Quyết định số 29/QĐ-XPVPHC ngày 26/10/2021 xử phạt Công ty TNHH Hồng Sâm Hansusam (địa chỉ trụ sở chính: Phòng 206, Tòa nhà Thăng Long Ford, Số 105 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) về hành vi buôn bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tinh dầu thông (Cheon Ji Su) (lô số:OB39601, NSX: không có, HSD: 2022.04.14) không có giá trị sử dụng, công dụng và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Korean red ginseng extract power trên website: http://geasungsangin.com mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo với số tiền 230 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 534,5 triệu đồng.
Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định số 30/QĐ-XPVPHC ngày 28/10/2021 xử phạt Công ty cổ phần Kiềm Saphia (địa chỉ: Số nhà 27 ngách 1 ngõ 104 đường Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) 45 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Saphia Alkalight, Saphia Alkalixk, Saphia Alkaliub, Saphia Alkali balance, Saphia Alkali dạ dày, Saphia Alkali D-revie X50, Saphia Alkali D-revie X300 trên website: https://kiemsaphia.com/ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Quyết định số 31/QĐ-XPVPHC ngày 29/10/2021 xử phạt Công ty TNHH Đông Y Xứ Mường (địa chỉ: Tầng 2, số 204/4 Hoà Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: Nữ Xuân XM, Bổ phế XM, Dạ dày XM, Xương khớp XM, Nhất Nam Dương trên website: https://dongyxumuong.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh
Cùng với hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc 04 Công ty nêu trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm về chất lượng.
Chế tài xử phạt rõ ràng
Liên quan tới hành vi vi phạm trên, theo căn cứ Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý hành chính, cụ thể:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”.
Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh
Căn cứ Khoản 4 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: “quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.”
Căn cứ Điều 23 Khoản 1 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo”
Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Thực phẩm chức năng giả đang tồn tại trên thị trường, không chỉ gây thiệt hại và ảnh hưởng uy tín của những doanh nghiệp uy tín mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Nhiều người chỉ vì tin tưởng vào thực phẩm chức năng có thể chữa được nhiều bệnh tật mà đổ hàng đống tiền vào để mua thực phẩm chức năng, mong sao chữa lành được căn bệnh mình đang mắc phải. Thực chất những loại thực phẩm chức năng đó lại không như quảng cáo, đã có nhiều nạn nhân từ những thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật này.
Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần phải biết lựa chọn và mua thực phẩm chức năng tại những địa chỉ đáng tin cậy, không mua thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng, hoặc qua lời kể của những người không có chuyên môn.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật nghiêm đối với những hành vi buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả, thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật.