Ngày 19/12, tại cuộc họp báo về các vấn đề liên quan đến quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama cho rằng đây là một quyết định đơn phương, không có giá trị pháp lý và không ảnh hưởng gì đến pháp luật quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh tất cả các nước trên thế giới đều phản đối và không chấp nhận quyết định này.
Đòn đánh thẳng vào trái tim luật pháp quốc tế
Đại sứ Salama nhấn mạnh: “Lãnh thổ bị chiếm đóng của Nhà nước Palestine là một thực tế pháp lý đã có từ lâu. Nó bao gồm Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem và Dải Gaza. Không tuyên bố chính sách nào từ bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ, sẽ làm thay đổi điều đó.
Các quyền dân tộc bất khả xâm phạm và các quyền con người của dân tộc Palestine cũng là những thực tế chính trị và pháp lý đã có từ lâu theo luật pháp quốc tế. Có thể nói rằng những điều này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ quốc tế lớn nhất có thể có. Điều này vẫn đúng ngay cả sau khi Trump đưa ra quyết định trái pháp luật này”.
Ông Salama cho rằng, sự thay đổi chính sách của Mỹ đã vi phạm trực tiếp thư cam đoan của chính nước này gửi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) năm 1993, trong đó Mỹ cam kết không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Quyết định của Tổng thống Trump cũng đã tự làm Mỹ mất tư cách đóng vai trò người trung gian trong cuộc xung đột Israel-Palestine và đặt họ thẳng vào vị trí nghiêng về sự thù địch với các quyền của Palestine và luật pháp quốc tế.
Đại sứ Salama cảnh báo các hậu quả chính trị của quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel là rất nghiêm trọng và có tác động rộng khắp trong và ngoài khu vực bởi nó làm phương hại đến hệ thống quốc tế một cách tổng thể và đánh thẳng vào trái tim của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên Hợp Quốc.
“Bước đi này làm tổn thương tinh thần và từ ngữ của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên Hợp Quốc, trong đó quan trọng nhất là việc không thể chấp nhận việc chiếm lãnh thổ bằng vũ lực cũng như quyền cơ bản và bất khả xâm phạm của các dân tộc là quyền Tự quyết.
Quyết định này chẳng khác gì một thông điệp nói với các quốc gia rằng họ có thể điều khiển thực tế bằng vũ lực và những vi phạm đối với luật pháp quốc tế. Nó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của bạo lực và coi thường luật pháp quốc tế trên khắp thế giới”, Đại sứ Palestine tại Việt Nam nói.
Về những diễn biến mới nhất liên quan đến quyết định của Mỹ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Tổng thống Donald Trump rút lại việc công nhận Jerusalem là của Israel, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama nêu rõ:
“Chúng tôi cho rằng việc sử dụng quyền phủ quyết đó là hoàn toàn sai trái, không phù hợp với pháp luật quốc tế, động thái chẳng khác nào một cuộc xâm lăng mới đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Palestine, vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc mà chính Mỹ từng bỏ phiếu ủng hộ. Palestine sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh ngoại giao của mình, tiếp tục cuộc kháng chiến phi bạo lực, đồng thời đưa ra những quyết định phục vụ cho lợi ích của nhân dân Palestine”.
Hoan nghênh sự ủng hộ của quốc tế
Trong tuyên bố của mình, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama bày tỏ hài lòng đối với sự phản đối áp đảo của cộng đồng quốc tế trước quyết định của Tổng thống Mỹ, nhấn mạnh tất cả các Nhà nước đều có nghĩa vụ chính trị và pháp lý thường trực là bác bỏ quyết định trái pháp luật này và bảo vệ quyền tự quyết bất khả xâm phạm của dân tộc Palestine đối với vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1967.
Ông Salama nói: “Bên cạnh việc thể hiện rõ ràng sự phản đối đối với biện pháp trái pháp luật này, chúng tôi kỳ vọng các quốc gia sẽ có những biện pháp thực tế và hiệu quả để đương đầu với diễn biến nguy hiểm này”.
Đại sứ Salama cũng bày tỏ sự cảm kích đối với lập trường của Việt Nam về Jerusalem.
Trước đó, hôm 8/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan ngại quyết định của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định tại khu vực Trung Đông. Bà Hằng cho biết, Việt Nam có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với tất cả các quốc gia Trung Đông, trong đó có Palestine, Israel.
Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực khu vực, quốc tế và các bên liên quan nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, đem lại hòa bình bền vững và lâu dài cho Trung Đông, vì lợi ích và sự phát triển của tất cả các nước trong khu vực, đóng góp chung cho hòa bình khu vực và thế giới.
Việt Nam tái khẳng định lập trường nhất quán về việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel với đường biên giới trước năm 1967.
Việt Nam cho rằng mọi giải pháp liên quan đến Jerusalem cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, với sự đồng thuận của các bên liên quan.
“Lập trường của Việt Nam là động lực, là nguồn cảm hứng cho người Palestine tin tưởng vào đường đi của mình. Tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng và chúng tôi coi sự ủng hộ của Việt Nam rất đặc biệt bởi đó là sự cổ vũ tinh thần của một dân tộc đã trải qua bao đau thương vì chiến tranh, của một đất nước đang vươn lên ngày một giàu mạnh”, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama nói.
Đại sứ Salama khẳng định, cùng với sự ủng hộ của Việt Nam và của cộng đồng quốc tế, Palestine sẽ tiếp tục con đường đấu tranh của mình dù phía trước còn nhiều khó khăn, gian khổ.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng Palestine dựa vào luật pháp quốc tế với sự nghiệp chính nghĩa cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của thế giới, sẽ có một ngày trở thành quốc gia độc lập, tự do, cùng với các quốc gia trong khu vực và thế giới đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, phát triển kinh tế xã hội, phát triển các mối quan hệ vì lợi ích chung của Palestine và các dân tộc bạn bè./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…