Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 7 năm 2022 | 9:42

Vùng đất thiêng Quảng Trị những ngày tháng Tri ân

Những ngày tháng Bảy lịch sử, chúng tôi trở lại vùng đất lửa Quảng Trị, được chứng kiến những kỷ vật thời chiến, gặp những nhân chứng sống về một thời oanh liệt.

Nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ với sự biết ơn vô tận đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bức tâm thư chiến sỹ Thành cổ

Tháng Bảy tri ân là những ký ức khó quên trong lòng mỗi người khi về với vùng đất thiêng Quảng Trị, được hòa mình vào các hoạt động thắm đượm nghĩa tình đồng bào, đồng chí, được khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tưởng nhớ những người con ưu tú đã hóa thân vào đất đai, sông núi, cho độc lập, tự do Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân.

 

1.jpgHình ảnh các chiến sỹ của khẩu đội súng cối kiên cường bám trụ tại Thành cổ.

 

Chúng tôi có mặt tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, nơi đang lưu giữ và trưng bày nhiều di vật, hình ảnh... của các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh ở vùng đất này. Mỗi kỷ vật trong bảo tàng này đều thấm đẫm trong mình máu và nước mắt của biết bao thế hệ với những số phận nghiệt ngã cuộc đời dù đi qua chiến tranh, đi qua bao lần sinh tử.

Trong đó, đã lấy đi không biết bao nước mắt của người dân là bức thư được trưng bày trong lồng kính của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Anh viết ngày 11/9/1972, trước ngày anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày (ngày hy sinh 2/1/1973).

Ai đọc bức tâm thư đều cũng không thể ngăn dòng nước mắt với những trang viết đầy lắng đọng của người chiến sỹ gửi đến người mẹ thân yêu, người vợ dịu hiền và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh Tổ quốc. Ẩn sâu trong 10 trang thư hoen ố màu thời gian ấy là những câu chuyện cảm động của những lời dự cảm về cái chết, ngày ra đi đến với mình, là tình thương gửi đến mẹ yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình và trên hết là lý tưởng.

 

2.jpg
 

“Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lả, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hởi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều nay bao hy sinh nuôi con khôn lớn, song, vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lại sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc.

Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những  chẳng được diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu đợt này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa nhau. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe, yêu đời. Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em, khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm…”.

Trong những dòng di thư, bên cạnh những dòng thư viết vội gửi đến người mẹ kính yêu đã già yếu nơi quê nhà, anh cũng dành tình cảm cho người vợ mới cưới, cho người thân với những gửi gắm, dặn dò tha thiết. Tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt luôn hằn sâu trong tâm thức. Không những thế, anh còn tiên đoán được ngày mình hy sinh cũng như cái nơi mà anh sẽ ngã xuống, địa điểm đồng đội sẽ chôn cất.

Trong bức thư người chiến sỹ trẻ Lê Văn Huỳnh cũng đã dự cảm chính xác về ngày 2/1/1973 anh hy sinh. Đây cũng chính là ngày tròn 1 năm kỷ niệm ngày cưới của anh với người vợ hiền Đặng Thị Xơ (quê nhà Thái Bình). Không dừng lại ở đó, sự linh cảm kỳ diệu của bức di thư được anh viết rất chi tiết về ngày mình ra đi. Trong thư anh Lê Văn Huỳnh đã ghi rõ thời gian mất, địa điểm nơi mình hy sinh. Cũng chính nhờ vậy mà mà gia đình đã tìm được hài cốt của anh sau 30 năm lưu lạc (1972-2002).

Đêm đêm nhớ đồng đội

Trong chuyến về lại Quảng Trị, chúng tôi may mắn được gặp cựu binh Bùi Mãnh Liệt (quê Hòa Bình), là chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị, ông Liệt là lính trinh sát tại Sư đoàn 308 đi B năm 1972 tại Quảng Trị. Trong khoảng thời gian đầu tháng 4/1972, chiến trường Quảng Trị giao tranh quyết liệt với việc quân địch trút xuống Thành cổ Quảng Trị hàng nghìn tấn bom và hàng chục vạn quả đạn pháo như bom B52 ném bom tọa độ với khoảng 15 phút một đợt, nhiều loại vũ khí tối tân như pháo mặt đất, pháo hạm từ biển bắn vào.

Ông Liệt có nhiệm vụ bám nắm tình hình tại các khu vực địch đóng quân; tham gia quan sát tại các điểm cao tại Thành cổ Quảng Trị để báo cáo chỉ huy xác định các khu vực căn cứ quân sự của địch. Trong trận chiến quyết liệt ngày 12/4/1972, ông Liệt bị thương sau trận bom B52 và được đồng đội đưa về trạm quân y hậu cứ để dưỡng thương. Sau khi dưỡng thương, ông Liệt được đơn vị cử đi học lớp y tá 3 tháng tại một khu rừng thuộc Vĩnh Linh để tiếp tục trở vào chiến trường chăm sóc, kịp thời sơ cứu đồng đội đang chiến đấu. Tháng 8/1972, ông Liệt trở lại mặt trận bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vòng ngoài với nhiệm vụ cứu thương cho lực lượng trinh sát Sư đoàn 308.

“Tôi đã từng tham gia chiến đấu trong những trận chiến ác liệt nhất tại Thành cổ Quảng Trị, ký ức mà tôi nhớ nhất là cùng với đồng đội lính trinh sát tại Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã bắn rơi một máy bay trực thăng của địch bằng súng AK, bắt sống một tên giặc lái… Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất”, ông Liệt trầm ngâm.

 

6.jpg

Cựu binh Võ Công Hoan bùi ngùi kể lại chuyện chiến trường xưa.

