Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển nông, lâm nghiệp luôn được huyện Anh Sơn (Nghệ An) quan tâm và chú trọng, nhờ vậy, kinh tế rừng ngày một khẳng định được vị thế ở địa phương.
Xã Thọ Sơn hiện quản lý 2.900ha rừng, trong đó có 1.700ha rừng phòng hộ và 1.200ha rừng sản xuất, nằm rải rác ở 11 thôn, bản. Trong những năm qua, phát triển vườn rừng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Gia đình ông Nguyễn Đình Văn ở thôn 11, xã Thọ Sơn là một trong những điển hình thoát nghèo từ làm kinh tế rừng. Năm 2000, ông Văn nhận khoán 25ha rừng. Theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc của xã, ông và gia đình đã tiến hành đầu tư làm đất, mua giống trồng 25ha keo. Năm 2016, gia đình ông thu hoạch 9 ha với thu nhập trên 600 triệu đồng. Ông Văn phấn khởi cho biết: Nhờ vào trồng rừng, gia đình từ hộ nghèo nay trở thành hộ khá của xã. Con cái có tiền ăn học, cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước nhiều..
Mỗi năm người dân huyện Anh Sơn trồng từ 1.200-1.300ha rừng
Hiện, toàn xã Thọ Sơn có 360 hộ tham gia trồng rừng, thu nhập mỗi năm từ mô hình này đạt trên 12 tỷ đồng. Để phát huy tiềm năng kinh tế rừng, hàng năm, xã có chủ trương trồng mới trên 100-120ha. Ông Phạm Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, cho biết: Tiềm năng đất rừng của Thọ Sơn tương đối lớn, đây là lợi thế để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân. Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ các khâu đăng ký, xử lý thực bì, thiết kế trồng rừng, khai thác và tìm thị trường tiêu thụ.
Theo thống kê, huyện Anh Sơn hiện có 29.301,5ha rừng, trong đó diện tích rừng trong quy hoạch 3 loại rừng 23.766,9ha, rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng 5.534,5ha. Trữ lượng gỗ đạt 1.921.288m3, tre nứa 54.102.000 cây, độ che phủ rừng đạt 48,6 %. Số diện tích rừng trên đều đã giao cho các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Để phát triển và đảm bảo vốn rừng này, hàng năm, UBND huyện Anh Sơn đã chủ động chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, từ đó tạo ra nhiều mô hình trồng rừng cho thu nhập cao như ở các xã: Thọ Sơn, Hùng Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn, Hoa Sơn...
Song song với việc tuyên truyền thì công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng hết sức quan trọng, trong những năm qua, ngành khuyến nông huyện Anh Sơn đã mở hàng chục lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng chăm sóc và bảo vệ rừng. Nhờ đó, việc hưởng lợi của người dân từ rừng cũng được nâng lên. Trung bình hàng năm các địa phương khai thác trên 700ha rừng trồng với sản lượng đạt 49.000 tấn, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng.
Song song với công tác trồng rừng, công tác khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng cũng được người dân Anh Sơn đặc biệt chú trọng.
Ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn, cho biết: Hiện nay, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn đã liên kết với Nhà máy gỗ Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An giúp người dân có đầu ra tiêu thụ ổn định. Theo đó, đơn vị liên kết còn cho các hộ trồng rừng ứng trước không tính lãi các khoản: tiền cây giống, phân bón, thuốc diệt mối; hỗ trợ đầu tư thiết kế kỹ thuật, khuyến nông cho người trồng rừng và các hộ cam kết bán 100% sản phẩm cho nhà máy sau khi thu hoạch theo cơ chế thị trường tại thời điểm bán. Đồng thời, hỗ trợ bù giá thu mua nguyên liệu từ 80 km trở lên 3% và 120 km trở lên 5% giá thu mua tại cổng nhà máy. Do vậy, người dân Anh Sơn yên tâm hơn khi đầu ra của sản phẩm từ rừng trồng luôn được đảm bảo.
Hiện nay, phần lớn diện tích đất rừng ở Anh Sơn đã được phủ xanh bởi cây keo tràm và một số cây có giá trị kinh tế khác. Vì vậy, bên cạnh chủ trương trồng rừng mới mỗi năm từ 1.200-1.300ha thì huyện Anh Sơn vẫn duy trì ổn định những diện tích rừng hiện có, từ đó tăng cường công tác chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ nhằm phát triển kinh tế rừng một cách bền vững.
Huyền Trang
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…