Bộ Y tế khẳng định nước ta chưa thấy chủng virus cúm mới hay có sự đột biến làm tăng độc tính của các chủng cúm hiện lưu hành.
Bộ Y tế khẳng định nước ta chưa thấy chủng virus cúm mới hay có sự đột biến làm tăng độc tính của các chủng cúm hiện lưu hành.
Ngày 2/2, Bộ Y tế có công văn khẩn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh cúm. Các bệnh viện tổ chức phân luồng khám bệnh; thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm. Các bệnh viện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây chéo; phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng; lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao.
Bộ Y tế cũng lưu ý kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virus, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc. Bệnh nhân cần được phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi diễn biến nặng.
Bệnh cúm dễ trở nặng vào mùa đông. Ảnh: P.N.
Thời tiết mùa đông tạo thuận lợi cho virus cúm phát triển, lây lan. Thời gian gầy đây tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tăng số người đến khám vì cúm, trong đó không ít trường hợp biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị.
Bộ Y tế khẳng định hiện chưa phát hiện chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam. Đây là kết quả giám sát của hai Trung tâm cúm quốc gia đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM.
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hai trung tâm này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng virus cúm, kể cả chủng virus cúm có độc lực cao.
Cúm là bệnh cảnh thông thường, nhiều người mắc. Đa phần người bệnh có thể tự khỏi mà không cần đến bệnh viện. Bệnh hiện thường là hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, đau mỏi người, nếu không có bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày.
Tuy nhiên, cúm về mùa đông thường diễn biến nặng hơn. Không chỉ cúm A(H1N1) đại dịch, cúm gia cầm A(H5N1) mà cúm thường cũng có thể biến chứng nặng.
Một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như: người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính. Ngoài ra, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao... cần phải lưu ý đến bệnh viện để được điều trị và chẩn đoán sớm, tránh những biến chứng.
Để phòng bệnh cúm mùa, các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm văcxin phòng bệnh cúm.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
- Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín.
- Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.
Virus cúm có 3 tuýp là A, B, C, trong đó cúm tuýp A thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus vi có độc lực cao, sự lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Với 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, virus cúm A có thể có nhiều loại phân tuýp cúm (có thể tới 144 loại). Trong một vài năm qua thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, đặc tính của các chủng virus cúm là biến đổi thường xuyên, các gene của virus cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng vi rút cúm đe dọa cho sức khỏe con người. Việt Nam nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ lây lan các chủng virus cúm. |