Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 1 tháng 4 năm 2013 | 1:37

Viết tiếp bài “Dự án Tuần Châu (Hà Nội)": Trách nhiệm của nhà đầu tư ở đâu?

Kinh tế nông thôn số 9, ra ngày 4/3/2012, có bài: “Dự án Tuần Châu (Hà Nội): Thu hồi đất lúa rồi để hoang”, phản ánh việc dự án Khu du lịch và vui chơi giải trí Tuần Châu (gọi tắt là dự án Tuần Châu) do Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội làm chủ đầu tư được khởi công rầm rộ vào tháng 2/2008, nhưng sau gần 5 năm, nhiều nơi vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi nông dân Sài Sơn (Quốc Oai - Hà Nội) lâm vào cảnh mất đất, thất nghiệp...Người dân mất “tư liệu sản xuất”


Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lại, 63 tuổi, ở thôn Đa Phúc (Sài Sơn) tâm sự: “Lúc đầu họ bảo mua đất của chúng tôi với giá 27 triệu đồng/sào thì trả lại đất dịch vụ 10%, dự án sẽ làm đường, điện, cống rãnh. Nhưng khi ký kết, lấy tiền xong thì không thấy đất dịch vụ đâu. Đến bây giờ, dự án lại nói ai nộp 200.000 đồng/m2 thì chỉ được thuê đất 20 năm, ai nộp 600.000 đồng/m2 thì được cấp sổ đỏ. Số tiền đền bù ít ỏi đã tiêu hết, không còn đất để sản xuất, chúng tôi kiếm đâu ra tiền mà nộp”.

Chị Hồng: "Chúng tôi mất ruộng mà việc làm cũng chẳng thấy đâu".



Ông Đào Quang Thắng, chồng bà Lại, đưa cho chúng tôi xem 2 văn bản do Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, kiêm Chủ tịch hội đồng đền bù GPMB dự án này ký. Trong đó ghi rõ, giá đất dịch vụ người dân chỉ phải nộp 200.000 đồng/m2 đất, sau này nếu các chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có tăng thì giá đất dịch vụ vẫn giữ nguyên.

Chị Nguyễn Thị Hồng cũng ở thôn Đa Phúc xót xa: “Cách đây 5 năm, toàn bộ đất của nhà tôi bị thu hồi để thực hiện dự án Tuần Châu. Họ hứa là sau một thời gian ngắn, dự án hoạt động sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhưng bây giờ chúng tôi mất hết ruộng mà việc làm cũng chẳng thấy đâu. Giờ tôi phải mở quán nước kiếm sống”. Nói xong, chị Hồng chỉ tay về cánh đồng ruộng màu mỡ ngày nào giờ là bãi đất hoang với vẻ tiếc nuối.

Không giống như người dân thôn Đa Phúc, gần 2.000 hộ ở hai thôn Thụy Khuê và Phúc Đức (chiếm 70% đất dự án) đến nay vẫn chưa đồng ý “bán” đất. Họ, những người chỉ có duy nhất nghề nông vẫn kiên quyết bám trụ mảnh đất của cha ông. Nhất là khi họ thấy cảnh người dân Đa Phúc đang thất nghiệp, hằng ngày đi đòi quyền lợi sau khi giao đất mà vẫn chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Tất Chúc ở xóm 1, thôn Thụy Khuê được dân làng lựa chọn là người đứng ra để nói lên nguyện vọng chính đáng của người dân trong thôn. Bản thân gia đình ông cũng có đất nằm trong phần thu hồi của dự án Tuần Châu, nhưng ngay từ đầu, ông và nhiều người dân trong 2 thôn không đồng tình “bán” ruộng. “Đất của chúng tôi là đất 2 lúa, bây giờ lại phải bán với giá 54.000 đồng/m2, trong khi nghề nghiệp không có. Mất ruộng thì chúng tôi biết bám vào đâu để sống”, ông Chúc nói.

Ràng buộc pháp lý nhà đầu tư

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Tiến Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết, theo kế hoạch ban đầu, trong hai năm 2011 và 2012, chủ đầu tư sẽ thực hiện xong việc đền bù, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng, thi công cơ sở hạ tầng. Từ năm 2012 đến hết năm 2014, các hạng mục như khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học sẽ được thi công và đến hết năm 2016 thì toàn bộ dự án hoàn thành. Tuy nhiên, sau gần 5 năm, toàn bộ 23ha đất đã được thu hồi vẫn dang dở, nhiều nơi vẫn chỉ là bãi đất hoang. Số diện tích còn lại ở hai thôn Thụy Khuê và Phúc Đức, chủ đầu tư chưa đền bù được nhưng vì nằm trong dự án nên người dân không yên tâm đầu tư sản xuất. “Dự án chậm triển khai khiến một lượng lớn đất nông nghiệp của dân bị lãng phí”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Ông Đào Tiến Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Sài Sơn


Cũng theo ông Tuyến, từ thực tế triển khai dự án Tuần Châu, khi được hỏi về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đa số ý kiến người dân trong xã đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ, khi thu hồi đất, nếu không có đất dịch vụ để bồi thường cho dân thì phải bồi thường bằng tiền mặt theo giá thị trường. Về thời hạn giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, ông Tuyến cho rằng, cần phải “luật hóa” khi đất đã được giao, cho thuê mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chỉ cho phép chậm tiến độ một lần và thời hạn chậm không quá 12 tháng. Nếu quy định rõ như vậy thì chủ đầu tư mới “sợ” để thực hiện đúng cam kết.

Đặc biệt, dự thảo Luật lần này cần đưa ra các điều kiện “khắt khe” với chủ đầu tư như: chứng minh năng lực tài chính thông qua kiểm toán và phải ký quỹ. Đất của các dự án bị thu hồi, nếu vẫn chưa tiến hành đầu tư thì có thể giao lại cho người dân để họ sản xuất, còn nếu đã đầu tư rồi thì tìm kiếm nhà đầu tư khác đủ năng lực thay thế.

Thiết nghĩ, từ những dự án “treo” như Tuần Châu, ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ngành chức năng cần có những nghiên cứu, từ đó đưa ra quy định sát thực tế sao cho tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, bền vững, đặc biệt diện tích đất hai lúa phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, bởi cho đến thời điểm này, quan điểm “dĩ nông vi bản” của cha ông vẫn chưa bao giờ là cũ.

Duy Phong

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top