Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, cần phải liên kết doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu.
Lúa gạo là mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có chủ trương thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” trên tất cả các loại cây trồng, đặc biệt là các cây kinh tế chủ lực mà quan trọng nhất là cây lúa. Mục đích của chương trình là tập hợp những nông dân có diện tích đất nhỏ liên kết lại với nhau để hình thành những cánh đồng lớn nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất ra lượng hàng hóa lớn chất lượng cao để cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo quốc tế “Phát triển nông nghiệp bền vững trong hội nhập ASEAN” tổ chức tại Hà Nội ngày 15-16/9, đại diện Tập đoàn Lộc trời đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng quan hệ doanh nghiệp – nông dân để phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị
Hưởng ứng chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn do nhà nước phát động vào đầu năm 2011, Tập đoàn Lộc trời đã tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trên qui mô lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu long. Trên cở sở các chủ trương chính sách của nhà nước, thu thập các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện có, xây dựng các nhà máy, hợp tác với nông dân để sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị.
Nông dân được đầu tư trọn gói ứng trước vật tư đầu vào không tính lãi xuất ngân hàng, chuyển giao khoa học kỹ thuật bởi lực lượng “3 cùng” và sản phẩm hạt lúa làm ra được thu mua toàn bộ bởi Tập đoàn. Vị thế của người nông dân được nâng lên vì có quyền quyết định bán lúa lúc nào và với giá nào. Tập đoàn đã có được sản phẩm gạo ổn định, an toàn, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu . Kinh doanh lương thực đã có lợi nhuận và Tập đoàn đã xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp là Hạt Ngọc Trời cho gạo nội địa và VB Rice cho gạo xuất khẩu góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt nam.
Từ năm 2010 trở về trước, một số mô hình liên kết trong trồng lúa mang tính tự phát đã hình thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những cánh đồng mô hình có diện tích từ 2-3 ha đến hàng trăm ha được hình thành với các tên gọi khác nhau như: Cánh đồng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng 1 giống”, “cánh đồng hiện đại”, “cánh đồng lúa chất lượng cao”, “cánh đồng lúa thâm canh theo VIETGAP”, trong đó Tập đoàn Lộc Trời có mô hình với tên gọi “cánh đồng liên kết 4 nhà”.
Theo mô hình của Tập đoàn Lộc trời, doanh nghiệp cung cấp vật tư cho nông dân ở cánh đồng lớn trong vòng 120 ngày không tính lãi suất ngân hàng bao gồm hạt giống lúa cấp xác nhận , phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về nhà máy miễn phí, sấy lúa miễn phí, cho lưu kho lúa khô sau khi sấy trong 30 ngày không tính phí lưu kho. Tập huấn kỹ thuật trong tất cả các khâu canh tác thông qua lực lượng “3 cùng” tại chỗ.
Hướng dẫn cách ghi chép “Sổ nhật ký đồng ruộng”, xử lý số liệu để hạch toán kinh tế. Ngoài ra những thông tin về thị trường lúa gạo trong nước, khu vực và quốc tế cũng được lực lượng “3 cùng” cung cấp cho nông dân. Số liệu trung bình về giá lúa thị trường vùng ĐBSCL được niêm yết công khai hàng ngày tại mỗi nhà máy.
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tích cực phục vụ xuất khẩu |
Gắn kết trách nhiệm
Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Lộc trời tìm hiểu, cập nhật những chính sách mới của nhà nước, những chính sách liên quan đến sự hổ trợ của nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để vận dụng trong quá trình hoạt động của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng xây dựng mối quan hệ với các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh.
Tập đoàn đã thành lập một cơ sở nghiên cứu khoa học là Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành tại tỉnh An Giang, chuyên đảm nhận việc điều phối các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, các thành tựu khoa học của các viện, trường trong nước cũng như quốc tế đã được doanh nghiệp thực nghiệm lại trên từng vùng đất cũng như mùa vụ khác nhau để kiểm nghiệm lại kết quả. Sau khi kết luận được hiệu quả thực chất của những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sẽ quyết định mua bản quyền khai thác để phục vụ rộng rãi quảng đại bà con nông dân và kinh doanh.
Liên kết với các doanh nghiệp khác cũng là một trong những chìa khóa tiến tới thành công. PGS. TS. Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DTARC) thuộc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, nhiều công ty trên thế giới mong muốn hợp tác với Tập đoàn để chuyển giao những sản phẩm hữu cơ sinh học về nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng . Các tập đoàn quốc tế lớn về thực phẩm tìm đến để thương lượng mua sản phẩm hạt gạo an toàn. Một ngân hàng nổi tiếng trên thế giới là Standard Charter đã đầu tư vào bằng hình thức mua cổ phiếu để hổ trợ xây dựng cánh đồng lớn với ngân sách 70 triệu USD.
Về phía nông dân, với mảnh đất mà mình đang có quyền sử dụng, nông dân hợp tác với doanh nghiệp để sử dụng đất trồng lúa theo những điều khoản đã ký kết. Nông dân thực hiện các khâu canh tác theo qui trình đã thống nhất từ khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch.
Mỗi nông dân trong mỗi vụ đều được phát “Sổ nhật ký đồng ruộng” để ghi chép đầy đủ các hoạt động theo thời gian suốt vụ. Các thông tin này là cơ sở để truy xuất được nguồn gốc của hạt gạo. Những ghi chép quan trọng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại , đứng lượng , đúng lúc, đúng cách) để đảm bảo hạt gạo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật . Thu hoạch đúng độ chín và vận chuyển về nhà máy ngay sau khi thu hoạch cũng là điều kiện bắt buộc để đảm bảo chất lượng cao của hạt gạo.
Hợp tác hóa nông nghiệp
Trong lịch sử, Việt Nam đã từng tổ chức hợp tác hóa nông nghiệp bắt buộc dẫn đến năng suất lao động thấp và thất bại. Tuy nhiên, hiện nay với nền nông nghiệp tiểu điền, mỗi nông dân cá thể với mảnh đất nhỏ, tự quyết định trồng giống gì và kỹ thuật như thế nào nên sản phẩm làm ra không đồng nhất, khối lượng không lớn, giá trị không cao.
Vì vậy, doanh nghiệp nên vận động nông dân làm ăn tập thể đễ dễ dàng áp dụng đồng loạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Vị thế của nông dân tham gia cánh đồng lớn đang dần thay đổi, không còn lệ thuộc vào thương lái mà có được quyền quyết định bán sản phẩm do mình làm ra vào lúc nào và với giá nào. Doanh nghiệp cũng chủ động có được hạt lúa với khối lượng lớn, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo tính an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.