Bước vào ngày thứ 14 của lệnh phong tỏa toàn quốc, Italy vẫn ghi nhận hàng trăm ca tử vong và hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày.
Khi một số nước châu Âu mới bắt đầu đưa ra các biện pháp “giãn cách xã hội” còn nước Anh thì vẫn chần chừ thực thi các biện pháp tương tự, thì họ đang nhìn vào lệnh phong tỏa toàn quốc của Italy để đo lường xem một quốc gia dân chủ có thể đi được bao xa trong việc hạn chế sự tự do của công dân khi đối phó với một tình huống y tế khẩn cấp.
Italy vắng tanh sau khi lệnh phong tỏa được áp đặt cách đây gần 2 tuần. Ảnh: Sky news |
Italy bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa trên cả nước từ ngày 9/3, nhưng sau gần 2 tuần, biện pháp này dường như chưa thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 19/ đánh dấu số ca tử vong do Covid-19 ở Italy đã vượt Trung Quốc – nơi đầu tiên dịch bệnh bùng phát và cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh này.
Khi số ca mắc mới không ngừng gia tăng, chính phủ đã gia hạn lệnh tự cách ly, kéo dài hơn so với thời điểm kết thúc vào ngày 3/4 như dự kiến ban đầu, đồng thời siết chặt hơn nữa các biện pháp cách ly để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ý thức tự giãn cách và những cách hiểu về “sự hạn chế”
“Thật không may, số ca mới mắc bệnh không có chiều hướng giảm. Rất nhanh chóng, chúng ta sẽ không còn khả năng hỗ trợ những người mắc bệnh”, Attilio Fontana, Chủ tịch vùng Lombardy nói với truyền thông Italy.
Ông Fotana nói thêm rằng chính phủ sẽ phải “thay đổi biện pháp vì nếu thông điệp không được hiểu rõ, thì chúng ta sẽ cần phải cứng rắn hơn nữa”.
Các nước dân chủ đã hy vọng người dân sẽ tình nguyện tuân thủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 để tránh phải thực hiện các biện pháp “hà khắc” như Trung Quốc đã từng làm.
Italy đã thông qua các biện pháp chưa từng thấy trong thời bình để ngăn chặn sự lây lan tồi tệ nhất ở châu Âu, và cũng thử thách những hạn chế của nền dân chủ ở thế giới phương Tây.
Hiện Italy đang xem xét siết chặt hơn các biện pháp phong tỏa, trong đó có cả việc triển khai quân đội trong bối cảnh, ước tính có tới 40% cư dân Lombardy đang không tuân thủ chặt chẽ các biện pháp mà chính phủ đề ra.
Andrea Cavaliere, Chủ tịch Phòng tội phạm hình sự ở Brescia nói rằng, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để đảm bảo quyền lợi của sức khỏe cộng đồng sẽ được đề cao hơn quyền tự do đi lại.
“Mọi hoạt động không cần thiết có thể bị cấm. Điều này là vì chúng ta không tôn trọng các quy định của sự hạn chế”, Cavaliere nói với The Independent.
Ngay sau khi chính phủ tuyên bố cấm đi lại bên ngoài nếu không có “lý do hợp lệ”, nhiều người đặt câu hỏi “sự hạn chế” nên được hiểu như thế nào.
Một số người thắc mắc liệu họ có thể vẫn ra ngoài đi dạo hoặc đi đổ rác, trong khi nhiều người phân vân liệu việc đi ra ngoài thể dục có được xem là cần thiết hay không.
Quy định có nêu 4 trường hợp ngoại lệ: đi ra ngoài nếu cung cấp các dịch vụ tuyệt đối cần thiết; đi mua các nhu yếu phẩm; vì lý do y tế; đi trở về nơi cư trú của mình.
Tuy nhiên, nó vẫn để lại một sự khó hiểu. Giới chức sau đó đã giải thích rõ rằng, các hoạt động thiết yếu bao gồm cả việc phân phát thực phẩm cho những người không thể tự phục vụ và đi siêu thị. Đi dạo hay đi bộ thể dục – nếu đi một mình và giữ khoảng cách an toàn với những người khác – là được phép.
Vẫn cố ý vi phạm
Khi ra ngoài, tất cả các công dân phải mang một tờ khai chi tiết về mục đích hoạt động của mình, Những người vi phạm có thể bị phạt 3 tháng tù giam hoặc phạt tiền lên tới 206 euro.
“Nếu chúng ta không tuân thủ những quy tắc này, chúng ta có thể bị coi là vi phạm hình sự”, Marco Micheli, một luật sư trong nhóm Palmer Legal ở Bologna nói với The Independent. Không giống như những tội nhẹ có thể giải quyết bằng việc nộp phạt tài chính, hành động vi phạm ở đây có thể sẽ bị truy tố.
Theo Bộ Nội vụ, hiện giới chức Italy đã tiến hành cáo buộc đối với hơn 40.000 người vi phạm lệnh phong tỏa.
Ở Milan, 5 thanh niên khoảng 20 tuổi bị phát hiện “đang chờ một người bạn”, không tuân thủ việc “giãn cách xã hội” và đã bị cáo buộc vi phạm điều 650 trong bộ luật hình sự vì không tôn trọng sắc lệnh của chính phủ.
Khai không đúng sự thật với cảnh sát – ví dụ như nói dối là đi tới cửa hàng thực phẩm dù đang ở cách xa địa chỉ cư trú của mình - cũng có thể bị phạt tới 2 năm tù giam.
Ở Aosta, tây bắc Italy, giới chức đang tiến hành điều tra một người đàn ông “cố ý làm lây lan dịch bệnh” vì ông này đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ trong khi có các triệu chứng mắc Covid-19. Người này sau đó có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và sẽ phải đối mặt với các các buộc hình sự về việc làm lây lan virus.
Bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ, giới chức lo ngại các biện pháp kể trên sẽ không có hiệu quả trong việc đem lại kết quả mà họ kỳ vọng. Thủ tướng Giuseppe Conte nói rằng, hiệu quả của lệnh phong tỏa là có thể nhận thấy được khoảng 2 tuần kể từ khi bắt đầu áp dụng bởi những người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày.
Tuy nhiên, tính đến ngày 23/3 người dân Italy đã bước vào ngày thứ 14 của lệnh phong tỏa toàn quốc, và các kết quả lại đang không như mong muốn khi trung bình có tới hơn 3.000 ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày trong tuần vừa qua.
Các dữ liệu ẩn danh về địa điểm người dùng điện thoại do Vodafne và TIM – 2 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu ở Italy cung cấp cho biết, khoảng 40% cư dân ở miền bắc Lombardy vẫn di chuyển xung quanh khu vực họ sống.
Thông tin này được Phó Chủ tịch Lombardy Fabrizio Sala tuyên bố, dù nó dấy lên lo ngại về quyền riêng tư.
Với các dữ liệu này, chính phủ Italy đang cân nhắc các biệp pháp mới để ngăn chặn dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese, quân đội có thể sử dụng vũ lực. Trong thời gian tới, Italy có thể sẽ cân nhắc tới các biện pháp cứng rắn hơn nữa như: mỗi hộ gia đình chỉ có 1 người được ra ngoài mua các nhu yếu phẩm, hoặc ban hành lệnh cấm các hoạt động thể chất ngoài trời.
Theo The Independent/VOV
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…