Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 12 năm 2016 | 3:20

Trường Tiểu học Thống Nhất: Đảm bảo cho học sinh dân tộc thiểu số đạt chuẩn năng lực tiếng Việt

Trường Tiểu học Thống Nhất, xã Thống Nhất (Hoành Bồ - Quảng Ninh) có 7 điểm trường cách xa nhau nên công tác dạy và học của thầy trò nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên,  những năm qua, nhà trường đã nỗ lực vượt khó, luôn nêu cao vai trò đi đầu, gương mẫu trong mọi hoạt động.

Thầy và trò lớp 1A9 tại điểm trường Lưỡng Kỳ trong giờ học.

Nêu cao vai trò đi đầu trong mọi hoạt động

Là một trong những trường lớn của huyện Hoành Bồ, nhiều năm liền, Trường Tiểu học Thống Nhất được công nhận là Tập thể lao động tiên tiến và Tập thể lao động xuất sắc, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen do cấp trên trao tặng. Đặc biệt, năm 2003, nhà trường vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ I.

Năm học 2015 - 2016, Trường Tiểu học Thống Nhất đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh; danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; 5 tổ đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; Liên đội xuất sắc cấp tỉnh, được Ban chấp hành tỉnh Đoàn Quảng Ninh tặng Bằng khen. Có 63/66 giáo viên đạt lao động tiên tiến, 6 đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 42 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 17 giáo viên giỏi cấp cơ sở, trong đó có 1 đồng chí được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 1 đồng chí được tỉnh Đoàn tặng Bằng khen.

Để rèn luyện kiến thức cũng như kỹ năng cho học sinh, nhà trường tích cực cho các em tham gia các cuộc thi giao lưu như: “Giải Tiếng Anh trên mạng”, “Giao lưu Tiếng Việt của chúng em”, “Giao lưu viết chữ và trình bày đẹp”,... Năm học vừa qua, trường giành được 151 giải, trong đó có 128 giải cấp trường, 20 giải cấp huyện, 2 giải thể dục thể thao cấp tỉnh và 1 giải thể dục thể thao cấp quốc gia.

Như vậy, trường đã đạt được 99,75% chỉ tiêu kế hoạch về chất lượng giáo dục, các hoạt động giáo dục khác đạt 100% chỉ tiêu đề ra.

Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học Thống Nhất có 857 học sinh. Nhà trường luôn tự hào vì có nhiều thế hệ giáo viên rất nhiệt tình, tâm huyết với nghề, tận tâm tận lực cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục của xã. Điển hình như các thầy Ngô Quốc Bình, Nguyễn Ngọc Tú; các cô Hoàng Thị Hợi, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Oanh, Vũ Thị Bé, Nguyễn Thị Thuyên, Đỗ Thị Cải…

 Ngoài những nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra, năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học Thống Nhất tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt  cho học sinh dân tộc thiểu số, đảm bảo cho học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp. Chủ động nghiên cứu Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”.

Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Chúng tôi có mặt tại điểm trường Lưỡng Kỳ, điểm xa nhất của Trường Tiểu học Thống Nhất, nơi đang có 5 lớp với 29 học sinh, hầu hết là người dân tộc thiểu số. Thầy Linh Du Hình, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A9, người dân tộc Dao, đã có 6 năm giảng dạy tại điểm trường Lưỡng Kỳ, cho biết: “Trước đây, các thầy cô phải đến mời, vận động các em đi học nhưng mấy năm gần đây, phụ huynh các em đã ý thức được tầm quan trọng của việc học nên các em đi học đầy đủ. Tuy nhiên, do không có cơ sở mà phải học nhờ lớp mầm non của Đồng Lâm hoặc xa hơn nên việc học của học sinh ở đây rất vất vả”.

Giáo viên là người dân tộc địa phương như thầy Linh Du Hình gặp nhiều thuận lợi khi các em nói tiếng Việt chưa được chuẩn. Ngoài việc dạy bằng tiếng Việt, thầy còn hướng dẫn, giải thích cho học sinh bằng tiếng của người Dao, giúp học sinh nắm được bài học. Lớp 1A9 do thầy Hình dạy có 5/6 học sinh là người dân tộc Dao; lớp 4A9 do cô giáo Phạm Thị Lan đứng lớp, tất cả học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số hay lớp 5A9 của cô Nguyễn Thị Thuyên có 5 học sinh thì 4 học sinh dân tộc Dao, 1 em dân tộc Nùng.

Các thầy cô giáo cho biết, nhận thức của các em tuy có hạn chế, tiếp thu chậm, rụt rè, nhưng rất ngoan, nghe lời thầy cô giáo. Vì phụ huynh đa phần là người dân tộc nên trình độ nhận thức của họ chưa cao, chưa có sự quan tâm đầy đủ đến việc học của các con, hầu như phó thác cho thầy cô. Tuy nhiên, nhà trường được tạo điều kiện, quan tâm nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, các em được tiếp cận với sách, tranh ảnh minh họa đầy đủ cho việc học, các thầy cô tâm huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn để truyền tải kiến thức cho học sinh.

Thời gian tới, Trường Tiểu học Thống Nhất tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, tiến hành kiểm tra, rà soát, đề nghị công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2016 – 2017, đồng thời có kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

                                   Đỗ Hùng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top