 

Cựu binh Võ Công Hoan, trú Đông Hà, người từng tham gia nhiều chiến trường như: Bình Trị Thiên, Đông Nam Bộ, Biên giới và cũng đã phải chứng kiến nhiều đồng đội lần lượt ngả xuống trước làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Nhưng có lẽ sự việc khiến ông Hoan day dứt nhất đó là còn nhiều đồng đội của ông vẫn chưa được tìm thấy.

 “Trong một ngày tháng 12/1973, trung đội của tôi được lệnh xuất kích đánh cứ điểm trên cao của kẻ thù tại khu rừng ở Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Khi đang xung phong tiến lên khu rừng thì đại liên của địch ở trên cao xả xuống xối xả, đồng chí Chinh, Trung Đội phó bị trúng đạn ngã lăn ra đất. Tôi với đồng chí Quốc y tá bò tới băng bó cho anh Chinh và nói anh hãy đợi anh em vô đánh địch dứt điểm xong rồi đưa anh ra, nhưng vừa mới băng bó xong thì anh Chinh cũng tắt thở”, ông Hoan nhớ lại.

Sau đó, trong quá trình chiến đấu để giành công sự với địch, ông Hoan không may bị thương nặng và được chuyển đến bệnh viện để điều trị.

“Tôi đã hứa với anh Chinh là quay trở lại đưa anh ra, nhưng tôi đã không thể làm được. Mình còn may mắn được sống trong hòa bình hạnh phúc, nhiều đêm liền nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống đến nay vẫn chưa được tìm thấy, mình không thể nào chợp mắt được”, cựu binh Võ Công Hoan chia sẻ trong nước mắt.

 

4.jpgNhững chiến sỹ năm xưa trở về thắp hương cho đồng đội.5.jpg
Nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng, liệt sỹ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

Những chuyến bồi đắp tâm hồn

Tháng Bảy hằng năm, Quảng Trị trở thành địa chỉ tâm linh để người dân cả nước đến tưởng vọng, tri ân các anh hùng liệt sỹ. Dù là giữa cái nắng hè gay gắt và kể cả ban đêm, tại Nghĩa trang lớn Đường 9 và Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, người thân của các liệt sỹ, du khách hành hương đến với Quảng Trị đều được hướng dẫn tận tình, chu đáo để thực hiện các nghi lễ.

Trong dòng người hướng về Quảng Trị những ngày tháng Bảy lịch sử, anh Nguyễn Quang Tám, người dân đến từ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, anh cùng cơ quan lại quay về Quảng Trị để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sỹ, thăm, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ. 

“Hơn chục năm nay, năm nào đoàn chúng tôi cũng đến Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Di tích Thành Cổ Quảng Trị để viếng các anh. Đứng trước hàng chục ngàn ngôi mộ liệt sỹ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc. Họ là những người con trai, con gái từ khắp các miền quê Việt Nam và họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều người còn chưa có người yêu, chưa biết đến nụ hôn đầu. Nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ với sự biết ơn vô tận đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”, anh Tám không thể ngăn dòng cảm xúc tâm sự.

Không gian ở những Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia ở Quảng Trị về đêm dường như linh thiêng, lắng đọng hơn giữa muôn vàn ánh nến lung linh được thắp sáng trên các phần mộ liệt sỹ và bảng lảng khói hương phảng phất. Cảm giác trong không gian linh thiêng vào ban đêm trong tiếng nhạc trầm lắng khiến người đến viếng nghĩa trang càng thêm xúc động khi được thắp nén tâm hương, tưởng nhớ các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, từ tháng Bảy này, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ viếng ở 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia vào ban đêm.

Ông Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, việc đưa vào hoạt động hệ thống các công trình điện chiếu sáng và âm thanh tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành cổ Quảng Trị nhằm tổ chức cho người dân và du khách tham quan các di tích vào buổi tối, vừa giúp tỉnh có thêm sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo để thu hút du khách, vừa góp phần khai thác và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng; cũng như tạo điều kiện để các du khách không có thời gian tham quan vào ban ngày. Việc làm này của tỉnh nhằm cố gắng góp thêm một phần trách nhiệm để xoa dịu nỗi đau cũng như nhân lên sự ấm áp cho các gia đình thân nhân liệt sỹ. Quảng Trị đang hướng đến đưa những địa chỉ đỏ này trở thành các công viên văn hóa, tri ân và tưởng niệm.

Anh Võ Văn Dũng  (quê Nghệ An) chia sẻ, đã nhiều năm theo cơ quan đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn vào dịp 27/7, nhưng đây là lần đầu tiên, anh đến thắp hương vào buổi tối. Cảm giác đi trong không gian linh thiêng vào ban đêm trong tiếng nhạc trầm lắng khiến anh vô cùng xúc động, nghẹn ngào khi được thắp nén tâm hương, tưởng nhớ các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

 

3.jpgTrong những ngày tháng Bảy, nhiều dòng người đổ về Quảng Trị để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sỹ. Trong ảnh: Thăm viếng di tích Thành cổ Quảng Trị.

 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 60.000 liệt sỹ đang an nghỉ. Mỗi năm vào dịp ngày 27/7, có tới hàng chục vạn người dân và du khách trong cả nước đến Quảng Trị để viếng, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Bắt đầu từ năm 2021, Quảng Trị đã dành ra gần 5 tỷ đồng thực hiện chuẩn hóa khắc lại trên 6 ngàn bia “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin”. Trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ cần gần 10 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện công việc chuẩn hóa khắc lại gần 14 ngàn tấm bia trên các mộ liệt sỹ còn lại.

 

 

 

T.Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top