Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 10 năm 2021 | 11:0

18 xã, thị trấn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh quyết liệt dập dịch

Chính quyền địa phương, người chăn nuôi đang gấp rút khoanh vùng, dập dịch, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh dịch tả châu Phi sau khi 18 xã, thị trấn của 9 huyện, thành phố, thị xã tại Hà Tĩnh ghi nhận dịch có dịch.

Dịch xuất hiện từ ngày 8/10 tại Xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy 5 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi của 3 hộ dân tại 2 thôn Liên Tân và Nam Phong, đồng thời tổ chức phun hóa chất, xử lý môi trường trên diện rộng. Nhằm khống chế thiệt hại và giảm sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền và nhân dân Thượng Lộc đã gấp rút triển khai khoanh vùng dịch đồng thời triển khai nhanh các biện pháp phòng chống dịch, bảo vệ đàn vật nuôi.

 

ld.jpg
Trước diễn biến phức tạp và sức tàn phá nặng nề của dịch tả lợn châu Phi đối với nền chăn nuôi, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

 

Thông tin từ UBND xã Thượng Lộc: “Hiện nay, toàn xã có tổng 4.300 con với quy mô 800 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 2 trang trại. Với mục tiêu không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không chủ quan và ký cam kết đến từng hộ dân tuân thủ nguyên tắc “5 không” trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi đó là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”.
 
Chị Bùi Thị Uyên trú tại thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc cho biết: “Gia đình tôi nuôi tổng hợp cả lợn nái, lợn thịt theo hình thức cuốn chiếu với tổng đàn từ 30-40 con. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gia đình tôi luôn chủ động bổ sung thêm nhiều vitamin từ các loại rau củ quanh vườn nhà để đảm bảo thêm nguồn dinh dưỡng từ rau xanh cho đàn lợn. Đồng thời, mọi thức ăn dư thừa tận dụng đều được nấu sôi, cho chín kỹ rồi mới cho đàn lợn ăn".
 
Nông dân cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã từng phải chịu thiệt hại nặng nề bởi nhiều đợt do dịch tả lợn châu Phi mang lại. Do vậy, để tránh thiệt hại người dân cần nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đối với các trang trại quy mô, chi phí đầu tư lớn thì vấn đề bảo vệ đàn vật nuôi nghiêm ngặt hơn.
 
Bà Nguyễn Thị Niên, chủ gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Vì đã nhiều năm bị ảnh hưởng nặng bởi dịch tả châu Phi, do đó gia đình tôi luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch. Chăn nuôi chuồng trại luôn đảm bảo sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực chăn nuôi. Đồng thời tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng các loại vitamin và thuốc bổ, điện giải…”.
 
tl.jpg
Hà Tĩnh là một trong những địa phương nhiều lần chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch tả châu Phi mang lại.
Trao đổi với pv Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết: “Tổng đàn lợn của Hà Tĩnh hiện nay là 383.000 con, trong đó 58% tổng đàn thuộc quy mô trang trại và 42% tổng đàn thuộc quy mô nông hộ. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao ở quy mô nông hộ bởi người dân chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”.
 
Để bảo vệ an toàn tổng đàn, người dân cần thực hiện chăn nuôi hướng an toàn sinh học với nhiều biện pháp kết hợp như: Chủ động xây dựng các mô hình chuồng kín, tách biệt; mua con giống ở những cơ sở uy tín, chất lượng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin theo quy định cho đàn vật nuôi; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ cho ăn sạch sẽ... Ngoài ra, người dân cần chú ý cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, dễ tiêu, phù hợp với lứa tuổi của đàn lợn cũng như bổ sung các loại thuốc bổ như: điện giải Bcomlex, vitamin… để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
 
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không chủ quan, không giấu dịch. Nếu thấy lợn có triệu chứng bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Cần khoanh vùng nhanh, gọn tránh xử lý cồng kềnh không hiểu quả làm tăng nguy cơ lây nhiễm rộng trên đàn vật nuôi.
 
 
Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
Top