Bộ Y tế cho biết, vaccine 5 trong 1 được lựa chọn để thay thế vaccine Quanvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng có tên thương mại là vaccine ComBe Five do Ấn Độ sản xuất. Vaccine này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5-2017.
Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh cho biết, vaccine Combe Five này có thành phần tương tự như vaccine Quinvaxem có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, go gà, uốn ván, viên gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới. Vaccine được lưu hành tại Ấn Độ năm 2010 do công ty Biological E sản xuất.
Tại Ấn Độ, vaccine được sử dụng trên năm năm với 130 triệu liều đã được sử dụng cho TCMR và hơn một triệu liều cho tiêm chủng dịch vụ từ năm 2011 đến nay. Vaccine này đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.
Vaccine ComBe Five có dạng trình bày tương tự như vaccine Quinvaxem, được đóng một liều/lọ và lọ vaccine có gắn chỉ thị nhiệt độ để giám sát việc tiếp xúc với nhiệt độ của từng lọ vaccine trong quá trình bảo quản, vận chuyển trước khi sử dụng.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, tính an toàn và hiệu quả vaccine ComBe Five tương tự như các vaccine 5 trong 1 có cùng thành phần. Kết quả sử dụng vaccine ComBe Five tại thực địa bốn huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016 ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vaccine, bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%, sốt tỷ lệ 34-39%, không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm chủng.
Dự kiến việc chuyển đổi sử dụng vaccine ComBe Five sẽ được triển khai trên toàn quốc trong tháng 6 và tháng 7-2018. Trước khi triển khai trên toàn quốc, dự án tiêm chủng mở rộng vaccine này sẽ triển khai trước tại bốn tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp để có thêm kinh nghiệm về triển khai trên diện rộng tại hơn 11 nghìn điểm tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay vaccine Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng cho trẻ dưới một tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho tới khi được thay thế bằng vaccine mới để bảo đảm trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Lịch tiêm chủng vaccine mới này không thay đổi, trẻ em dưới một tuổi cần được tiêm đủ ba mũi vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Trẻ em được tiêm một hoặc hai mũi vaccine Quinvaxem sẽ tiếp tục sử dụng vaccine ComBe Five cho các mũi tiêm tiếp theo. “Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”, ông Đặng Đức Anh nói.
Năm 2018, Bộ Y tế cũng đưa vaccine bại liệt tiêm IPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo WHO, những quốc gia đang sử dụng vaccine bại liệt uống bOPV thì cần sử dụng thêm một liều vaccine bại liệt tiêm cho trẻ dưới một tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Vaccine bại liệt tiêm là vaccine bất hoạt, chứa các tuýp virus bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vaccine tiêm. Tiêm một mũi vaccine IPV có chứa cả ba tuýp kháng nguyên bại liệt tuýp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch đối với tuýp 1 và tuýp 3, đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với tuýp 2 cho trẻ sử dụng ba liều bOPV. Vaccine IPV sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vaccine của hãng Sanofik, Pháp sản xuất.
Vaccine này đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vaccine do tổ chức Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Vaccine bại liệt tiêm sẽ được triển khai quy mô nhỏ tại bốn tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Long từ tháng 6-2018. Từ tháng 8-2018, trẻ sẽ được tiêm một mũi vaccine IPV lúc năm tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.