Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 7 năm 2018 | 9:40

Tư vấn thực phẩm chức năng thành thuốc – Hậu quả khó lường

Trong thời gian vừa qua việc một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng nhưng lại quảng cáo là một loại thuốc, hay tư vấn là một loại thuốc chữa bệnh hiệu quả để đánh lừa người tiêu dùng đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến sức khỏe.

 
 
Suýt chết vì thực phẩm chức năng
 
Cách đây không lâu, một cháu bé 11 tháng tuổi đã phải vào Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu trong tình trạng sốt cao, co giật do bị mất nước trầm trọng. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chỉ định chọc dịch não tủy để loại trừ khả năng viêm não.
 
Kết quả cuối cùng cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là trẻ bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, bù nước và điện giải tại nhà không đủ.
 
Theo thông tin từ người mẹ, cách đây hơn một tuần, cháu bé bị đi ngoài nhiều lần, nghĩ con bị tiêu chảy nên người mẹ này đã ra quầy thuốc mua oresol về bù nước cho con.
cấp-cứu.jpg
Chỉ vì uống nhầm TPCN mà cháu bé suýt mất mạng (Ảnh minh họa)
 
Tại đây, mẹ cháu bé được quầy thuốc bán cho một gói bột có tác dụng bù nước điện giải và một chai nhựa 200ml có ghi chữ oresol.
 
Về nhà, người mẹ này pha nước oresol vào bình bú cho con uống liên tục trong 2 ngày, nhưng tình trạng không đỡ, cháu bé bị tiêu chảy, đi ngoài hơn 10 lần/ngày, kèm theo đó là sốt cao, mệt lả, da nhợt nhạt… Khi đó, gia đình mới đưa trẻ vào Bệnh viện Y học cổ truyền, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
 
Cũng theo thông tin người mẹ cung cấp, khi con phải đi viện cấp cứu, chị mới biết chai nước oresol và gói bột mua trước đó có ghi dòng chữ thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung trên nhãn, chứ không phải thuốc.
 
Các ống dung dịch bù nước được chủ quầy thuốc giới thiệu thay thế oresol có thể có các chất phụ gia như tạo màu, mùi vị cho trẻ dễ uống nhưng không được sản xuất theo tiêu chuẩn của thuốc không thể nào đạt tiêu chuẩn điều trị bệnh. Thành phần ghi trên ống dung dịch này giống với thành phần thuốc hoặc dung dịch bù nước điện giải thông thường khác nên khiến nhiều người nhầm lẫn.
 
Không chỉ có các nhà thuốc khi bán hàng cho khách mập mờ trong việc tư vấn đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng, mà ngay cả đến những doanh nghệp trong quảng cáo cũng đăng tải thông tin không đúng với bản chất của sản phẩm, dẽ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng trong việc sử dụng thuốc để chữa bệnh.  
 
Hậu quả là rất nhiều người bệnh đã tốn tiền nhưng “tiền thì mất – tật thì mang” thậm chí còn nguy hại đến cả tính mạng nếu không phát hiện kịp thời để đưa đến các cơ sở y tế để cấp cứu.
 
Lóa mắt vì lợi nhuận – quên đi trách nhiệm
 
Ngày 25/6/2018, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-ATTP thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty cổ phần phát triển công nghệ Đông Nam Dược.
 
Trong quyết định, Cục An toàn thực phẩm Thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo danh sách đính kèm của Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược; địa chỉ: Tầng 23, tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, Phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
 
Ông Nguyễn Thanh Phong Cục trưởng Cục ATTP cho biết, tình trạng vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực TPCN hiện vẫn khá phổ biến. Một số hành vi mà các công ty kinh doanh, sản xuất TPCN hay sai phạm, đó là: sản xuất TPCN dù chưa công bố, ghi nhãn sai hoặc gây hiểu lầm giống thuốc chữa bệnh, hay một số công ty đã thay đổi địa điểm sản xuất kinh doanh mà không thông báo lại với cơ quan quản lý...
 
Đặc biệt, đang xuất hiện tình trạng rất nguy hiểm là nhân viên tư vấn giả danh là bác sĩ, dược sĩ để tư vấn và bán TPCN. Điển hình như mới đây, sau khi có thông tin báo chí phản ánh, Cục ATTP đã ra quyết định thu hồi 13 giấy xác nhận sản phẩm của công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đồng thời ra quyết định thu hồi 4 giấy công bố phù hợp quy định ATTP do Cục cấp cho các sản phẩm của công ty này.
 
Không chỉ có riêng công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược này đã có những hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực TPCN mà còn có rất nhiều công ty khác cũng có những hành vi vi phạm như vậy. Một số công ty còn quảng cáo sản phẩm TPCN của mình có công dụng như thuốc chữa bệnh, thậm chí còn hơn cả thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng. Để rồi khách hàng tin tưởng vào những lời quảng cáo và tư vấn của nhân viên nhà thuốc, bỏ tiển ra mua nhưng rồi bệnh tật không thuyên giảm mà còn có nguy cơ nặng hơn.
ong-truyen.jpg
PGS.TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
 
Mặc dù Nhà nước và Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến việc sản xuất, chế biến và kinh doanh các loại thực phẩm chức năng, nhưng dường như những văn bản pháp lý  vẫn chưa đủ để quản lý và xử lý những trường hợp vi phạm. Do vậy vẫn còn nhiều loại thực phẩm chức năng vẫn được nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh tư vấn và giới thiệu cho khách hàng là thuốc để bán cho người tiêu dùng. Gây nguy hại đến sức khỏe, đây là kiểu kinh doanh vì lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm của mình cần được xử lý.
 
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền – Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế: Thực phẩm chức năng là nhóm nằm ở biên giới giữa thuốc và thực phẩm. Hiện nay, việc quản lý thuốc và thực phẩm chức năng cần có sự kết hợp nhưng khó phân định ranh giới. Nếu các cơ quan chức năng không phối hợp với nhau thì sẽ xuất hiện nhiều khoảng không về pháp lý và khoảng trống quản lý.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
 
 
 
Ý kiến bạn đọc
Top