 con hươu đực nuôi lấy nhung. Thông qua các phương tiện truyền thông và qua thực tế học hỏi từ các mô hình nuôi hươu đã thành công, anh Tân dần nắm được các kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho hươu sao. Anh không quản ngại vất vả, lặn lội vào tỉnh Ninh Thuận để mua giống cỏ sả (cỏ Ghine) về trồng để đảm bảo thức ăn cho hươu...
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc hươu sao, anh Tân cho biết: “Nuôi hươu sao không khó nhưng phải nắm được đặc tính của chúng để có phương pháp chăm sóc tốt. Đặc biệt,cần chú ý tới chế độ ăn, uống, thời gian nghỉ dưỡng và sự thay đổi thời tiết để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với phát triển của đàn hươu. Mỗi ngày, một con hươu ăn 7kg cỏ sả. Đối với những con chuẩn bị lên lộc nhung, cần cho ăn thêm tinh bột và các loại củ, quả như: Bắp, gạo nếp, mít, chuối, đu đủ…”.
Do được chăm sóc tốt và đúng phương pháp nên đàn hươu của anh Tân phát triển tốt, chuồng trại ngày càng được đầu tư, mở rộng. Hiện nay, anh đang nuôi hơn 30 con hươu cung cấp hươu giống và nhung hươu, đàn hươu của anh có giá trị khoảng hơn 800 triệu đồng.
Về lợi ích kinh tế, khi đủ 2 tuổi, hươu cái bắt đầu sinh sản, mỗi năm, hươu cái đẻ một lần, mỗi 1 cặp hươu giống có giá khoảng 15 triệu đồng. Đối với hươu đực, 2 tuổi bắt đầu cho nhung hươu và thời gian cho nhung khoảng 15 – 20 năm, giá bán nhung hươu từ 20 - 25 triệu đồng/kg.
Do đó, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, việc nuôi hươu sao bán giống và bán nhung mang lại cho gia đình anh Tân gần 300 triệu đồng. Anh Tân dự tính trong thời gian tới sẽ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và phát triển đàn hươu theo hướng tham quan du lịch, phù hợp với sự phát triển du lịch của huyện nhà.
Thái Bình: Trao giải thưởng 100.000 USD cho sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính
Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình tổ chức hội nghị tổng kết vụ Xuân và trao giải thưởng sơ kết giai đoạn I trong khuôn khổ Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults tại Việt Nam” (Dự án AVERP).
Tại Hội nghị, ba đơn vị có phương pháp canh tác lúa được kiểm chứng và đạt hiệu quả cao nhất về giảm phát thải khí nhà kính, đã được lựa chọn trao giải với tổng giá trị giải thưởng 100.000 USD; trong đó, Công ty cổ phần giống cây trồng Viện cây lương thực và thực phẩm đoạt Giải nhất với giải thưởng 50.000 USD.
Thái Bình là tỉnh duy nhất trong cả nước được lựa chọn tham gia dự án với hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn I - giai đoạn thử nghiệm công nghệ, Ban quản lý dự án đã lựa chọn được 6/11 đơn vị tham gia tranh giải đi tiếp vào giai đoạn 2. Giai đoạn 2 - giai đoạn nhân rộng của dự án gồm 4 vụ liên tiếp, bắt đầu từ vụ Xuân năm 2019, kết thúc vào vụ Mùa năm 2020.
Để giành được giải thưởng, các công nghệ cần chứng minh được hiệu quả về số lượng nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí nhà kính được cắt giảm và mức tăng năng suất.
Dự án AVERP xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án AVERP hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 75.000 nông hộ khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm 375.000 tấn CO2 tương đương, giảm khoảng 15% chi phí cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào; đề xuất các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực nghiệm và kiểm định quốc tế nhằm nhân rộng tại Việt Nam.
Cơ quan Quản lý dự án AVERP (SNV) và các Cơ quan Kiểm định (Công ty Applied Geo-Solutions AGS/Viện Môi trường Nông nghiệp - IAE) đã phối hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, thu thập dữ liệu về các chỉ tiêu nông học và đo đạc phát thải khí nhà kính.
Tất cả các dữ liệu được phân tích để tính năng suất và lượng phát thải khí nhà kính so với dữ liệu cơ sở của phương thức canh tác lúa truyền thống với các mô hình đối chứng tương ứng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định: Đây là vụ lúa thứ hai, các đơn vị tham gia dự thi trình diễn các công nghệ đã quen dần, hoàn chỉnh dần gói công nghệ của mình cũng như cách tổ chức thực hiện với công nghệ. Trong vụ lúa thứ hai này, các đơn vị dự thi đều rất hài lòng với điều kiện, cách tổ chức để thể hiện hết các công nghệ và đã thu được kết quả rất đáng khích lệ.
Cùng với những đánh giá, kiểm định độc lập của những tổ chức quốc tế đối với 11 đơn vị dự thi trình diễn 11 gói công nghệ, trong lần này ban quản lý dự án đã chọn được ba đơn vị có thành tích tốt nhất về năng suất cây trồng, hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính và chọn được 6 đơn vị để trình diễn trong các vụ lúa tiếp theo.
Đặc biệt, cuộc thi cũng cho thấy các gói công nghệ lần này dù không được lựa chọn nhưng có nhiều công nghệ rất tốt, nhiều ưu điểm tốt và sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, lồng ghép để nhân rộng trong quá trình sản xuất để lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng sản xuất, bởi không có công nghệ nào phù hợp với tất cả các vùng sản xuất.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.