Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu từ hôm nay (20/5), với 5 điểm dừng chân ở Trung Đông và châu Âu, vốn được coi là bài kiểm tra đối ngoại vô cùng quan trọng đối với ông. Nhưng sau khi ông Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, gây ra hàng loạt phản ứng dây chuyền rắc rối sau đó, hành trang của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm cả núi vấn đề nội bộ gai góc.
“Chưa bao giờ một vị Tổng thống nào có chuyến công du nước ngoài đầu tiên bị bê bối đeo bám như thế này”, ông Larry Sabato, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chính trị của Đại học Virginia nhận định. “Ông ấy vốn đã là một vị Tổng thống bị nhiều nước nhìn nhận với ánh mắt hồ nghi. Trong khi những bức tranh vẽ ra từ chuyến đi này có thể rất đẹp, Nhà Trắng chẳng thể nào thay đổi những tít báo cứ đeo đuổi ông ấy đến bất cứ đâu”.
Mỗi bước đi của ông Trump lần này đều sẽ như “dẫm chân lên đá nóng”.
Chuyến đi báo trước nhiều giông tố
Ở Saudi Arabia, Tổng thống Donald Trump - một người để lại dấu ấn tranh cử bằng những phát ngôn hùng hồn phản đối đạo Hồi và chính quyền của ông hiện nay vẫn nỗ lực cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ - sẽ có bài phát biểu cho cả thế giới Hồi giáo thấy sự đối lập rõ ràng với tầm nhìn mà người tiền nhiệm Barack Obama đã đưa ra trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực này.
Còn ở Israel, Tổng thống Trump sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu để tìm cách xoa dịu những căng thẳng mới nhất giữa 2 bên. Israel vẫn đang nổi giận sau khi quan chức Mỹ xác nhận hồi đầu tuần này ông Trump đã chia sẻ tin tình báo tuyệt mật về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với các nhà ngoại giao Nga ngay tại Nhà Trắng. Thông tin này là do Israel cung cấp cho Mỹ, do đó có những lo ngại rằng nguồn tin đáng giá của Israel có thể gặp nguy hiểm.
Chưa hết, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R.McMaster “đổ thêm dầu vào lửa” khi từ chối tuyên bố Bức tường phía Tây (Western Wall) là một phần của Israel. Chính sách lâu nay của Mỹ duy trì quan điểm rằng chủ sở hữu thánh địa này cũng như phần còn lại của Jerusalem là một chủ đề đàm phán giữa Israel với Palestine.
Đến Rome, Tổng thống Mỹ sẽ giáp mặt với Giáo hoàng Francis, một người rất được yêu mến vì có tư tưởng tự do và cởi mở, nhưng đã không thoát khỏi những lời chỉ trích trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ khi đó đã gọi người đàn ông quyền lực nhất của Giáo hội Công giáo là “nỗi hổ thẹn” vì “dám” nghi ngờ đức tin của ông.
Ông Trump cũng chẳng “dễ thở” hơn khi tới Brussels (Bỉ) tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông từng liên tục chỉ trích liên minh quân sự này vì các nước thành viên không chịu đóng góp tài chính công bằng so với Mỹ.
Tổng thống Trump gần đây đã “dịu giọng” hơn với liên minh quân sự này. Và trong các chuyến thăm hồi tháng 2 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều nỗ lực trấn an các đồng minh NATO nhưng vẫn duy trì những phát ngôn lấp lửng. Do đó, các thành viên NATO đặc biệt mong mỏi phát ngôn từ chính Tổng thống Trump tại hội nghị lần này.
Cuối cùng, khi dừng chân ở Sicily (Italy), ông Trump lại gặp khó vì kinh tế và thương mại. Tổng thống Mỹ sẽ gặp các lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vốn đang lo lắng vì sự khó đoán cũng như quan điểm dân tộc chủ nghĩa và chính sách bảo hộ của ông Trump.
Nhà Trắng vẫn lạc quan
Có lẽ vì đối mặt với chương trình nghị sự hứa hẹn nhiều gai góc như thế mà chuyến đi này của ông Trump được thêm vào nhiều hoạt động mang nặng tính biểu tượng tôn giáo. Cố vấn cấp cao đồng thời là con rể của Tổng thống Trump, ông Jared Kushner, đang dẫn đầu một nhóm các quan chức cánh Tây Nhà Trắng soạn thảo chương trình nghị sự cho chuyến công du này.
Ông sẽ thăm nơi khai sinh ra đạo Hồi, quê hương của Do thái giáo và Tòa thánh Vatican. Quan chức Mỹ khẳng định thông điệp xuyên suốt chuyến đi là “sự đoàn kết”.
“Ông ấy tin tưởng mãnh liệt rằng sức mạnh niềm tin của con người vào tôn giáo sẽ đứng lên và cuối cùng sẽ chiến thắng các thế lực khủng bố”, Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định.
Quan chức chính quyền Mỹ tin rằng động thái bất ngờ thăm Saudi Arabia đầu tiên sẽ nêu bật được cam kết nghiêm túc của nước Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố. Ông Trump muốn khẳng định đây không phải là cuộc chiến giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo mà đơn thuần là giữa cái tốt và cái xấu.
Dẫu có vài khúc mắc với ông Trump, giới chức lãnh đạo Trung Đông được cho là vẫn chào đón ông nồng ấm hơn châu Âu. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã công khai chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Trump, trong đó có tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người lên án ý định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, một vấn đề dự kiến được thảo luận tại Sicily. Các cuộc biểu tình khắp châu Âu, từng xảy ra ngày ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, có thể sẽ lặp lại khi ông chủ Nhà Trắng dừng chân ở Rome, Brussels và Sicily.
Mặc dù vậy, Nhà Trắng vẫn tin vào cơ hội “làm mới” hình ảnh sau 4 tháng đầu nhiệm kỳ đầy trắc trở của ông Trump. Các cố vấn của Tổng thống Trump coi đây là cơ hội cho nước Mỹ xác nhận lại địa vị của mình trên trường quốc tế và thiết lập lại vai trò lãnh đạo bị cho là đã lung lay dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Ông Trump có nắm được cơ hội “làm mới” hình ảnh của mình?
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi một tổng thống Mỹ phải chuẩn bị lâu đến thế mới thu xếp được chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Thế nhưng bình luận trên CNN ngày 18/5, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, bà Madeleine Albright bày tỏ quan ngại rằng Tổng thống Trump vẫn thiếu sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề thế giới để nắm bắt lấy những cơ hội trong chuyến đi này.
“Điều khiến tôi trăn trở là thực tế Tổng thống không chuẩn bị đủ kỹ để đối mặt với vô số vấn đề rất phức tạp, và rằng đội ngũ làm việc ở Bộ Ngoại giao không thực sự hoàn thiện, cùng với đó là tất cả những nghi vấn về lùm xùm hiện nay ở Nhà Trắng”.
Ông Ari Fleischer, cựu Thư ký báo chí của Tổng thống George W. Bush cũng nhận định: “Đây là là một cơ hội lớn cho Tổng thống Trump thay đổi chủ đề, tạo ra tin tức thực sự. Nhưng mặt trái là nó [chuyến công du – ND] có thể bị bao phủ bởi những câu hỏi hướng vào các vấn đề nội bộ”./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…