Ngày 29-10, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống (31/10/1966 - 31/10/2016) và đón nhận Huân chương Hữu nghị của Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào.
Dự buổi lễ có ngài Kongsy Sengmany - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nước CHDCND Lào Thongsavanh Phomvihane. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, cùng lãnh đạo các cục, vụ, viện, công đoàn ngành; Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước; Hội Cựu giáo chức Việt Nam; Văn phòng Quốc hội; Hội đồng dân tộc Quốc hội; cùng lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ban ngành đoàn thể trên địa bàn.
Ôn lại lịch sử suốt nửa thế kỷ phấn đấu cho sự nghiệp trồng người, nhiều thế hệ sinh viên khóa đầu tiên vẫn còn bồi hồi những ngày đầu vừa dựng trường lớp rồi học và sơ tán. Năm 1966, mặc dù trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt khi đế quốc Mỹ xâm lược leo thang đánh phá miền Bắc, nhưng Trung ương Đảng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc - tiền thân của Trường ĐHSP ngày nay là một trong hai trường ĐHSP đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là Trường ĐHSP duy nhất ở khu vực miền núi phía Bắc được thành lập. Sự nghiệp trồng người cho cả vùng Thái - Tuyên - Hà, Cao - Bắc - Lạng (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), vùng mỏ và biên giới hải đảo Quảng Ninh bắt đầu từ đó.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng tặng Cờ thi đua xuất sắc cho nhà trường vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2015-2016.
Trong những năm tháng chiến tranh, vừa sơ tán chạy bom đạn, vừa chiêu sinh, 40 thầy, cô giáo từ Trường ĐHSP Hà Nội đã tình nguyện trở về Chiến khu xưa để thắp lên ngọn lửa đầu tiên cho sự nghiệp trồng người tại đây. Đúng ngày 31-10-1966, tại khu sơ tán của huyện Đại Từ, khóa học đầu tiên chính thức khai giảng năm học mới. Được rèn luyện trong gian khó, lớp sinh viên những khóa đầu nhanh chóng trưởng thành và đến với mọi miền của Tổ quốc để tiếp tục gieo mầm cho sự nghiệp giáo dục. Trong chiến tranh, nhà trường vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa sẵn sàng chi viện nhân lực cho chiến trường. Những năm tháng đó, đã có 427 cán bộ, sinh viên của trường “xếp bút nghiên, lên đường chiến đấu” có mặt trên khắp chiến trường miền Nam. Trong số đó, đã có 20 người anh dũng hy sinh, trở thành Anh hùng liệt sĩ nằm lại nơi chiến trường.
Mặc dù mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử có những khó khăn riêng, nhưng với truyền thống tôn sư, trọng đạo, đoàn kết thống nhất, các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ vẫn nỗ lực vượt qua để đến nay, nhà trường luôn hoàn thành sứ mạng của mình một cách vẻ vang. Hiện nay, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường là 159 người (đạt gần 41%), thạc sĩ có 204 người, trong đó có 40 giáo sư, phó giáo sư và đang có gần 100 giảng viên học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trong công cuộc đổi mới, mỗi giảng viên của nhà trường đang đứng trước nhiệm vụ và thách thức mới, đó là: Giảng viên phải là Nhà chuyên môn giỏi, Nhà giáo dục tài năng, Nhà khoa học, Nhà tư vấn giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, Nhà hoạt động xã hội…
50 năm xây dựng và phát triển, đã có gần 100 nghìn giáo viên, trong đó có trên 3.000 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp và trưởng thành từ mái trường ĐHSP. Hiện nhà trường có đào tạo 26 chương trình cử nhân sư phạm (3 chương trình chất lượng cao), 23 chuyên ngành thạc sĩ, 13 chuyên ngành tiến sĩ và các chương trình cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ, quản lý giáo dục; nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu tại trường gần 10.000 người trong đó có 4 lưu học sinh quốc tế từ Mông Cổ, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mozambic, Lào,... Đây cũng chính là nguồn nhân lực dồi dào, tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho các địa phương trong cả nước. Nhà trường đã khẳng định được vai trò nòng cốt đối với sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói riêng.
Trường Đại học Sư phạm (Thái Nguyên) vinh dự đón nhận Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào.
Tại buổi lễ Kỷ niệm 50 năm cho sự nghiệp trồng người, ngài Kongsy Sengmany đã chúc mừng tốt đẹp nhất đến nhà trường. Đồng chí cũng ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo, uy tín của Trường Đại học Sư phạm trong bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào. Chúc tình hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng biểu dương những thành tựu mà thầy và trò trường đã đạt được trước yêu cầu về đổi mới, hội nhập và phát triển của giáo dục đại học và giáo dục phổ thông. Thứ trưởng nhấn mạnh, nhà trường tiếp tục tập trung đầu tư 8 mục tiêu trọng tâm mà ngành đang thực hiện; tiếp tục đổi mới toàn diện công tác giáo dục người học theo định hướng năng lực. Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, tổ chức trao đổi cán bộ quản lý, sinh viên, giáo viên. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng hiện đại.
Nhân dịp này, nhà trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào; 6 thầy, cô giáo là cán bộ quản lý nhà trường vinh dự nhận Huân chương Hữu nghị, Huy chương Hữu nghị của Nước CHDCND Lào; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2015-2016; 12 tập thể và 19 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ.
Từ những thành tựu đã đạt được, nhà trường đã đề ra những định hướng phát triển lâu dài, bền vững, gắn với yêu cầu về đổi mới, hội nhập và phát triển của giáo dục đại học và giáo dục phổ thông. Có thể nói, với bề dày truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường đều đã và tiếp tục phát huy phẩm chất anh hùng của một đơn vị anh hùng, để vững bước tiến lên cùng công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Hoàng Văn