Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 2 năm 2019 | 13:0

Vấn đề nóng thế giới tại Hội nghị An ninh Munich 2019

Sự kiện an ninh này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu. Hội nghị đã đề cập nhiều vấn đề nóng toàn cầu.

Hội nghị An ninh Munich 2019 có sự góp mặt của 35 nguyên thủ quốc gia, 50 ngoại trưởng, 30 bộ trưởng quốc phòng và nhiều tổ chức quốc tế. Với hàng trăm cuộc thảo luận, hội nghị đã bàn về các vấn đề từ cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, tương lai của Liên minh châu Âu, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đến tương lai của kiểm soát vũ khí và chính sách quốc phòng, sự giao thoa giữa thương mại và an ninh quốc tế…

 

van de nong the gioi tai hoi nghi an ninh munich 2019 hinh 1
Khung cảnh bên trong Hội nghị An ninh Munich 2019. Ảnh: securityconference.de.

 

Các vấn đề nóng toàn cầu

Hội nghị An ninh Munich khai mạc cuối tuần qua và với đúng truyền thống của một Hội nghị an ninh được xem là uy tín nhất thế giới, hàng loạt các chủ đề quan trọng của quan hệ quốc tế đã được bàn thảo. Nổi bật là các chủ đề về chống khủng bố khi Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence có bài phát biểu nói về việc đánh bại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS và về chiến lược rút quân Mỹ khỏi Syria. Tiếp đến là chủ đề về hồ sơ hạt nhân Iran, khi Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif lên tiếng kêu gọi châu Âu hành động nhiều hơn để cứu vãn thoả thuận này, đồng thời cảnh báo là nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Iran và Israel hiện đang rất cao.

Trong lúc đó thì Mỹ lại kêu gọi các nước châu Âu rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran cùng Mỹ. Một chủ đề khác cũng rất được chú ý là về việc giải trừ quân bị, khi các lãnh đạo châu Âu, mà cụ thể là Thủ tướng nước Đức chủ nhà là bà Angela Merkel kêu gọi các nước thực thi các cam kết giải trừ quân bị và kiểm soát việc chạy đua vũ trang, đặc biệt trong bối cảnh mới đây Mỹ rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung-INF với Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều chủ đề lớn khác đã được bàn thảo, như cuộc khủng hoảng tại Venezuela hay quan hệ giữa Nga với phương Tây, rồi vai trò và đóng góp của Trung Quốc với an ninh thế giới...

Về tổng thể, có thể nói là Hội nghị An ninh Munich năm nay đề cập đến hầu như tất cả các vấn đề nóng nhất của an ninh thế giới, tại cả các phiên thảo luận chính thức lẫn các cuộc gặp và phát ngôn bên lề. Đây thực sự là một cuộc gặp gỡ, đối thoại an ninh thường niên rất chất lượng, với sự góp mặt của những lãnh đạo của nhiều cường quốc trên thế giới.

Căng thẳng Mỹ-châu Âu

Tại Hội nghị An ninh Munich năm nay, phái đoàn Mỹ tham dự với số lượng đông đảo và được xem là một trong các phái đoàn lớn nhất mà Mỹ cử đến Munich, dẫn đầu là Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan. Điều này cho thấy là phía Mỹ muốn gửi đi rất nhiều thông điệp tại Hội nghị An ninh Munich, trong đó có các thông điệp về mối quan hệ đồng minh truyền thống với châu Âu.

