Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 4 năm 2017 | 9:42

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp với Myanmar

Chiều 10/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Kyaw Soe Win, đến chào nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Đại sứ Kyaw Soe Win nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Myanmar đã có truyền thống lâu dài và phát triển tốt đẹp trên nhiều phương diện, mở ra chương mới trong hợp tác thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực giữa hai bên.

Thủ tướng mong muốn trong nhiệm kỳ này, Đại sứ tiếp tục đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, thúc đẩy các dự án đầu tư, thương mại giữa hai bên, nhất là trong bối cảnh tiềm năng hợp tác hai bên còn lớn.

Thủ tướng mong muốn hai nước cần tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp hơn nữa.

Cho rằng Việt Nam là nhà đầu tư lớn tại Myanmar, nhất là đầu tư bất động sản, ngân hàng, viễn thông, Thủ tướng mong muốn hai nước hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, hàng không.

Việt Nam hiện có đại diện ngân hàng thương mại tại Myanmar và mong muốn Myanmar tạo điều kiện để đơn vị này hoạt động thuận lợi, thúc đẩy hợp tác, đầu tư và thương mại hai bên, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư trong lĩnh vực viễn thông tại Myanmar.

Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và mong muốn hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Myanmar trong lĩnh vực này, trong đó có thể chia sẻ kinh nghiệm về trồng và chế biến càphê, hồ tiêu xuất khẩu.

Hai bên còn có thể hợp tác sản xuất lúa giống, mía đường, ethanol và điện, trồng và chế biến bông, phát triển cao su tại Myanmar.

Chúc ngài Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngài Đại sứ hoàn thành nhiệm vụ; mong Đại sứ có những đóng góp tích cực để mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại sứ Kyaw Soe Win cho rằng, Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều mặt. Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ nỗ lực để đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp đó, nhất là trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại.

Myanmar đang phát triển kinh tế, mong muốn thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có Việt Nam.

Đánh giá các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar rất quan trọng, ngài Đại sứ mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar và Chính phủ Myanmar luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu như ngân hàng, viễn thông, dầu khí...

Việt Nam là nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, vì vậy Myanmar mong muốn Việt Nam hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để Myanmar phát triển hơn nữa trong lĩnh vực này.

Đại sứ mong muốn hai nước tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau, để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top