Nước Pháp đang trải qua một "cơn sóng thần" mang tên Macron, mà đỉnh của nó sẽ được ghi nhận tại vòng hai cuộc bầu của Quốc hội ngày 18/6.
Từ bất ngờ đến kinh ngạc
Với 32,3 % số phiếu bầu, Đảng Cộng hòa tiến bước (REM) giành thắng lợi vang dội tại vòng một cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ngày 11/6, vượt lên trên Đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu (21,50%); Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu (13,20%). Còn đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất và đảng Cộng sản (PCF) tính chung được 13,74%; trong khi đảng Xã hội (PS), từ đa số rơi xuống tỷ lệ thấp kỷ lục 9,51%. Các tổ chức bảo vệ môi trường, điểm tựa đồng minh của đảng Xã hội trong nhiều thập niên, chỉ được 4,30%.
Thắng lợi nói trên của REM khiến người ta thêm một lần kinh ngạc sau khi Emmanuel Macron, mới 39 tuổi, chú lính mới trong giới chính trị, đã "nẫng tay trên" chiếc chìa khóa vào Điện Elysée trước mắt các ứng cử viên sừng sỏ của các đảng phái truyền thống trong cuộc Bầu cử Tổng thống Pháp các đây hơn một tháng.
Giành đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội là mục tiêu nhưng cũng là thách thức lớn của tân Tổng thống Emmanuel Macron. Không có một đa số tuyệt đối trong Quốc hội, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ rất khó khăn trong việc điều hành, bởi đảng REM sẽ phải liên minh và chia sẻ quyền lực với các đảng khác. Đấy là chưa kể khả năng ông trở thành Tổng thống "giấy", nếu một đảng truyền thống (như đảng Những người Cộng hòa-LR cánh hữu) giành đa số tuyệt đối, sẽ nắm Thủ tướng trong điều hành chính phủ.
Người ta đã hình dung một sự "phản công", một cuôc "phục thù" của các đảng truyền thống trong bầu cử Quốc hội, vô hiệu hóa hoặc chí it buộc Emmanuel Macron phải chia sẻ quyền lực. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và như có "phép mầu" REM đã thắng lợi vang dội, giành đa số áp đảo. Emmanuel Macron đã đạt mục tiêu ngay tại vòng một cuộc bầu.
Các đảng phải truyền thống tả-hữu, từng ngự trị chính trường Pháp nhiều năm qua chịu thất bại thê thảm, chưa từng thấy. Hàng loạt chính trị gia gạo cội phải nhường bước cho các ứng cử viên trẻ của REM, điển hình là việc ứng cử viên vừa tranh cử Tổng thống Benoit Hamon hay Bí thư toàn quốc Jean-Chrisophe Cambadelis của PS bị loại ngay từ vòng một. Lãnh đạo đảng cự tả Nước Pháp Bất khuất, Jean-Luc Mélenchon, phải chờ vòng hai mới có cơ may đắc cử.
"Làn sóng Macron" sẽ lên đỉnh tại vòng hai
Sang vòng 2, chỉ được tham gia tiếp ai đạt trên 12,5 % trong vòng 1, và ai có số phiếu tương đối cao hơn là trúng cử. Dự đoán, Đảng REM sẽ tiếp tục ưu thế để khẳng định một thắng lợi áp đảo chung cuộc.
Theo các cuộc thăm dò mới nhất, đảng REM của tổng thống Macron và đảng liên minh MoDem sẽ giành được từ 440 đến 470 trong tổng số 577 ghế của Quốc Hội, tức là chiếm đa số đến 4/5. Đảng cánh hữu LR-UDI-DVD chỉ giành được từ 60 đến 80 ghế. Đảng cánh tả PS-PRG-DVG được từ 22 đến 35 ghế. Phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất và PCF từ 14 đến 25 ghế. Đảng cực hữu FN chỉ có từ 1 đến 6 ghế, thấp hơn rất nhiều so với hy vọng trở thành lực lượng đối lập hàng đầu, sau kết quả kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống. Các đảng phái còn lại giành được từ 7 - 12 ghế.
Toàn cảnh chính trị Pháp thay đổi. Đảng PS của cựu tổng thống François Hollande, đang kiểm soát 50% số ghế trong Quốc hội mãn nhiệm, sẽ trở thành phái thiểu số với khoảng trên dưới 30 đại biểu. Bên cánh hữu, đảng LR cũng bị mất một nửa số ghế so với cuộc bầu cử Quốc hội cách đây 5 năm. Mặt FN cực hữu của bà Marine Le Pen không tạo được sức đột phá như dự đoán. Còn phong trào cực tả, Nước Pháp Bất khuất, chỉ hy vọng có được tối đa 23 đại biểu trong Quốc hội mới.
Nỗi lo trong niềm vui
Những thắng lợi liên tiếp của Emmanuel Macron, của đảng LREM là sự khẳng định thắng lợi của ý tưởng tạo nên những chuyển biến sâu rộng trong đời sống chính trị nước Pháp: phá bỏ sự phân định cứng nhắc tả-hữu; trong sạch hóa môi trường chính trị; trẻ hóa, cân bằng giới tính, xã hội hóa chính giới...
Tuy nhiên, đây là thắng lợi mong manh. Cần thấy rằng có trên 51% cử tri Pháp vắng mặt trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng một và trong tổng số 47 triệu cử tri, chỉ có hơn 6 triệu - tức thực tế chỉ có chưa đầy 15% bỏ phiếu cho REM. Trong nền Cộng hòa thứ 5, chưa một đa số tuyệt đối nào lại được ít lá phiếu như vậy. Thắng lợi của REM vì thế vẫn mong manh và sẽ rất khó khăn để khẳng định nó.
Thêm nữa, một đa số áp đảo của REM tại Quốc hội, một quyền lực tập trung tạo thế mạnh cho Emmanuel Macron, nhưng cũng là mối lo. Nếu như trước vòng một cuộc bầu cử Quốc hội, người ta kêu gọi hãy để cho tân Tổng thống có cơ may (có được đa số tại Quốc Hội để thực hiện các cam kết đưa ra lúc tranh cử), thì nay khi mong ước đã trở thành hiện thực, mối lo khác lại xuất hiện.
Tờ Le Monde có bài bình luận "Macron và những thách thức bá quyền". Dưới tiêu đề "Bầu cử Quốc hội: Macron trước những cạm bẫy của một thắng lợi áp đảo", tờ Les Echos bày tỏ sự lo lắng trước việc đảng REM có đa số áp đảo, làm át đi mọi tiếng nói đối lập. Chủ tịch LR, François Baroin, lo ngại "một đa số tuyệt đối có nguy cơ đè bẹp các cuộc tranh luận", đồng thời lưu ý các nghị sỹ của REM chưa có kinh nghiệm chính trường, chưa có những kỹ năng cần thiết trong nghị viện. Ông Jean-Luc Mélenchon, chủ tịch đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất cảnh báo nguy cơ trong Quốc hội mới "số dân biểu đối lập còn ít hơn ở Nga"./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.