Với sự chấp thuận của Tòa án Tối cao, đây được xem là một chiến thắng bước đầu quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Tòa án Tối cao Mỹ vừa chính thức “hợp thức hóa” lệnh cấm nhập cảnh từ 6 nước Hồi giáo vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump, ngay cả khi lệnh "cấm cửa" này vẫn còn đang bị thách thức pháp lý ở những tòa án cấp thấp hơn. Đây là lần đầu tiên các thẩm phán cho phép lệnh cấm gây tranh cãi của ông chủ Nhà Trắng được áp dụng một cách nguyên vẹn, mang về chiến thắng bước đầu cho nhà lãnh đạo này.
Các thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ hôm qua (4/12) bỏ phiếu với tỷ lệ 7/9 vị thẩm phán đồng ý cho phép chính chính phủ của Tổng thống Donald Trump có thể tạm thời thi hành một cách đầy đủ lệnh cấm công dân từ 6 nước Hồi giáo nhập cảnh trong lúc chờ xem xét. Theo tòa án này, hai quyết định cản trở lệnh cấm nhập cư do Tổng thống Trump ban hành của những tòa án cấp dưới là “sai trái”.
Với quyết định mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ, lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của 6 nước Hồi giáo bao gồm Cộng hòa Chad, Iran, Libya, Somalia, và Yemen coi như chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, ngay cả khi Tòa án Tối cao Mỹ ra quyết định rằng lệnh "cấm cửa" Hồi giáo của Tổng thống Trump là đúng luật thì lệnh này vẫn bị thách thức bởi những tòa án cấp thấp hơn. Cụ thể, Tòa Phúc thẩm Liên bang số 9 và Tòa Phúc thẩm Liên bang số 4 đã lên kế hoạch mở phiên tranh luận về lệnh cấm này trong tuần này.
Cả hai tòa án Phúc thẩm Liên bang đều cho hay họ đang gấp rút xem kỹ lưỡng vụ kiện một cách nghiêm túc. Tòa phúc thẩm tại San Francisco và Richmond dự kiến sẽ xét xử các vụ kiện lần lượt vào ngày 6 và 8/12.
Được đưa ra từ tháng 9, lệnh cấm nhập cảnh được sửa đổi lần thứ 3 này, trước đó đã lập tức vấp phải thách thức từ các tòa cấp dưới ở Richmond, bang Virginia và San Francisco, bang California. Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Donald Trump luôn khẳng định rằng, lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi các tay súng Hồi giáo cực đoan.
“Lệnh cấm này để bảo vệ an ninh quốc gia khỏi các tay súng nước ngoài đang xâm nhập vào nước Mỹ. Tất cả chúng ta đều biết đó là công cụ để ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ”, ông Trump nói.
Trước đó, khi ban hành lệnh cấm, Tổng thống Donald Trump cũng từng khẳng định việc làm cho nước Mỹ an toàn là ưu tiên hàng đầu của ông và rằng chính phủ Mỹ sẽ không cho phép người nào “đặt chân” vào Mỹ mà không thể rà soát hồ sơ của họ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng Tổng thống có quyền đặt ra các lệnh cấm nhập cảnh nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Session gọi phán quyết của Tòa án Tối cao là "thắng lợi đáng kể cho sự an toàn và an ninh của người dân Mỹ". Trong khi ông Noel Francisco, đại diện cho chính quyền của Tổng thống Trump cũng khẳng định, hiến pháp và các sắc lệnh của Quốc hội trao cho Tổng thống các quyền hạn để ngăn cản người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Nhà Trắng nhấn mạnh, lệnh cấm là “hợp pháp và cần thiết” để bảo vệ nước Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đưa ra sự biện hộ đầy đủ hơn cho lệnh cấm tại các vụ kiện đang diễn ra ở một số tòa án. Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley tuyên bố không lấy làm ngạc nhiên trước quyết định của Tòa án Tối cao cho phép thực thi ngay lập tức sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump.
Với sự chấp thuận của Tòa án Tối cao, đây được xem là một chiến thắng bước đầu quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, vốn đã dành cả năm để áp đặt lệnh cấm công dân một số quốc gia có đông người Hồi giáo.
Suốt một năm qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực để áp đặt lệnh cấm từng gây tranh cãi không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà trên toàn cầu này. Các bên phản đối cho rằng lệnh cấm này đã vi phạm luật nhập cư liên bang, vi phạm Hiến pháp Mỹ và phân biệt đối xử với người Hồi giáo, tuy nhiên việc để lệnh cấm này đi vào hiệu lực lại có ý nghĩa lớn với Tổng thống Donald Trump, bởi đó cũng là việc ông cần phải làm để thực hiện đúng lời hứa của mình đã cam kết trước đó với các cử tri trong suốt quá trình tranh cử./.
Phương Anh/VOV
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…