15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết do Mỹ đề xuất về mở rộng trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và phóng vệ tinh mới đây.
Theo Nghị quyết mới, mọi tàu chở hàng đến và đi vào Triều Tiên đều phải được kiểm tra. Hội đồng Bảo an cũng nhất trí bổ sung 12 thực thể và 16 cá nhân Triều Tiên vào danh sách đen trừng phạt của Liên Hợp Quốc, trong đó có đại diện thương mại của Triều Tiên tại một số nước.
Hội đồng Bảo an một lần nữa lên án mạnh mẽ nhất việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6/1 và phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7/2, khiến tình hình khu vực leo thang căng thẳng. Hội đồng Bảo an cũng nhắc lại kêu gọi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, các chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa chiến lược… của nước này.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho biết Triều Tiên đang đối mặt với những trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Liên Hợp Quốc, nhằm phong tỏa nguồn tiền mà nước này dùng cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Bà Power nói: “Nghị quyết mới mà chúng ta nhất trí thông qua tại Hội đồng Bảo an nhằm vào hầu hết các nguồn vốn và các kênh huy động tài chính mà Triều Tiên sử dụng cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Các nước sẽ được yêu cầu giám sát chặt chẽ hàng hóa của Triều Tiên bất kể chúng được vận chuyển bằng đường hàng không, đường bộ hay đường biển”.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất và Đại sứ Nga Vitaly Churkin kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Nga và Trung Quốc đều cho rằng nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an có thể là một điểm khởi đầu mới và mở ra một tiến trình chính trị vững chắc để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Đại sứ Nga Churkin nói: “Nghị quyết trừng phạt mới này rất khắt khe, tuy nhiên, nó cũng mở ra cơ hội để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàn phán 6 bên, vốn đang rất cần thiết cho tình hình căng thẳng leo thang hiện nay.
Phía Nga khẳng định rằng không có biện pháp nào có thể thay thế tiến trình chính trị và giải pháp ngoại giao để thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”.
Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 5 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên từ năm 2006. Trong đó, Trung Quốc- một thành viên đóng vai trò chìa khóa trong bàn đàm phán 6 bên, đã cùng với Mỹ mất gần 2 tháng để thảo luận và nhất trí một dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 năm nay.
Trung Quốc cũng được coi là nhân tố chìa khóa để đảm bảo hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, nước vốn có mối quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc.
Trong những phản ứng đầu tiên sau khi Nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên được thông qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Hàn Quốc đã hoan nghênh nghị quyết này.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đồng thời thúc giục các nước thành viên Liên Hợp Quốc đảm vảo việc thực thi nghị quyết mới này./.