Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển chế biến lâm sản trái phép, hàng trăm ngàn hecta rừng bị “chảy máu” dưới bàn tay tàn phá của con người. Và hệ lụy nhìn thấy rất rõ khi tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét gia tăng ở miền núi, ngập lụt ở vùng thấp diễn biến phức tạp. Đã đến lúc cần hệ thống luật pháp đủ mạnh để giữ rừng.
Để nâng cao hiệu quả tái phân bổ đất lâm nghiệp: Cần chính sách mới
Hàng chục hecta rừng của An Lão bị phá tan hoang.
Cây gỗ chứ không phải cây kim
Tình trạng phá rừng thời gian qua diễn biến vô cùng phức tạp với nhiều “điểm nóng” được phát hiện, nóng tới nỗi người đứng đầu Chính phủ phải tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng.
Vụ việc hơn 43ha rừng tự nhiên của huyện An Lão (Bình Định) “bỗng nhiên” bị tàn phá tan hoang khiến dư luận không khỏi bức xúc. Theo đó, sự việc được phát hiện vào ngày 1/9/2017 khi lực lượng kiểm lâm huyện An Lão đang tuần tra tại tiểu khu 1, xã An Hưng thì phát hiện 43ha rừng bị phá trắng. Đây là diện tích rừng tự nhiên đang ở trạng thái phục hồi sau nương rẫy, thuộc quản lý của UBND xã An Hưng. Trong diện tích rừng bị phá có một phần nhỏ là rừng phòng hộ, còn lại là đất rừng quy hoạch làm rừng sản xuất. Rừng bị phá có cây đứng đường kính khoảng 10-15cm.
Vấn đề đặt ra là, diện tích rừng bị phá quá lớn cho thấy việc đốn hạ phải diễn ra trong thời gian dài, tại sao chủ rừng, kiểm lâm hoặc các cơ quan chức năng khác không phát hiện và ngăn chặn.
Lý giải việc này, lãnh đạo huyện An Lão cho rằng, do đường từ An Lão vào khu rừng bị phá khó đi, các lực lượng chức năng không phát hiện được. “Địa bàn rộng, phức tạp, xã An Hưng có 3.000ha rừng nhưng chỉ có một cán bộ lâm nghiệp bán chuyên trách, nên vụ phá rừng được phát hiện chậm, dẫn đến diện tích bị phá lớn và công tác chốt chặn không kịp thời”, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, lý giải.
Vụ án được khởi tố ngay sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Định đã bắt tạm giam hai nghi phạm tổ chức phá diện tích rừng nêu trên. Sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố thêm năm bị can về tội “hủy hoại rừng”, gồm bị can Lê Hồng Đức (40 tuổi, ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người đứng ra thuê một số nhân công và tổ chức phá rừng ở tiểu khu 1 rừng xã An Hưng; bốn đối tượng Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ (đều trú tại xã Hoài Sơn) bị khởi tố về hành vi “hủy hoại rừng”, nhưng cho tại ngoại, chỉ áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Một phó chủ tịch UBND huyện An Lão bị đề nghị khiển trách về Đảng; đồng thời quyết định kỷ luật khiển trách Đảng với Ban Thường vụ Đảng ủy xã An Hưng, cảnh cáo cấp ủy Hạt Kiểm lâm huyện An Lão và kỷ luật khiển trách, cảnh cáo về Đảng 7 cá nhân ở xã An Hưng, Hạt Kiểm lâm An Lão. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cũng kỷ luật 7 kiểm lâm viên.
Cũng trên địa bàn tỉnh Bình Định, đầu tháng 9/2017, lực lượng chức năng huyện Hoài Ân kiểm tra, phát hiện tại tiểu khu được quy hoạch là rừng phòng hộ tại tiểu khu 108 (xã Đắk Mang) có khoảng 20ha rừng bị phát dọn sạch, nghi lấy đất để trồng keo lai. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân Nguyễn Văn Hòa, kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn tỉnh Bình Định cho thấy, diện tích đất rừng bị thiệt hại trong vụ phá rừng này hơn 21ha, trong đó đất có rừng gần 20ha.
Từ năm 2011-2017, cơ quan chức năng Quảng Nam đã phát hiện, lập biên bản 54 vụ hủy hoại rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước với hơn 120ha rừng bị tàn phá.
Kiểm lâm kiểm đếm số gỗ bị phá.
Theo ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, xã Tiên Lãnh có hơn 7.000ha rừng tự nhiên, trong đó rừng phòng hộ hơn 2.500ha. Từ năm 2011-2016, Hạt Kiểm lâm đã phát hiện, lập biên bản 44 vụ về hành vi phá rừng phòng hộ với diện tích 63ha, rừng sản xuất 36ha. Đã xử lý 29 vụ (khởi tố điều tra 11 vụ). Riêng trong năm 2017 phát hiện lập biên bản 10 vụ với hơn 24ha. Vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam một đối tượng phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 556 (xã Tiên Lãnh).
