Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 10 năm 2021 | 22:18

TP. Phủ Lý ghi nhận hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết

Từ ngày 21/7 đến ngày 27/10, TP. Phủ Lý (Hà Nam) ghi nhận tổng số 325 ca mắc sốt xuất huyết ở 13 phường, xã.

Kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 21/7 tại tổ 1 phường Hai Bà Trưng, số ca sốt xuất huyết đã lên đến 325 ca tại 13 phường, xã gồm: Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lê Hồng Phong, Lương Khánh Thiện, Liêm Chính, Liêm Tiết, Liêm Chung, Trần Hưng Đạo, Đinh Xá, Phù Vân, Kim Bình, Lam Hạ, Quang Trung.
 
Ngay khi xuất hiện ca đầu tiên, các cơ quan chức năng của thành phố Phủ Lý đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện vệ sinh nơi ở, diệt muỗi, bọ gậy, nằm màn,… Cùng với đó là phun thuốc diệt muỗi các khu vực có bệnh nhân sốt xuất huyết. Các phường, xã đều ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp các vật dụng chứa nước để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi,…
Không có bọ gậy, lăng quăng, muỗi, sẽ không có sốt xuất huyết.
 
 
 
Tuy nhiên, có thể do thời tiết nóng ẩm mưa nhiều nên việc diệt muỗi khó khăn hơn rất nhiều, trong khi đó mật độ dân cư ở nội thành lại khá đông đúc, dẫn đến việc sốt xuất huyết lây lan và kéo dài.
 
Ở thời điểm ngày 26/10, sau hơn 3 tháng xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên, thành phố Phủ Lý vẫn ghi nhận thêm ca bệnh mới, vẫn còn bệnh nhân đang điều trị tại nhà hoặc trong bệnh viện. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam hiện vẫn duy trì khoảng 30-40 ca sốt xuất huyết điều trị nội trú tại viện. Mỗi ngày vẫn còn từ 5-6 bệnh nhân sốt xuất huyết mới nhập viện.
 
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do muỗi Aedes gây ra. Để phòng chống sốt xuất huyết biện pháp mấu chốt nhất là diệt muỗi, không để muỗi đốt. Vì thế, để phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, lật úp hoặc đậy kín tất cả những vật dụng có chứa nước để muỗi không có chỗ sinh sản, phun thuốc diệt muỗi.
 
Thời gian qua, qua giám sát tại hộ dân ở những khu vực có ca sốt xuất huyết, cán bộ y tế phát hiện muỗi truyền bệnh trú nhiều trong những chỗ ẩm thấp và có nước như chậu cảnh, bình cây cảnh mini, lọ hoa, thùng xốp,… Muỗi Aedes không chỉ đốt ban đêm mà còn đốt ban ngày. Chính vì thế, kể cả khi còn thức và hoạt động, hoặc ngồi xem tivi, nấu ăn…, người dân nên chú ý chánh không để muỗi đốt.
 
Hiện tại không có bất kỳ một biện pháp nào giúp loại bỏ muỗi ra khỏi môi trường sống một cách triệt để. Vì vậy, người dân cần duy trì thói quen nằm ngủ trong màn, sử dụng các biện pháp xua muỗi, diệt muỗi việc đó vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác.
 

Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

  • Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
  • Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
  • Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch  được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau. 

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết:

  • Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
  • Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
  • Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
  • Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

Biểu hiện của bệnh:

Thể bệnh nhẹ: 

  • Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
  • Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
  • Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh nặng:

Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
  • Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết:

  • Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top