Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 12 năm 2017 | 9:18

Triển vọng nào cho tiến trình hòa giải dân tộc ở Syria?

Chỉ cách đây ít ngày, dư luận khu vực có lý do để lạc quan về khả năng sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh trong cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại nước này và vấn đề hòa giải dân tộc còn lại sẽ được giải quyết ở các vòng đàm phán tại Geneva. Tuy nhiên, ngày 14/12, những kỳ vọng đó đã bị phủ bóng đen khi các nhà bảo trợ của Liên Hợp Quốc và các phái đoàn đàm phán về Syria tại Geneva đã không ghi nhận được một kết quả nào sau hai tuần làm việc khó khăn.

trien vong nao cho tien trinh hoa giai dan toc o syria hinh 1
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, Mistura. Ảnh: Yahoo.

Trái với những kỳ vọng gần đây của giới quan sát về tiến trình hòa giải dân tộc ở Syria, hai tuần hòa đàm tại Geneva, Thụy Sỹ vừa kết thúc mà không đạt được một tiến triển nào. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết hai bên đàm phán đã đánh mất “cơ hội vàng” để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria và bày tỏ sự thất vọng trước sự bất đồng sâu sắc, vốn ngăn cản hai bên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.

Trên thực tế, các cuộc đàm phán đã không diễn ra khi phái đoàn chính phủ Syria tuyên bố không muốn gặp phe đối lập, và thậm chí, không muốn thảo luận với phe đối lập thông qua nhà bảo trợ. Trong khi đó, phe đối lập cáo buộc phái đoàn chính phủ đưa ra điều kiện tiên quyết mà họ không thể chấp nhận được.

Theo đó, đặc phái viên Mistura đã phải tổ chức 18 cuộc đàm phán riêng rẽ với hai bên (7 cuộc với phái đoàn chính phủ và 11 cuộc với phe đối lập); trong đó, tập trung vào các cơ chế soạn thảo một hiến pháp mới và tiến hành các cuộc bầu cử do Liên Hợp Quốc giám sát, còn vấn đề liên quan tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã không được đề cập.

Thất bại của vòng đàm phán thứ tám tại Geneva đã phản ánh thức tế rằng tiến trình hòa giải dân tộc của Syria sẽ còn kéo dài với nhiều thách thức lớn.

Nguyên nhân chính cản trở tiến trình hòa bình Syria là sự bất đồng giữa chính phủ Syria và phe đối lập về vấn đề liên quan đến vai trò của Tổng thống Assad sau khi cuộc chiến chống khủng bố kết thúc. Tại vòng đàm phán vừa qua, trưởng phái đoàn chính phủ Syria Bashar al-Jaafari tuyên bố phái đoàn chính phủ sẽ không đối thoại trực tiếp với đại diện phe đối lập khi họ chưa từ bỏ điều kiện tiên quyết đưa ra trong Thông cáo Riyadh rằng “Tổng thống Assad không được đóng vai trò gì trong quá trình chuyển tiếp chính trị”. Thay vào đó, chính phủ chỉ quan tâm về kế hoạch cho cuộc bầu cử và bản hiến pháp mới. Trong khi đó, phe đối lập dù đã công bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp với chính phủ nhưng vẫn bảo lưu quan điểm về “sự ra đi của Tổng thống Assad trước khi bắt đầu quá trình chuyển tiếp chính trị”.

Sự không thống nhất về chương trình nghị sự, thành phần bảo trợ và địa điểm cho các cuộc đàm phán tương lai cũng là một trở ngại lớn. Phe đối lập không tỏ ra mặn mà với sáng kiến về tổ chức một “Đại hội Đối thoại dân tộc Syria” do Nga đề xuất trước đó với sự thống nhất của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng họ không nhận thấy ý nghĩa của việc tổ chức đối thoại ở Sochi khi mà Liên Hợp Quốc đang nỗ lực bảo trợ cho các cuộc đàm phán tại Geneva.

Trong khi đó, chính phủ Assad mong muốn tham gia các cuộc đàm phán tại Sochi với chương trình nghị sự mới, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2018 vì theo các nhà phân tích, phái đoàn chính phủ sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Giải quyết vấn đề Syria đòi hỏi một nỗ lực quốc tế với sự hài hòa lợi ích và mục tiêu can dự của nhiều yếu tố từ bên ngoài. Theo nhận định của báo giới khu vực, hiện nay, Syria này là nơi hội tụ lợi ích của các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực và thế giới như Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel. Do đó, việc thiết lập một nền hòa bình bền vững tại Syria là nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự nhượng bộ nhất định từ tất cả các bên liên quan. Thời gian qua, khu vực chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Iran qua can dự quân sự của nước này vào cuộc chiến ở Syria, điều này khiến Mỹ, Saudi Arabia và Israel quan ngại. Mặt khác, dù cả Nga và Mỹ đều có chung mục đích là tiêu diệt hoàn toàn tổ chức khủng bố IS tại Syria nhưng hai nước này lại có tiếp cận khác nhau trong việc duy trì chế độ của Tổng thống An Assad thời hậu cuộc chiến chống IS.

Ngoài ra, ngay khi hòa bình được vãn hồi thì khó khăn tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị của Syria là vấn đề kinh tế. Syria sẽ cần một khoản tài chính khổng lồ nhằm phục vụ tái thiết đất nước sau gần 7 năm bị chiến tranh tàn phá. Theo Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng Syria đã gây ra những thiệt hại lớn với hơn 350.000 người thiệt mạng, khoảng một phần ba dân số của Syria bị mất nhà cửa và hàng triệu người phải tị nạn ở nước ngoài. Theo các nhà quan sát, để tái thiết Syria, chính phủ nước này phải cần ít nhất 200 tỷ USD.

Bất chấp những thách thức trên, đặc phái viên Mistura vẫn tin rằng các bất đồng sẽ có thể được giải quyết thông qua đối thoại ở các cuộc đàm phán mới vào một thời điểm phù hợp hơn nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Ông Mistura nhấn mạnh khi cuộc chiến trên thực địa đang đi vào hồi kết, rất cần sự hợp tác và những nỗ lực đầy đủ từ cả hai bên liên quan cũng như các nhà bảo trợ quốc tế nhằm đảm bảo cho một khởi đầu đàm phán mới thành công./.

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top