Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019 | 15:5

Truyền thông ATTP cần kiểm soát, chặn tin giả, tin nhiễu

Các chủ đề liên quan đến an toàn thực phẩm luôn được được truyền thông và công chúng đón nhận và quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thông tin về ATTP thiếu chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học.

Đó là nhấn mạnh của Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam tại Hội thảo “Truyền thông về an toàn thực phẩm và sức khoẻ - Xử lý tin nhiễu, tin giả”, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) vừa tổ chức tại Vĩnh Phúc.

Nhức nhối tin giả trong vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin, tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm. Nắm bắt được tinh thần đó, Hội thảo báo chí “Truyền thông về an toàn thực phẩm và sức khỏe xử lý tin nhiễu và tin giả” đã phần nào cập nhật và bám sát các vấn đề mang tính xã hội, được dư luận quan tâm. 

5nhà-báo-hồ-quang-lợi-phó-chủ-tịch-thường-trực-hội-nhà-báo-việt-nam-phát-biểu-khai-mạc-hội-thảo.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: Báo chí đã và đang đóng một vai trò to lớn trong việc truyền thông phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm, giúp công chúng ngày càng ý thức hơn tới vai trò của việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng để nâng cao giá trị dinh dưỡng cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Hồ Quang Lợi, trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có 73 vụ ngộ độc với gần 2.000 người, trong đó 8 người tử vong; Cả nước phát hiện 65.000 cơ sở vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Điều đó cho thấy trách nhiệm to lớn của báo chí trong việc thông tin chính xác, khoa học, đồng thời nhận diện và phản bác những thông tin xấu độc, tin nhiễu, tin giả trong vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người dân có kiến thức để lựa chọn thực phẩm tiêu dùng, tự chăm lo cho sức khỏe cá nhân.

Các chủ đề liên quan đến an toàn thực phẩm luôn được được truyền thông và công chúng đón nhận và quan tâm đặc biệt. Tác động quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm là điều rất dễ nhận thấy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thông tin về an toàn thực phẩm thiếu chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí thông tin phục vụ mục đích vụ lợi, gây ảnh hưởng hoang mang dư luận.

“Nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đã bị thổi phồng, bị giải thích sai lệch, bịa đặt, giả mạo, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang trong xã hội. Điều đó cho thấy trách nhiệm to lớn của báo chí trong việc thông tin chính xác, khoa học, đồng thời nhận diện và phản bác những thông tin sai lệch, tin nhiễu, tin giả trong vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người dân có kiến thức để lựa chọn thực phẩm tiêu dùng, tự chăm lo cho sức khỏe cá nhân,” ông Hồ Quang Lợi cho hay.

Phân biệt khái niệm nguy cơ và mối nguy trong truyền thông ATTP

Bài trình bày của Tiến sỹ Anastasia Bodnar – Cố vấn Khoa học cao cấp (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA) đã phân biệt hai khái niệm quan trọng trong đánh giá an toàn thực phẩm, dược phẩm và các sản phẩm nông nghiệp đó là “Risk” – “Rủi ro” (hay còn gọi là “Nguy cơ”) và “Hazard” – “Mối nguy hại”. Các mối nguy hại (Hazard) là tất cả những thứ có tiềm ẩn gây hại; các “mối nguy hại” xảy ra “rủi ro” trong “điều kiện phơi nhiễm” nhất định (exposure) bao gồm mức độ thường xuyên, thời lượng và số lượng. Việc phân biệt này có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tính an toàn thực phẩm, giúp kiểm soát các sản phẩm chúng ta sử dụng một cách an toàn, vừa tận dụng được các lợi ích vừa hạn chế được các tác động không mong muốn.

 

7ts-anastasia-bodnar-cố-vấn-khoa-học-cao-cấp-bộ-nông-nghiệp-hoa-kỳ.jpg
Tiến sỹ Anastasia Bodnar – Cố vấn Khoa học cao cấp (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA) trình bày tại hội thảo.

 

Tiến sỹ cũng nhấn mạnh: "Công chúng thường hay bỏ qua những rủi ro gây hại của một số sản phẩm mà họ cảm thấy thân thuộc như hút thuốc hay ăn không đủ trái cây, rau quả trong khi lại lo sợ “thái quá” với những thứ họ cho là không tự nhiên như như thực phẩm biến đổi gen (BĐG), thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)”.

Tiến sỹ Trần Thị Tuyết Hạnh - Giảng viên Sức khoẻ Môi trường, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ, Trường đại học Y tế công cộng, chia sẻ thêm: “An toàn thực phẩm đang là mối quan tâm rất lớn của cộng đồng và các bên liên quan. Rất khó có thể đánh giá toàn diện gánh nặng bệnh tật cấp tính và mãn tính đối với các bệnh truyền qua thực phẩm. Nếu xét về ảnh hưởng sức khoẻ mãn tính thì việc lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp như thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa là những nguy cơ rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy nguyên nhân chính gây ra các bệnh cấp tính truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật. Nhiễm bẩn vi sinh vật có thể dự phòng và xử lý thông qua áp dụng các biện pháp vệ sinh trong toàn bộ chuỗi thực phẩm”.

