Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 8 năm 2020 | 17:2

TT - Huế: Gia đình bệnh nhân viết thư tay cảm ơn đội ngũ y - bác sỹ

Sau gần 01 tháng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, cháu Nguyễn Minh A. đã có nhiều tiến triển. Cảm kích trước sự chu đáo, nhiệt tình của đội ngũ y bác sỹ, bố và mẹ của cháu A. đã gửi thư cảm ơn đến lãnh đạo và y bác sỹ của bệnh viện.

Mới đây, trên mạng xã hội đã chia sẻ bức thư tay của vợ chồng anh Nguyễn Văn Dương và chị Trần Trâm Phương là bố và mẹ của cháu Nguyễn Minh A. Trong thư, anh Dương, chị Phương thể hiện sự cảm kích, biết ơn đến đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Huế vì đã tận tình chăm sóc, chữa trị cho cháu A.

Từ nội dung bức thư, được biết, cháu A. bị mắc bệnh Kawasaki – loại bệnh được đặt theo tên bác sĩ Nhật Bản Kawasaki Tomisaku, người có công phát hiện bệnh này lần đầu vào năm 1961. Cháu được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế gần 01 tháng (từ ngày 04/6/2020).

Trong thư có đoạn: “Gia đình chúng tôi cảm thấy rất may mắn vì con chúng tôi đã được hội chẩn và được điều trị bởi đội ngũ y Bác sỹ rất giỏi chuyên môn và giàu y đức của Khoa Nhi Tim Mạch – Khớp cùng với sự giúp đỡ của Ban Lãnh Đạo BVTW Huế. Từ sâu trong đáy lòng, chúng tôi rất biết ơn Ban lãnh đạo – các bác sĩ Khoa Nhi tim mạch – khớp”.

Cùng với đó, trong thư tay của mình, vợ chồng anh Dương đã ghi nhớ và thuật lại một cách tường tận những hành động, những nghĩa cử cao đẹp của đội ngũ y - bác sỹ khi điều trị cho con của mình. Điển hình như: dù rất bận rộn nhưng đội ngũ y - bác sỹ đã dành thời gian và kiên nhẫn lắng nghe, giải thích cặn kẽ cho gia đình về bệnh tình và hướng điều trị cho cháu A.

Cặp vợ chồng này vô cùng cảm kích vì đội ngũ điều dưỡng đã không quản giờ giấc, tận tình chăm sóc cho cháu A. và các bệnh nhân khác xung quanh. Có những đêm khi cháu A. sốt cao đến 41 độ, đội ngũ điều dưỡng không quản mệt nhọc đã thức cùng gia đình.

Và, với tay nghề cao, đội ngũ điều dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện các công việc lấy máu, tiêm thuốc… một cách nhẹ nhàng khiến bệnh nhân không cảm thấy sợ hãi.

Việc hộ lý Lan đưa bệnh nhân A. đi làm siêu âm, xét nghiệm kịp thời cũng là một hành động được vợ chồng anh Dương cảm kích, ghi nhớ và nhắc đến trong thư.

Thư cảm ơn của vợ chồng anh Dương, chị Phương gửi đến đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).
Thư cảm ơn của vợ chồng anh Dương, chị Phương gửi đến đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

 

Biết được vợ chồng anh Dương gửi thư cảm ơn đội ngũ y - bác sỹ điều trị bệnh Kawasaki cho cháu A. Bác sỹ Phan Huy Thuấn, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, đội ngũ y - bác sỹ rất vui vì gia đình bệnh nhân đã hiểu và gửi thư cảm ơn. Thư cảm ơn của gia đình cũng đã được đội ngũ y - bác sỹ tiếp nhận và báo cáo đến Ban giám đốc bệnh viện.

Nói thêm về những hành động của y - bác sỹ được ghi nhớ, nhắc đến trong thư, bác sỹ Thuấn tâm sự rằng, đó là những việc làm thường ngày của của đội ngũ y - bác sỹ tại bệnh viện và đối với bệnh nhân nào các y - bác sỹ cũng đối xử như vậy. Thêm nữa, các y - bác sỹ hành động như vậy là vì xuất phát từ lương tâm và y đức nghề nghiệp của mình.

Trao đổi thêm về bệnh tình của cháu A., bác sỹ Thuấn cho biết, hiện nay cháu đã xuất viện, đang được điều trị ngoại trú trong thời gian 06 tháng và thực hiện tái khám theo định kỳ tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh Kawasaki có thể gây ra biến chứng về động mạch vành tuy nhiên, trong những lần tái khám vừa qua, cháu A. không có dấu hiệu này.

Được biết, bệnh Kawasaki là một bệnh khó chẩn đoán vì không có xét nghiệm đặc hiệu cho nên phải dựa vào nhiều triệu chứng. Chẩn đoán xác định dựa theo Ủy ban quốc gia về Kawasaki của Nhật và Hội Tim mạch Mỹ: có 5 trong 6 biểu hiện lâm sàng chính, hoặc 4 biểu hiện lâm sàng chính kèm giãn hay phình động mạch vành.

Cụ thể: Sốt cao liên tục ít nhất 5 ngày (là dấu hiệu bắt buộc); Viêm đỏ kết mạc mắt 2 bên không có nhử; Biến đổi đầu chi: phù nề,đỏ tím, bong da; Biến đổi khoang miệng: môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gai; Ban đỏ đa dạng toàn thân và Hạch góc hàm hay dưới cằm có đường kính 1,5 cm; chắc và không hóa mủ.

Ngoài ra, các biến đổi trong xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu và nhất là siêu âm động mạch vành có giá trị quan trọng trong chẩn đoán bệnh Kawasaki.

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top