Tuy nhiên, cuối tuần qua thì mối quan hệ này tiếp tục chứng kiến rất nhiều căng thẳng. Một ngày trước khi đến Munich, phát biểu tại Warsaw khi thăm Ba Lan, ông Mike Pence đã lớn tiếng chỉ trích Anh, Pháp, Đức là phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Tại Munich, trong bài phát biểu khai mạc, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích rất mạnh các chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump, từ vấn đề hạt nhân Iran, việc Mỹ rút quân khỏi Syria hay rút khỏi Hiệp ước INF ký với Nga năm 1987. Bà Merkel cho rằng việc Mỹ đơn phương hành động trong các hồ sơ này mà không có tham khảo quan điểm từ phía châu Âu, dù châu Âu là bên chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp, như trong vấn đề Hiệp ước INF, là “tin tức vô cùng xấu”. Ngoài ra, bà Merkel còn chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump coi ngành công nghiệp ô tô châu Âu là mối đe doạ với an ninh quốc gia Mỹ là điều khó chấp nhận.

Điều đáng nói là ngay sau bài phát biểu của bà Merkel, thì Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã ngay lập tức tuyên bố rằng “đã đến lúc các nước châu Âu rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran”. Đồng thời, ông Mike Pence cũng kêu gọi châu Âu hành động giống Mỹ trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela hiện nay là coi Tổng thống tự phong Guaido là lãnh đạo của Venezuela, dù nhiều lãnh đạo châu Âu có mặt tại Hội nghị, như Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell, cho rằng cần phải chờ đợi cuộc bầu cử mới theo đúng Hiến pháp Venezuela.

Một ví dụ bất đồng khác giữa Mỹ là châu Âu là chuyện Mỹ rút quân khỏi Syria. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố ông không hiểu được quyết định của Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi Syria trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan lại kêu gọi các đồng minh châu Âu tiếp tục giữ quân ở lại nước này. Hay trong chủ đề Mỹ đang kêu gọi các nước đồng minh tẩy chay tập đoàn Huawei của Trung Quốc, phía châu Âu cũng tuyên bố họ không muốn bị Mỹ gây sức ép và buộc phải hành động theo Mỹ một khi chưa có các thảo luận nghiêm túc trong nội bộ.

Có thể nói, tại Hội nghị Munich năm nay thì quan hệ đồng minh Mỹ-châu Âu không chỉ chưa thể hàn gắn như trước mà còn tiếp tục bị chia rẽ mạnh hơn vì các bất đồng.

Giúp tránh đối đầu trực diện

Hội nghị An ninh Munich ra đời năm 1963, ban đầu được xem là diễn đàn đối thoại an ninh quan trọng nhất đối với mối quan hệ châu Âu-Mỹ, tiếp đó thì mở rộng ra nhiều chủ đề an ninh lớn khác trên toàn cầu. Đây là Hội nghị quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chiến lược và các chính trị gia. Vì thế, đây trước hết là không gian đối thoại về an ninh toàn cầu, về trật tự thế giới, chứ không phải là nơi đưa ra chính sách, và vì vậy thì cũng khó có thể nói là dư luận có thể trông đợi hay kỳ vọng vào một điều gì cụ thể từ Hội nghị an ninh này.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Hội nghị An ninh Munich 2019 không có ảnh hưởng quan trọng, mà ngược lại, là rất quan trọng. Hiện tại thì giới nghiên cứu quan hệ quốc tế hầu hết đều có chung nhận định rằng thế giới đang sống trong một giai đoạn rất bất ổn, khi trật tự thế giới cũ được dựng nên từ sau Thế chiến II đang có dấu hiệu tan rã và nhiều nhân tố mới xuất hiện làm phức tạp bức tranh an ninh toàn cầu. Đây là giai đoạn mà nhiều nhà nghiên cứu tại châu Âu hay so sánh với thời điểm giữa hai cuộc Thế chiến I và II, tức là có nhiều mâu thuẫn khó lường trong quan hệ quốc tế, từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc đến tham vọng tập hợp lực lượng và xây dựng một trật tự thế giới mới. Bên cạnh đó là các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, chiến tranh mạng…

Vì thế, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều biến động lớn như hiện nay thì việc đối thoại giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng, nhằm tránh các rủi ro đối đầu trực diện. Và đó là điều mà Hội nghị An ninh Munich đã làm được./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top