Để mở rộng khối lượng và giá trị xuất khẩu, xuất khẩu chính ngạch sẽ là con đườn bền vững để nông sản Việt Nam thay đổi về mọi mặt.
Thông tin tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra mới đây tại Đà Nẵng cho thấy, thị trường Trung Quốc luôn có nhu cầu cao về nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam.
Hiện nay, có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt. Việt Nam đang đề xuất mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây tươi khác sang Trung Quốc như sầu riêng, chanh leo, bưởi, bơ, dừa, roi, na, chanh.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất – Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2019 xuất khẩu rau quả Việt Nam không khả quan. Trong nhiều nguyên nhân thì việc Trung Quốc - thị trường chiếm hơn 70% thị phần đã siết chặt biên mậu, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc và tăng cường quản lý chất lượng đuợc đánh giá là có tác động lớn nhất.
“Do đã quen làm ăn tiểu ngạch nên nhiều doanh nghiệp đã lúng túng trước các tiêu chuẩn, quy chuẩn khi xuất khẩu chính ngạch. Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong Quý I/2019 đã giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đặt ra vấn đề lớn, đó là nếu chỉ còn con đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì nông sản Việt cần có giải pháp gì để thích ứng và phát triển bền vững. Với những nông sản chưa được xuất khẩu chính ngạch mà xuất khẩu tiểu ngạch gần như bị dừng lại”, Cục Xuất – Nhập khẩu nhận định.
Trung Quốc ngày càng siết chặt việc xuất khẩu hoa quả bẳng đường tiểu ngạch. |
Đặc biệt, do Trung Quốc siết chặt tiểu ngạch nên từ đầu năm tới nay, một số địa phương thu hoạch khoai lang, dứa đã gặp khó khăn vì thương lái Trung Quốc không thu mua. Gần đây nhất dứa Lào Cai đã không bán được sang Trung Quốc vì mặt hàng này chưa có trong danh sách được nhập khẩu. Một số xe sầu riêng từ Miền Tây sang biên giới phải quay đầu về bán nội địa vì lý do tương tự. Riêng quả vải thì theo quy định mới sẽ không được để lẫn lộn với lá và cuống dài không quá 15 cm.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là điều cần thiết, nhưng phải trải qua thời gian đàm phán lâu dài, điển hình để đàm phán cho 1 loại trái cây có thể mất cả Thập kỷ, bởi đó là sự hội tụ chín muồi của cả hai bên về mặt sản xuất, về mặt canh tác, về mặt điều kiện sản phẩm, về mặt tiêu chuẩn chất lượng để đạt một sự đồng thuận và đồng bộ từ khâu gieo trồng, sản xuất, lưu thông, chế biến và đến tay người tiêu dùng.
Do đó, Cục Xuất – Nhập khẩu cho rằng, những yêu cầu cơ bản nhất cần lưu ý đó là sản phẩm nông sản xuất khẩu cần có truy xuất, đăng kí vùng trồng; có đăng ký các nhà sản xuất bao gói; có ghi nhãn, thậm chí hiện nay một số doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu đóng nhãn vào bao bì.
Hiện nay, với 9 loại trái trái cây xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đã có 1.200 mã số vùng trồng được cấp, có khoảng 564 cơ sở sản xuất đã được Trung Quốc đồng ý. Cùng với vải, dưa hấu cũng đang được thắt chặt yêu cầu nhập khẩu chính ngạch với quy định cao hơn về bao bì. Cụ thể là từ ngày 1/5/2019, dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải dùng xốp lưới; mít dùng giấy dai Kraft, bao bì có in thông tin truy xuất; chuối dùng thùng giấy, túi nhựa để bọc trái đều phải in truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản trái cây đảm bảo hàng được tươi ngon khi đi đường bộ từ các vùng trồng qua Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Trong năm 2018 trong gần 4 tỉ USD giá trị xuất khẩu của ngành rau quả thì Trung Quốc đã đạt 2,8 tỉ USD, chiếm 78% tỉ trọng xuât khẩu.
Như vậy đây vẫn là thị trường rất lớn cho rau quả Việt Nam mở rộng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Vì vậy con đường xuất khẩu chính ngạch sẽ là con đường bền vững để nông sản Việt Nam thay đổi về mọi mặt.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…