Cuộc tranh luận mặt đối mặt thứ hai này được cho là "trận chiến cuối cùng" của ông Trump khi ông đang trong tình cảnh khó khăn vì mất hình ảnh trong mắt cử tri sau những phát ngôn khiếm nhã. Cuộc tranh luận diễn ra cực kỳ hấp dẫn.
- Cuộc tranh luận được đánh giá là cực kỳ hấp dẫn với những cao trào, những lần đối đáp nảy lửa.
- Chủ đề nóng đầu tiên là chuyện phát ngôn của ông Trump và tiếp đó là những chủ đề khá quen thuộc như thuế, người Hồi giáo, công việc làm.
- Bà Hillary khen ông Trump là "người đàn ông của gia đình".
- Ông Trump phục bà Clinton là "một nữ chiến binh", "một người không bao giờ bỏ cuộc".
Theo thông báo từ trước của Ủy ban tranh luận tổng thống, cuộc tranh luận thứ hai giữa ông Trump và bà Clinton sẽ diễn ra trong vòng 90 phút dưới hình thức “town meeting”, một hình thức gặp gỡ và nói chuyện trước công chúng khá phổ biến tại Mỹ, trong đó các thành phần dân sự được mời đặt câu hỏi và đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo về những vấn đề mà họ quan tâm.
Đây cũng là hình thức nói chuyện mà Tổng thống Barack Obama đã sử dụng khi tiếp xúc với giới trẻ TP.HCM tại GEM Center hồi tháng 5.
Cuộc tranh luận sẽ kéo dài trong 90 phút và bắt đầu lúc 21g tối 9-10 ở Mỹ, tức 8g sáng 10-10 (giờ VN) - tức khung giờ vàng phát sóng của truyền hình Mỹ - tại ĐH Washington ở thành phố St Louis (bang Missouri).
Hai ứng viên bắt đầu cuộc tranh luận tối 9-10 tại ĐH Washington ở TP St Louis - Ảnh: Reuters |
Các câu hỏi trong đợt tranh luận này sẽ được lấy từ các chủ đề nổi cộm được cử tri Mỹ quan tâm nhiều nhất trên mạng xã hội, do hai điều phối viên là Anderson Cooper của đài CNN và Martha Raddatz của đài ABC lựa chọn để đặt ra cho hai ứng viên.
Ngoài ra, phân nửa số câu hỏi trong buổi tranh luận sẽ được đặt trực tiếp cho ông Trump và bà Clinton bởi những người dự khán, là những cử tri vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng viên nào.
Chính vì định dạng đặc biệt không giới hạn chủ đề này mà các câu hỏi của buổi tranh luận tổng thống thứ hai cũng khó đoán nhất trong ba phiên tranh luận, nhưng cũng thường được xem là sự thử thách thật sự đối với hiểu biết và cách xử lí của các ứng viên tổng thống về các vấn đề của đất nước. |
Mỗi ứng viên sẽ có 2 phút để trả lời câu hỏi dành cho mình, sau đó điều phối viên sẽ có thêm 1 phút để dẫn dắt cuộc tranh luận từ câu trả lời của họ.
Cuộc tranh luận gắn mác "dành cho người trưởng thành"
Đúng như dự đoán, cuộc tranh luận mở đầu với chủ đề nóng nhất về những phát ngôn khiếm nhã của ông Trump. "Đây có phải là một tấm gương tốt cho giới trẻ Mỹ?" - cô Patrice, cử tri đầu tiên đặt câu hỏi về việc cuộc tranh luận đầu tiên được gắn nhãn “matured audience” (dành cho khác giả trưởng thành) trên truyền hình vì những lời lẽ không thích hợp với trẻ em.
Nhà báo Anderson Cooper chất vấn ông Trump về đoạn băn ghi âm vừa được công bố hôm 7-10. Ông Trump lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn của mình, nhưng lý giải rằng đó là "cuộc trò chuyện trong phòng thay đồ", nên không có nghĩa là đó là những chuyện mà ông đã làm.
"Tôi rất tôn trọng phụ nữ", ông Trump nhắc đi nhắc lại.
Chủ đề này được bà Clinton bám vào quyết liệt. Bà tấn công: "Ông Trump nói đoạn băng đó không đại diện cho con người ông ta, nhưng tôi thì cho là nó đại diện cho con người ông ấy. Nhưng không chỉ có đoạn băng đó và những phát ngôn về phụ nữ của ông mới là minh chứng cho con người thật của ông. Ông ta còn có những phát ngôn thiếu tôn trọng về người nhập cư, khuyết tật,…".