Nguyên nhân dẫn đến những vụ phá rừng trên là do lực lượng kiểm lâm quản lý địa bàn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.
Đây mới chỉ là hai trong số nhiều “điểm nóng” về tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian qua. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. Nghịch lý là, nhiều vụ việc dường như diễn ra ngay trước mắt chính quyền địa phương, ngành chức năng nhưng “không ai biết”, chỉ đến khi báo chí phanh phui mới vào cuộc kiểm tra. Tình hình phức tạp đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đặt câu hỏi trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ về quản lý rừng: “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết những chuyện đó. Vì vậy, tại hội nghị này, vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong quản lý bảo vệ rừng phải được đặt ra, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chế tài thế nào, mạnh mẽ ra sao, kịp thời ra sao cần đặt ra”.
Thủ tướng cũng chỉ rõ một trong những “thủ phạm” phá rừng nhiều nhất là thủy điện. “Những công trình thủy điện nhỏ nhưng lại phá rừng rất lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại chưa được bao nhiêu. Phải dứt khoát chuyện này để phát triển thủy điện nhỏ có mức độ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Quy trách nhiệm quản lý nhà nước
Nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý rừng bền vững, cần có một hệ thống chính sách đủ mạnh để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Từ thực tế ở địa phương, để bảo vệ rừng hiệu quả, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, cho rằng, cần có cơ chế, chính sách trả lương thỏa đáng cho lực lượng bảo vệ rừng. Ông Lâm cho biết, thời gian qua, Nghệ An đã xử lý 5 vụ phá rừng nghiêm trọng dưới hai hình thức khai thác trái phép lâm sản và chuyển đổi đất rừng sai mục đích, trong đó đã khởi tố 4 vụ án, 1 vụ đã được đưa ra xét xử. Theo ông Lâm, do tuyến biên giới dài, giao thông thuận lợi nên việc bảo vệ rừng cực kỳ khó khăn, tuy nhiên từ năm 2016 đến năm 2017, lực lượng bảo vệ rừng ở Nghệ An không được một đồng ngân sách nào để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. “Vừa rồi, chúng tôi xin tỉnh tạm ứng hơn 2,3 tỉ đồng để trả lương cho cán bộ bảo vệ rừng nhưng số tiền này cũng chỉ đủ tiền ăn”, ông Lâm nêu một thực tế.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều vấn đề trong dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng được đề cập đến trong phiên thảo luận. ĐB Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) - Gia Lai dẫn chứng, hiện nay mỗi năm cả nước xảy ra 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển chế biến lâm sản trái phép, hàng loạt những công trình thủy điện lớn, nhỏ, trải dài theo những khe suối, con sông... Không những rừng bị tàn phá nặng nề mà đến đất rừng cũng bị đào bới mang đi. Đại biểu Phước Hà đề nghị chấm dứt việc cấp phép xây các công trình thủy điện, đồng thời phải quy trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp. “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực địa bàn mình quản lý hoặc để các tổ chức, cá nhân, cấp dưới vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng”, ông Hà nói.
Cho rằng việc phá rừng diễn ra nhiều nơi là do tổ chức và cá nhân thiếu trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị dự luật phải quy định chặt chẽ điều này, trong đó chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải xin ý kiến nhân dân.
Một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung các quy định rõ hơn về quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, giao rừng.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Muốn cho rừng phát triển bền vững thì những chủ thể rừng phải được quyền tối đa như luật pháp quy định, kể cả trong đầu tư, trong kêu gọi huy động xã hội, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, cần có một lực lượng chấp pháp đủ mạnh, khắc phục được những khuyết điểm hiện nay.
Về việc quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cũng sẽ tiếp thu nghiên cứu để bổ sung quy định về đóng cửa rừng tự nhiên, tăng khả năng hấp thụ các bon, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, khuyến khích sản xuất nông lâm kết hợp và phát triển lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây dược liệu để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng.
Về quỹ dịch vụ môi trường rừng, hiện nay, 41 tỉnh đã thành lập quỹ này. Trong 5 năm qua, tổng số tiền thu được 6.510 tỷ đồng, bình quân 1 năm thu được 1.300 tỷ đồng, đã chi trả cho 500.000 hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân bảo vệ rừng với diện tích 5,87 triệu héc ta rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc. “Do đó, quỹ này đang hoạt động rất tốt, chúng tôi tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện làm sao quỹ này hoạt động tốt hơn, thực hiện phương châm xã hội hóa nội dung này”, ông Cường khẳng định.
Khánh Nguyên
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.