Trong bài trình bày về “tin giả, tin nhiễu” tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Hải Chung – Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết: “Vấn đề về an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng là nơi xảy ra nhiều tin giả và tin nhiễu phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu thông qua mạng xã hội Facebook. Sức mạnh và mức độ sức lan toả của các trang mạng xã hội trực tuyến - nơi mỗi người tham gia đều có thể là một nhà báo, một chuyên gia đã khiến cho việc lan truyền các tin giả, tin nhiễu này khó kiểm soát hơn. Một số nhà báo cũng gặp khó khăn trong việc xác định và tiếp cận với các nguồn tin khoa học chính thống, đáng tin cậy và điều này cũng khiến cho sự kết nối của công chúng với các nguồn tin này bị hạn chế".

Tiến sỹ - Bác sỹ Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam chia sẻ: “Một trong những thông tin nhiễu phổ biến nhất liên quan tới thực phẩm biến đổi gen đó là một nghiên cứu vào năm 2015 cho rằng ăn các thực phẩm này sẽ tăng nguy cơ ung thư. Ngay sau khi phát hành, đã có rất nhiều bằng chứng khoa học và bài viết chính thống bác bỏ kết luận này; bản thân báo cáo này đã bị rút sau đó nhưng chúng ta vẫn thấy cho tới hôm nay, thông tin này vẫn được chia sẻ và được nhiều người tin. Hay các chủ đề liên quan tới phản đối vắc xin cũng là một dẫn chứng khác của tin giả”.

Một chủ đề quan trọng khác được thảo luận tại hội thảo đó là “Risk Communication” – Truyền thông về rủi ro (hay còn gọi là Truyền thông nguy cơ). Các diễn giả cho rằng giải pháp cung cấp thông tin khoa học, xây dựng kiến thức cộng đồng về sức khoẻ và an toàn thực phẩm một cách đúng hướng - minh bạch đồng thời chủ động kiểm soát tin giả, tin nhiễu bao gồm: thực thi cơ chế chính sách khoa học liên quan tới đánh giá và quản lý an toàn thực phẩm và đẩy mạnh truyền thông về rủi ro/nguy cơ.

Ông Phạm Văn Lợi – Chủ tịch CropLife Việt Nam nhấn mạnh “Đối với lĩnh vực nông nghiệp, quy trình pháp lý theo chuẩn quốc tế, dựa vào nền tảng khoa học và đánh giá dựa trên nguyên tắc rủi ro (nguy cơ) sẽ là tiền đề quan trọng giúp loại bỏ các sản phẩm thuốc không còn phù hợp và đẩy nhanh việc giới thiệu các sản phẩm tiên tiến hơn đến với nông dân, giúp tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và phong phú hơn”.

Thêm vào đó, đẩy mạnh truyền thông về rủi ro/ nguy cơ vừa là một hướng giúp phát triển thực thi pháp lý; đồng thời cũng giúp phổ biến thông tin khoa học tới cộng đồng, xây dựng niềm tin và để họ có đủ thông tin chính xác để lựa chọn, sử dụng và kiểm soát thực phẩm một cách an toàn và có lợi.

Giải pháp hướng đến truyền thông “sạch”

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Đại diện Khu vực Đông và Đông Nam Á – Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế ILRI: “Mất niềm tin vào chất lượng và an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến hệ thống thực phẩm ở Việt Nam. Chúng ta cần có chiến lược tốt hơn trong truyền thông nguy cơ để hạn chế vấn đề này. Truyền thông nguy cơ cần được làm tốt xuyên suốt trong quá trình đánh giá và quản lý nguy cơ và cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nhà nước có liên quan và các chủ thể có liên quan ATTP để truyền tải thông điệp an toàn thực phẩm thiết thực và mạch lạc tới công chúng, tránh việc gây hoang mang và mất lòng tin của người dân đối với an toàn thực phẩm như hiện nay”.

 

9ban-điều-hành-phiên-thảo-luận-1.jpg
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận: Những thông tin nhiễu thường gặp liên quan đến ATTP và sức khỏe.

 

Thảo luận về vấn đề này, Bà Bùi Kim Thuỳ - Đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) nhấn mạnh: “Truyền thông về các vấn đề khoa học luôn là một bài toán khó – tạo dựng được sự đồng thuận và hợp tác của các bên tham gia có vai trò quan trọng. Để một một chương trình truyền thông về các đề tài như sức khoẻ, an toàn thực phẩm có thể đúng hướng, minh bạch và hiệu quả thì trách nhiệm của nhà quản lý, nhà khoa học và nhà báo là quan trọng như nhau và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên là rất cần thiết”.

Kết luận hội thảo, Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Hội thảo đã đạt được mục đích đề ra là: Cập nhật thông tin và nâng cao năng lực cho phóng viên trong nước (đặc biệt là phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp) về truyền thông nguy cơ; Cung cấp kiến thức liên quan tới việc đánh giá an toàn thực phẩm cho một số sản phẩm đầu vào nông nghiệp; cách thức nhận biết và xử lý tin giả, tin nhiễu liên quan tới chủ đề này, cũng như xu hướng và tầm quan trọng của các chương trình truyền thông về các vấn đề sức khoẻ con người. Tuy nhiên về mặt khái niệm, cần có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng và các nhà khoa học về sử dụng thuật ngữ khoa học, đặc biệt các thuật ngữ quan trọng đã nêu như Risk (nguy cơ) – Hazard (mối nguy)- thống nhất lựa chọn một cách gọi để các thông điệp truyền đi rõ ràng, xuyên suốt và đảm bảo đúng tính khoa học”./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top