Ông Trump lúng túng biện hộ: “Lời nói chỉ là lời nói mà thôi”.
Cả hai ứng viên đều có vẻ rất nghiêm túc, không nở nụ cười như trong lần tranh luận đầu tiên tối 26-9. Ông Trump mở đầu bình tĩnh, nói chậm rãi từ tốn và nhắc lại thông điệp chủ đạo "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" của mình.
Sau khi bị tấn công dồn dập, ông Trump lái sang câu chuyện Bill Clinton mới là vị tổng thống từng đối xử tồi tệ với phụ nữ, như cách ban tổ chức tranh cử của ông làm trước đó vài giờ: tổ chức cuộc gặp với những phụ nữ từng cho là nạn nhân của ông Bill Clinton.
“Tôi nghĩ bà Clinton mà nhắc đến vấn đề đối xử với phụ nữ thì bà ta mới là người phải xấu hổ”, ông Trump phản pháo.
Khán giả dự khán trong khán phòng của ĐH Washington ở TP St Louis hò reo cổ vũ ông Trump nhiều lần cho những phát biểu của ông.
"Ông nợ đất nước này một lời xin lỗi"
Bà Clinton không để đối thủ hướng câu chuyện sang chồng mình. Bà nhấn mạnh: “Ông ta (Trump) chưa từng mở lời xin lỗi với bất cứ ai ông ta đã từng xúc phạm… Ông ta nợ đất nước này một lời xin lỗi”.
Ông Trump vẫn rất bình tĩnh, phản pháo một cách chậm rãi về việc chính bà Clinton mới phản xin lỗi về những e-mail của bà ấy. Ông hứa hẹn nếu đắc cử sẽ chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra bà Clinton về vụ này.
Có vẻ chủ đề cũ từng được đề cập trong cuộc tranh luận lần trước ở New York nay trở lại với cuộc đối mặt lần thứ hai.
Bà Clinton lại bị điều phối viên của đài ABC hỏi về vấn đề xử dụng email cá nhân khi bà còn làm Ngoại trưởng.
Sau nửa giờ tranh luận, ông Trump bắt đầu chen ngang lời bà Clinton liên tục. Ông có vẻ thoải mái, di chuyển bao quát khán phòng và dùng nhiều ngôn ngữ cơ thể, trong khi bà Clinton không di chuyển nhiều.
Ông Trump thể hiện mạnh về cử chỉ cơ thể vốn là vũ khí của ngôi sao truyền hình - Ảnh: Reuters |
"Bà sẽ phải ngồi tù", ông Trump phát biểu cướp lời của bà Hillary nhân nói về bê bối email và được khán phòng vỗ tay.
Bà Clinton: "Rõ ràng là (chúng ta) rất may vì một người với tính khí như Trump không nắm quyền về luật pháp ở đất nước này" Trump (chen vào): "Vì nếu thế thì bà đã phải vào tù rồi!" |
Ông Trump liên tục chỉ tay về bà Hillary như thể bà là cội nguồn của những chuyện không hay vừa qua.
Không khí cuộc tranh luận lần này thực sự căng thẳng như đã được dự báo trước khi nó diễn ra. Cả hai ứng viên như hai đấu sĩ quyền Anh hạng nặng tìm cách dồn ép đối thủ vào góc đài.
Cựu tổng thống Bill Clinton và bà Melania Trump bắt tay chào hỏi nhau trước giờ tranh luận của bà Hillary và ông Trump - Ảnh: Reuters |
Chủ đề nhạy cảm Hồi giáo
Chủ đề đã bắt đầu đi vào những chuyện nghiêm túc của nước Mỹ. Câu hỏi được đặt ra từ cử tri Hồi giáo ngồi trong khán phòng: "Có 3,3 triệu người Hồi giáo ở Mỹ. Nhưng với chứng sợ đạo Hồi ngày càng có chiều hướng gia tăng, làm sao để người Hồi giáo có thể hòa nhập với xã hội nếu họ bị gắn nhãn “mối nguy hiểm”?"
