Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2016 | 2:41

Trường Tiểu học Trung Nghĩa: Không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học

Trường Tiểu học Trung Nghĩa, xã Trung Nghĩa (Yên Phong - Bắc Ninh) được thành lập tháng 8/1990. Trải qua 26 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã không ngừng phấn đấu vươn lên, nhất là thi đua dạy tốt, học tốt. Để hiểu rõ hơn về những đổi mới này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Đức Chuyên, Hiệu trưởng nhà trường.

Học sinh của nhà trường trong giờ tin học.

Thưa thầy, thầy có thể khái quát những mốc son của trường từ khi thành lập đến nay?

Thời kỳ đầu mới thành lập, trường có quy mô 30 lớp với 1.005 học sinh và trên 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Lúc này, nhà trường vẫn còn học chung khuôn viên với Trường THCS Trung Nghĩa nên điều kiện dạy và học gặp nhiều khó khăn. Năm 2003, được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã Trung Nghĩa, trường được chuyển đến khuôn viên mới với một dãy nhà cao tầng 12 phòng học mới và 8 phòng học trên cơ sở cũ. Cũng vào dịp này, nhà trường được đón bằng công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1996 - 2000.

Từ đó đến nay, với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không ngừng được đầu tư đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục (26 phòng học thông thường, 2 phòng học bộ môn, khu nhà hiệu bộ...) cùng với sự nỗ lực của thầy và trò, nhiều năm liền, Trường Tiểu học Trung Nghĩa đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến. Chi bộ trường và các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Chi đoàn, Liên đội đạt vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có 52 người.

Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường đã được chú trọng như thế nào , thưa thầy?

Từ năm học 2015 - 2016, nhà trường đã đăng ký với Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiệm vụ trọng tâm nổi trội là: Đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó chú trọng đến đổi mới phương pháp với mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) và dạy học Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục.

Đối với mô hình VNEN, nhà trường là một trong 6 đơn vị đầu tiên của huyện tham gia chương trình này. Qua thực tế áp dụng, thấy mô hình VNEN đã đi vào cuộc sống, tạo ra không khí đổi mới thực sự về giáo dục, các hoạt động trong nhà trường thay đổi theo hướng thân thiện và gắn liền với cuộc sống. Giáo viên đã giảm hẳn việc giảng giải, thuyết trình, tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Học sinh tự tin, chủ động, giao tiếp tích cực, hào hứng trong sinh hoạt tập thể; bước đầu hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, phát triển năng lực tự quản, tự học, tự đánh giá...

Nhà trường cũng đã mạnh dạn áp dụng dạy học Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục. Đây là mô hình mới được triển khai tại huyện Yên Phong hai năm trở lại đây. Chương trình này dạy khái niệm khoa học thông qua việc tự chiếm lĩnh tri thức của học sinh, phát triển năng lực tối ưu của từng cá nhân như: Khả năng phân tích, tổng hợp, mô hình hóa. Học sinh được học cách làm việc trí óc, học cách tự nhận xét, đánh giá quá trình và kết quả việc làm của mình.

Thầy có đánh giá gì về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, sáng kiến kinh nghiệm trong nhà trường?

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường được chúng tôi quan tâm chú trọng. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức bồi dưỡng tin học cho giáo viên. Nhà trường đặt yêu cầu, trong các đợt hội giảng, giáo viên phải sử dụng giáo án điện tử ít nhất 2 lần/năm học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đưa vào sử dụng bảng tương tác thông minh trong dạy học, các phần mềm quản lý cán bộ và giáo viên, học sinh trên hệ thống thông tin của Sở GD&ĐT Bắc Ninh.

Công tác triển khai và thực hiện viết sáng kiến được thực hiện theo đúng quy định của ngành, hàng năm, cán bộ, giáo viên đạt từ giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên đều có một sáng kiến được áp dụng tại trường hoặc trong phạm vi toàn huyện. Các sáng kiến cơ bản được đúc rút từ kinh nghiệm giảng dạy nên mang tính hiệu quả và thiết thực cao.

Thầy có thể chia sẻ một số khó khăn và định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới?

Do nhà trường thực hiện đồng thời ba chương trình giáo dục nên khó khăn trong công tác quản lý và chỉ đạo. Đội ngũ giáo viên trẻ mới tuyển dụng nên kinh nghiệm còn hạn chế.

Trong thời gian tới, nhà trường quyết tâm giữ vững danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; duy trì và giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nâng cao tỷ lệ trình độ trên chuẩn của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nâng cao chất lượng đại trà và mũi nhọn.

Xin cảm ơn thầy!

Năm học 2014-2015, Trường Tiểu học Trung Nghĩa có 3 học sinh đoạt giải cấp tỉnh, 19 học sinh đoạt giải cấp huyện. Năm học 2015-2016 có 8 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 01 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 20 học sinh đoạt giải cấp huyện và 01  học sinh đoạt giải cấp tỉnh.

Năm học 2015-2016: trường đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến.

Đỗ Hùng (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top