Một ngày trước khi Hội nghị tại Marakes kết thúc, Chủ tịch COP 22, Ngoại trưởng Morocco Salaheddine Mezouar thông báo, các nước đã nhất trí với bản kế hoạch hành động Marakes để đối phó với tình trạng ấm nóng toàn cầu.
Trong Kế hoạch hành động Marakes, các nước cho rằng, thời điểm để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là không thể đảo ngược và tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris.
Kế hoạch hành động Marakes kêu gọi các cam kết chính trị ở mức cao nhất, khẳng định chống biến đổi khí hậu phải là vấn đề ưu tiên khẩn cấp. Gần 200 quốc gia cũng kêu gọi tăng cường và hỗ trợ những nỗ lực xóa bỏ đói nghèo, tăng cường an ninh lương thực và phối hợp hành động để đối phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cuộc bầu cử tại Mỹ đã phủ bóng đen lên việc thực hiện Thỏa thuận Paris, bắt đầu có hiệu lực vào mùng 4/11 vừa qua. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trước đó cho biết sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris, dừng tất cả các quĩ hỗ trợ của Mỹ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Việc Mỹ dừng hỗ trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của quĩ, mà còn tác động tâm lí lớn đến các quốc gia phát triển khác trong việc đóng góp tài chính. Tuy nhiên, trong văn kiện đưa ra tại COP 22, các nước giàu tái khẳng định mục tiêu huy động khoảng 100 tỉ USD từ các nguồn tư nhân và công giúp đỡ các nước đang phát triển.
Trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Morocco Aziz Mekouar hoan nghênh những cam kết đưa ra tại Hội nghị lần này: “Hội nghị Marakes đánh dấu một bước đi quan trọng trong cam kết của chúng ta để đoàn kết cộng đồng quốc tế, đối phó với một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại.
Đây là thời điểm chúng ta cần phải hướng đến việc thực hiện bằng những hành động cụ thể, cam kết thúc đẩy sự đoàn kết, mang lại cơ hội, hi vọng cho thế hệ hiện nay và tương lai”.
Rất nhiều nước hoan nghênh Kế hoạch hành động Marakes. Bộ trưởng Môi trường Maldives đồng thời là chủ tịch các Quốc đảo nhỏ Thoriq Ibrahim cho rằng, các nước đều có trách nhiệm thực hiện phần việc của mình để đối phó với vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách khí hậu và năng lượng Miguel Arias Cañete nhấn mạnh, Tuyên bố hành động Marakes là một chiến thắng khác cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố này một lần nữa thể hiện cam kết của thế giới hợp tác cùng nhau để thực hiện các mục tiêu khí hậu tham vọng.
Hội nghị khí hậu tại Paris cách đây một năm đã đạt được Thỏa thuận được đánh giá là lịch sử, nhằm giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp. Hiện cũng có nhiều hy vọng, với những ràng buộc pháp lí trong Thỏa thuận, có thể khiến Tổng thống mới đắc cử Donald Trump không rút khỏi Thỏa thuận này.
Theo Điều 28 của Thỏa thuận Paris, các bên chỉ có thể xin rút 3 năm khi thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực và việc xin rút sẽ có hiệu lực pháp lí 1 năm sau đó. Dựa vào điều khoản này, ngày sớm nhất để Mỹ có thể từ bỏ Thỏa thuận là ngày 4/11/2020, tức là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo.
Khi đó, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống có thể đảo ngược tình hình. Trong một thông điệp gửi tới Mỹ, Tổng thống Pháp Francoise Hollande cũng nhấn mạnh, Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược được về phương diện pháp lý, đồng thời cảnh báo những hậu quả khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
“Thỏa thuận Paris có tính ràng buộc về pháp lí và không thể đảo ngược. Dân số Mỹ cũng phải nhận thức được rằng, nếu mực nước biển tăng, thảm họa thiên tai xảy ra và các cuộc di cư bùng nổ thì nước Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Hollande nói.
Mặc dù vậy, Giáo sư Klaus Dingwerth thuộc Trường Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ cho rằng, chính quyền mới của Mỹ có thể chọn giải pháp ‘ đường vòng” để đẩy nhanh hoạt động rút khỏi Thỏa thuận, trong đó có việc rút ngay lập tức khỏi Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu 1992. Việc rút khỏi Công ước này sẽ có hiệu lực trong 1 năm và đến đầu năm 2018, Mỹ có thể được miễn trừ khỏi mọi các nghĩa vụ pháp lí quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu.
Khi đó, Mỹ sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới không công nhận Công ước này. Tuy nhiên, ông Klaus Dingwerth cũng cho rằng, nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của một Tổng thống Mỹ cũng như vị thế quốc gia này trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu./.