Ông Trump cho rằng chuyện cần làm là phải phân biệt người Hồi giáo với các phần tử Hồi giáo cực đoan. Ông tìm cách xoay sang tấn công chính sách bên Dân chủ của tổng thống đương nhiệm: "Nếu ông Obama không dám gọi tên các phần tử cực đoan thì làm sao ông ta giải quyết vấn đề này được?". Đây cũng là một cách gián tiếp tấn công vào bà Hillary Clinton, người luôn được cho rằng sẽ tiếp bước nhiều chính sách đối ngoại của ông Barack Obama.
Bà Clinton đáp trả ngay, cho rằng chìa khóa là phải hợp tác với các quốc gia Hồi giáo, trong khi "ông Trump lại đang chọc giận những nước này với những phát ngôn của mình".
Trong phần tranh luận về chủ đề Hồi giáo này, ông Trump có vẻ được chuẩn bị kỹ càng hơn, lập luận có lý lẽ và ít mất bình tĩnh hơn phần tranh luận trước. Ông thậm chí còn lịch sự xin điều phối viên cho ông đáp trả phần trả lời của bà Clinton.
Điều phối viên nhà báo của đài ABC đặt câu hỏi về các bài phát biểu của bà Clinton vừa bị Wikileaks công bố, trong đó bà nói ý là “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. "Liệu một chính trị gia có thể “hai mặt” được không?", nhà báo Martha Raddatz chất vấn.
Bà Clinton khéo léo dẫn chứng về Tổng thống Lincohn, nói rằng đôi khi cũng phải "biết linh hoạt khi tiếp xúc với mỗi nhóm người khác nhau". Đó là tính cách cần thiết của một tổng thống, ứng cử viên của đảng Dân chủ nhấn mạnh.
Chủ đề khó cho ông Trump: thuế
Cử tri Spencer Maass đặt câu hỏi về vấn đề thuế.
Ông Trump nhấn mạnh chuyện ông sẽ giảm thuế cho dân Mỹ, trong khi bà Clinton muốn tăng thuế cho tất cả mọi người,
Ông Trum bị điều phối viên Anderson Cooper, nhà báo của đài CNN, chất vấn về vấn đề trốn thuế. (Đây là chủ đề vừa được nhật báo New York Times tung ra cách đây không lâu khi tìm thấy văn bản cho thấy tỉ phú Trump từng khai báo thua lỗ gần 1 tỉ USD để sau đó được miễn giảm thuế suốt 18 năm dài).
“Tôi hiểu về hệ thống thuế kỹ hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào”, ông Trump tuyên bố. Ông trả lời thêm rằng ông chỉ làm giống như những người tài trợ cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton mà thôi.
Đây là một cách phản đòn rất hay, vừa giải thích ông chỉ là "theo luật pháp Mỹ" như ông từng trả lời nhiều lần trước đây, vừa hàm ý giải thích rằng những người giàu có ở Mỹ đều đã và đang làm như ông, gồm cả những triệu phú, tỉ phú đang tài trợ tiền cho bà Clinton.
Bà Clinton liên tục tìm cách chọc giận ông Trump khi gọi ông bằng "Donald" kiểu gọi mà ông rất ghét. Cách gọi tên kiểu này cho thấy đến giờ hai người khinh ghét nhau đến mức nào.
“Donald chỉ luôn lo cho Donald và những người như ông ta”, bà Hillary tấn công. Bà tố cáo đối thủ chỉ muốn tặng “món quà to” cho người giàu với những chính sách giảm thuế.
Bà cũng hứa nếu vào Nhà Trắng, bà sẽ không tăng thuế với những người Mỹ kiếm dưới 250.000 USD mỗi năm. “Chúng ta phải đi lấy tiền ở những nơi cần lấy”, bà Hillary nói thẳng.
Những vấn đề đối ngoại
Điều phối viên - nhà báo đài ABC Martha Raddatz nhắc về đoạn clip đứa trẻ Syria ngồi trong xe cứu thương sau khi được cứu khỏi đống đổ nát ở Aleppo. "Nếu hai vị đắc cử thì sẽ làm gì về Syria và các vấn đề nhân đạo ở đây?", nhà báo Martha Raddatz chất vấn.
Ông Trump cho biết ông không đồng ý với phát biểu của ứng viên Phó Tổng thống Mike Pence, phó tướng của ông, về chuyện có thể sử dụng vũ lực để can thiệp vào những hành động của Nga ở Syria.
