Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 9 năm 2022 | 14:9

Việt Nam - Đan Mạch hợp tác phát triển nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững

Nhờ không ngừng đầu tư thiết bị và giải pháp sản xuất mới, Đan Mạch sản xuất lượng lương thực nhiều hơn 3 lần nhưng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại thấp nhất châu Âu.

Trong khuôn khổ hợp tác, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Đan Mạch và áp dụng trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp hiện chiếm 2,5% tổng lao động Đan Mạch nhưng 63% diện tích bề mặt của nước này dùng cho sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do nông dân Đan Mạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học, qua đó giảm được nhân lực cần sử dụng dù vẫn duy trì năng suất.

Thậm chí, để trở thành nông dân hợp cách tại Đan Mạch,sẽ phải mất 4,5 năm để học hỏi các kỹ năng, công nghệ cũng như thực hành ở những trang trại tư nhân trước khi được cấp phép hành nghề.

 

01.jpg
Nhờ chiến lược nông nghiệp công nghệ cao, dự tính vào năm 2050, Đan Mạch có thể sản xuất nhiều hơn 45% lượng thực phẩm nhưng lại dùng ít đi 450.000ha đất canh tác.

 

Tại Đan Mạch, các nhà khởi nghiệp tìm thấy tương lai phát triển trong thịt và sữa, hàng loạt những kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất và ứng dụng cho nông nghiệp được ra đời. Không riêng gì các startup, những tập đoàn lớn nơi đây cũng đầu tư mạnh cho nông nghiệp như Danish Crown, Arla, Rose Poultry…

Ông Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch, cho biết: “Trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn”.

Hiện, sản lượng lương thực của Đan Mạch nhiều hơn gấp 3 lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Trong khi đó, tại COP26, Thủ tướng chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính net zero vào năm 2050. Theo nghiên cứu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEC), sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực gây phát thải CO2 tại Việt Nam, sau năng lượng và sản xuất công nghiệp.

Theo thống kê của Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch,   năm 2020, nước này sản xuất 9,6 triệu tấn ngũ cốc, 5,7 triệu tấn sữa, 132.300 tấn thịt bò, 1,96 triệu tấn thịt lợn, 166.900 tấn thịt gia cầm. Trong đó, lượng thuốc trừ sâu sử dụng giảm 53% so với năm 2010. Số lượng heo con/nái/năm tăng 52% từ năm 1995. Trung bình, một heo nái Đan Mạch sinh ra 33 heo con mỗi năm. Từ năm 1995, sản lượng sữa bò cũng tăng 46% với trung bình một con bò sữa sản xuất ra 10.132 kg sữa/năm vào năm 2020.

Đan Mạch cũng là nước đầu tiên được EU cấp chứng nhận đặc biệt đảm bảo về khuẩn salmonella trong thịt gà không nhiễm khuẩn. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn của gà cũng rất thấp, chỉ vào khoảng 1,4 – 1,5 kg thức ăn/kg thịt.

Xây dựng chuỗi giá trị thịt lợn

Ông Troels Vensild, Trưởng Bộ phận hợp tác quốc tế (Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch), cho biết, các công ty Đan Mạch là một trong những nhà sản xuất thực phẩm bền vững nhất thế giới. Hợp tác đối tác công tư là truyền thống hợp tác chặt chẽ lâu đời giữa các doanh nghiệp, học viện, viện nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn tại Đan Mạch.

“Hợp tác đối tác quan trọng với khu vực tư nhân trong các vai trò khác nhau, các công ty tư nhân Đan Mạch là chuyên gia trong việc tối ưu hóa các nguồn lực trong chuỗi sản xuất. Về phía các cơ quan nhà nước, có trách nhiệm xây dựng hệ thống tổ chức nhà nước gắn kết, luật pháp đầy đủ, hệ thống giám sát và thanh kiểm tra hiệu quả”, ông Troels Vensild chia sẻ.

Theo bà Sanne Høj Andrén, Tham tán về Nông nghiệp – Thực phẩm, Đại sứ quán Đan Mạch, năm 2015, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Chương trình “Hợp tác chiến lược ngành về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn” (SSC) do Đan Mạch khởi xướng. Đến nay, SSC đã thu hút sự tham gia của 18 quốc gia, 21 cơ quan nhà nước Đan Mạch, hiện đang thực hiện 40 dự án.

Chương trình SSC tại Việt Nam giai đoạn 1 từ tháng 2/2017 đến tháng 12/2019, đã hỗ trợ Cục Chăn nuôi xây dựng được dự thảo chương mới về quản lý thức ăn chăn nuôi cấp trang trại trong Luật Chăn Nuôi; Cục Thú y đã xây dựng dự thảo Thông tư mới về việc kê đơn thuốc thú y. Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2023, với các kết quả chính: Thông tư về việc kê đơn Thuốc Thú y được ban hành ngày 9/11/2020; Dự thảo Hướng dẫn thanh tra nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; Thông tư về truy xuất và thu hồi được ban hành ngày 20/12/2021. Dự kiến giai đoạn 3 sẽ triển khai trong các năm 2024 – 2026, đề ra các nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng nghị định và thông tư luật và thi hành trong lĩnh vực thuốc thú y; Thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia mới về Chống Kháng thuốc; Truy xuất trong chuỗi giá trị thịt lợn…

 

02.jpg
Bà Sanne Høj Andrén, Tham tán về Nông nghiệp - Thực phẩm, Đại sứ quán Đan Mạch chia sẻ về Hợp tác Lĩnh vực Chiến lược (SSC) về An toàn Thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt heo.

 

Sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng về đổi mới công nghệ

Tại Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững” trung tuần tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Chương trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm từ nhiều năm qua luôn có ý nghĩa quan trọng đối với sự thay đổi và phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Đan Mạch và áp dụng trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao”, ông Tiến nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của đoàn 13 doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm. Coi đây là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam và Đan Mạch, nhằm khôi phục mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

“Hội thảo lần này sẽ tạo ra một diễn đàn kết nối và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ giữa các nhà hoạch định chính sách và quản lý ngành cũng như các doanh nhân Đan Mạch và Việt Nam. Sau hội thảo, các doanh nghiệp gặp gỡ và làm việc chuyên sâu giữa doanh nghiệp hai nước, hứa hẹn nhiều sự hợp tác lâu dài, bền vững, thiết thực và hiệu quả, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới công nghệ trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Đoàn 13 doanh nghiệp Đan Mạch đến Việt Nam là các doanh nghiệp  đi đầu trong các lĩnh vực về giải pháp chăn nuôi và sản xuất thực phẩm; công nghệ chế biến thực phẩm cũng như nguyên liệu và giải pháp điều tiết nhiệt độ. Đây là những lĩnh vực quan trọng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm theo hướng hiệu quả cao, xanh và bền vững. Các doanh nghiệp của Đan Mạch đã chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các giải pháp hàng đầu thế giới đã được kiểm chứng của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp  Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Troels Jakobsen tin tưởng rằng: “Ngày nay, Đan Mạch sản xuất lượng lương thực nhiều hơn 3 lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, nhưng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại thấp nhất châu Âu. Các doanh nghiệp và chuyên gia Đan Mạch rất sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng về đổi mới công nghệ với các đối tác Việt Nam, cũng như cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh hiệu quả, bền vững”, ông Troels Jakobsen tin tưởng.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục là một quốc gia đối tác quan trọng của chính phủ Đan Mạch trong hợp tác về các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, sức khỏe, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.

 

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top