“Tôi sẽ không sử dụng lính bộ binh Mỹ để tham chiến ở Syria. Tôi không nghĩ đó là một chiến thuật thông minh” - bà Clinton nói về giải pháp của mình.
Thậm chí bà cho biết sẽ trang bị vũ khí cho các chiến binh người Kurd, lực lượng nổi dậy chống chính quyền ở Syria và đang được Mỹ chống lưng.
“Ông bà có nghĩ mình có thể là một vị tổng thống hết lòng vì tất cả người dân của mình”, một cử tri da màu tại khán phòng hỏi.
Ông Trump tranh thủ cướp lời và tấn công ngay đối thủ: “Bà Clinton mà đắc cử thì bà ta sẽ chẳng làm gì cả. Bà ấy chỉ biết nói mà không biết làm”.
Bà Clinton đáp trả trực diện vào đối thủ bên đảng Cộng hòa: "Nếu các bạn đọc được những bức thư mà tôi nhận được từ những người lo lắng rằng nếu ông Trump đắc cử thì bạn sẽ hiểu. Có một đứa trẻ gốc Ethiopia lo sợ rằng nó sẽ bị trục xuất về Ethiopia nếu ông ta làm tổng thống".
“Ngay cả khi các bạn không bầu cho tôi, tôi vẫn muốn là vị tổng thống tốt nhất của các bạn” |
Bà Hillary Clinton |
“Chúng ta là một quốc gia đầy chia rẽ” - ông Trump nhấn mạnh. “Các bạn cứ tin lời tôi đi, bà ta là một người phụ nữ đầy sự thù hận”.
Khi bà Clinton được hỏi liệu ông Trump có tố chất kỷ luật để làm tổng thống không, bà trả lời ngắn gọn “Không”.
“Bất ngờ thật khi nghe thấy điều đó” - ông Trump đáp trả hài hước và đám đông phá lên cười.
Trả lời cho câu hỏi từ cử tri Beth Miller: "Phẩm chất lựa chọn thẩm phán tối cao của hai vị là gì?".
Bà Clinton tỏ ra am hiểu hơn: "Tôi muốn có một Tòa án tối cao có sự thấu hiểu và đồng cảm với người dân, và không phải lúc nào cũng đứng về phía các tập đoàn lớn".
Trong khi đó ông Trump lại sử dụng kiểu mơ hồ: "Tôi đã chọn được 20 người có khả năng đảm nhiệm chức vụ này. Tôi nghĩ phẩm chất quan trọng nhất là họ phải tôn trọng Hiến pháp Mỹ".
Cử tri Kenneth Bone đặt câu hỏi về vấn đề năng lượng: "Làm sao để hài hòa về việc đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng nhưng vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho những công nhân làm việc trong các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch?".
Bà Clinton trả lời, chứng tỏ mình am hiểu vấn đề của đất nước: "Lúc này là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta đã tự chủ về năng lượng, không còn lệ thuộc vào Trung Đông, mặc dù họ vẫn kiểm soát về mặt giá cả. Tôi có một kế hoạch năng lượng toàn diện để chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể tạo việc làm cho hàng triệu người".
Bà Hillary Clinton (phải) và ông Donald Trump bật cười trước câu hỏi của cử tri về điểm "yêu thích ở đối thủ" - Ảnh: Reuters |
Câu hỏi khiến cả hai bật cười
Đi vào cuối cuộc tranh luận, cử tri Karl Becker đặt câu hỏi khiến cả khán phòng bật cười: "Các vị có thể nêu 1 điểm mà mình tôn trọng ở đối thủ?".
Bà Clinton trả lời thông minh, gắn với những giá trị của gia đình: "Tôi tôn trọng những người con của ông Trump, họ rất tài giỏi và hết lòng. Điều đó nói lên nhiều điều về ông Trump, và đối với một người làm mẹ và bà (ngoại) như tôi, đó là một phẩm chất quan trọng".
Sau câu trả lời của đối thủ, ông Trump tiếp lời: "Tôi rất tự hào về các con của tôi. Chúng là những đứa trẻ tuyệt vời. Tôi tôn trọng bà Clinton ở chỗ bà không bao giờ bỏ cuộc. Bà ấy là một chiến binh. Tôi cho rằng đó là một phẩm chất rất tốt".
Cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cuối cùng giữa hai ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa sẽ diễn ra vào ngày 19-10 tới ở bang Nevada, tức chưa đầy 3 tuần trước ngày bầu cử chính thức 8-11. |
Cuộc tranh luận lần này dự kiến sẽ có số người theo dõi cao hơn bởi ngay trước cuộc đụng độ, báo Washington Post đã khiến ứng viên Donald Trump bẽ mặt khi tung ra đoạn video và ghi âm những phát ngôn bậy bạ của ông Trump về chuyện chinh phục phụ nữ và chuyện phụ nữ sẵn sàng "để mặc cho làm gì thì làm" nếu "kẻ chinh phục" là ngôi sao.
Vụ việc đã khiến ông Trump choáng váng và đảng Cộng hòa nổi điên vì sợ thất bại trong cuộc đua. Đã có không ít lãnh đạo đảng Cộng hòa đòi thay ngay ứng viên Trump hoặc ép ông ấy tự dừng cuộc đua để thay người. Điều khiến đảng Cộng hòa lo sợ không chỉ là chuyện ông Trump thất bại trước bà Clinton mà còn là những thất bại dây chuyền ở các cấp bầu cử thấp hơn.
Đòn hiểm trước giờ tranh luận
Cuộc tranh luận được cho là nóng bỏng vì dự đoán ông Trump sẽ tung hết đòn trong buổi này và chưa kể chủ đề cũng nóng bỏng vì sẽ liên quan nhiều đến những phát ngôn khiếm nhã vừa được công bố.
Vì lẽ đó, đài NBC, một trong những đài truyền hình lớn của Mỹ đã phải đặt câu hỏi dạng cảnh báo trên tài khoản Twitter cho những khán giả của mình: "Nếu quí vị có con cái, liệu quí vị có để cho con mình xem chương trình truyền trực tiếp với các chủ đề có thể được đề cập hoặc ngôn từ sẽ nói trong buổi tối nay?". Đa số đã trả lời là KHÔNG.
Ông Donald Trump (phải) cùng bà Juanita Broaddrick, người tố cáo ông Bill Clinton, trong cuộc họp báo chiều 9-10 - Ảnh: Reuters |
Ngay trước giờ tranh luận, ông Trump đã xuất hiện cùng bà Juanita Broaddrick trong một cuộc họp báo tổ chức tại khách sạn ở St Louis. Bà Juanita Broaddrick là người tố cáo đã bị ông Bill Clinton hiếp dâm vào năm 1978.
Đây là một chiêu rõ ràng nhằm bôi nhọ ứng viên Hillary Clinton thông qua chuyện quá khứ của cựu Tổng thống Bill Clinton và cũng là một màn lái dư luận giảm bớt sự chú ý đến những phát ngôn bậy bạ của ông Trump,
Ban tổ chức chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho biết "không hề bất ngờ" trước "cuộc đua mang tính phá hoại để dìm nhau xuống đáy" của đối thủ Trump, và gọi cuộc gặp giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa với những người buộc tội Bill Clinton là "một màn kịch".
Ông Trump và bà Clinton bắt tay sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tối 26-9 - Ảnh: Reuters |
Theo đài CNN, cuộc tranh luận đầu tiên tối 26-9 ở khán phòng của Đại học Hofstra thuộc ngoại ô thành phố New York đã phá kỷ lục số người xem cao nhất trong các phiên tranh luận tổng thống Mỹ kể từ lần đầu tiên sự kiện này được phát sóng trực tiếp trên truyền hình 60 năm về trước.
Theo số liệu của Nielsen, công ty chuyên cung cấp dịch vụ đếm tỉ suất người xem, cuộc đối đầu đầu tiên giữa ông Trump và bà Clinton đã thu hút tổng cộng 84 triệu người xem trên 13 kênh truyền hình có phát sóng trực tiếp sự kiện này, phá vỡ kỉ lục cũ 80,6 triệu lượt xem được thiết lập năm 1980 giữa Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter và đối thủ đảng Cộng hòa Ronald Reagan.
Dù vậy, con số này vẫn còn khiêm tốn so với dự đoán sẽ cán mốc 100 triệu lượt xem mà đài này đưa ra trước khi cuộc tranh luận diễn ra.
Tuy nhiên, số liệu của Nielsen chưa tính đến lượng người xem theo nhóm tại những nơi công cộng hoặc theo dõi trực tiếp qua các kênh live stream trên Internet. Nếu tính cả lượng khán giả này, con số thực tế sẽ cao hơn rất nhiều, đài này nhận định.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.